Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Những giá trị sống mãi với thời gian

Thứ Hai 22/05/2023 | 11:15 GMT+7

VHO- Bên lề Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, các tác giả, thân nhân tác giả vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý đã chia sẻ niềm vui, sự tự hào khó đong đếm.

“Động lực thúc đẩy đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ phấn đấu”

NSND Lê Khình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với hai tiết mục múa đậm chất dân gian: Những bông đỏ của rừng Những cô gái Phiêng Hào. NSND Lê Khình cho biết, cả hai tiết mục được ông lấy cảm hứng từ đời sống văn hóa của đồng bào DTTS. “Với Những bông đỏ của rừng, tôi miêu tả nét đặc sắc trong đêm nhảy lửa, lễ cưới, trang phục… của dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang. Những cô gái Phiêng Hào là vẻ đẹp của những cô gái dân tộc Lự trong bộ trang phục dân tộc màu đen kết hợp với hoa văn trắng”, NSND Lê Khình nói.

Nói đến nghệ thuật múa vùng Việt Bắc không thể không nhắc đến tên tuổi của NSND Lê Khình. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn miệt mài sáng tạo, nặng lòng với những điệu múa dân gian, giữ gìn hồn cốt văn hóa dân tộc. Hàng trăm tác phẩm múa dân gian đã được ông dàn dựng thành công. Với ông, biên đạo tiết mục múa của một dân tộc nào đó không phải cứ lấy điệu múa sẵn có để mô phỏng lại. Người biên đạo phải đi sâu vào đời sống văn hóa của bà con, tìm hiểu tâm tư của họ để lấy chất liệu cho bài múa của mình. Có chất liệu, việc biên đạo làm sao để người xem hiểu, yêu hơn văn hóa của cộng đồng các dân tộc mới là cái khó.

Cả một đời “lăn xả” vì nghệ thuật múa dân gian, “trái ngọt” đã đến với NSND Lê Khình khi ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2021. Với ông, niềm vui này còn là động lực thôi thúc tiếp tục cống hiến. “Tôi mong muốn Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT sẽ là mục tiêu để đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ phấn đấu. Tôi luôn khích lệ các biên đạo trẻ không chỉ đi theo con đường nghệ thuật đương đại mà phải phát huy các giá trị của múa dân gian. Với sức sáng tạo dồi dào, tôi tin các nghệ sĩ trẻ sẽ có được những tác phẩm tốt, mang hơi thở thời đại...”, NSND Lê Khình bày tỏ.

“Giải thưởng được xét tặng công tâm”

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT với tập truyện ngắn Mối tình chàng Lung mù. Câu chuyện mang đến cho độc giả nhiều cảm xúc về những số phận con người thời hậu chiến.

Nhà văn gốc Thanh Hóa bộc bạch niềm hạnh phúc khi những cống hiến trong sự nghiệp cầm bút của mình được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Các nhà văn ở địa phương khi cho ra mắt tác phẩm thường ít được bạn đọc chú ý. Số lượng sách in ra cũng không nhiều nên thường chịu thiệt thòi hơn. Giải thưởng Nhà nước về VHNT mà ông có được là vinh dự lớn trong cả cuộc đời. Nhà văn nhìn nhận, công tác xét giải diễn ra rất công tâm. Các hồ sơ chưa được Giải thưởng không hẳn vì tác phẩm, công trình không chất lượng. Đây có thể do vướng mắc về các quy định của pháp luật hiện hành nên các hồ sơ này chưa đủ điều kiện để trình Chủ tịch nước. Nhà văn cũng hy vọng công tác xét tặng sẽ tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi để các quy định ngày càng phù hợp hơn; đảm bảo không bỏ sót các tác phẩm có giá trị, không để các văn nghệ sĩ xứng đáng chưa được vinh danh.

“Những thước phim còn mãi với thời gian…”

NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải) là một trong 8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm phim tài liệu Du kích Củ Chi, Hạt lúa vành đai Đội nữ pháo binh Long An. Trao đổi với Văn Hóa, chị Phan Huỳnh Trang, con gái cố NSƯT Phan Thế Dõng xúc động không nói thành lời khi cha mình nhận được giải thưởng cao quý nhất về VHNT. “Giải thưởng này là sự ghi nhận đóng góp của cha tôi cho nền VHNT nước nhà. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao của cả gia đình chúng tôi”, chị tâm sự.

Xem lại những bộ phim tài liệu của NSƯT Phan Thế Dõng, khán giả thấy được bối cảnh đất nước những năm 60. Mưa bom, bão đạn từng “cày xới” đất nước ra sao. Con gái nghệ sĩ cho hay: “Với những người làm điện ảnh thế hệ đi sau như chúng tôi, khi xem phim còn cảm nhận rõ nét sự tự hào. Tự hào một phần vì đó là bộ phim do cha mình làm. Nhưng trên hết, sự tự hào ấy còn đến từ việc đất nước có được đội ngũ văn nghệ sĩ sẵn sàng xả thân, đi vào những nơi khắc nghiệt nhất để làm ra những thước phim tài liệu vẹn nguyên giá trị với thời gian”.

Khi tham gia sản xuất những bộ phim tài liệu này, NSƯT Phan Thế Dõng không nghĩ đến chuyện mình được giải thưởng gì. Ông chỉ mong những bộ phim tài liệu được mình làm ra sẽ là “vốn quý” để lớp đi sau hiểu thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, hi sinh thế nào để bảo vệ Tổ quốc; để thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống đó, bảo vệ đất nước trong thời bình. Ít ai biết rằng ngay cả khi ông qua đời, gia đình cũng không có ý định chuẩn bị hồ sơ xét tặng vì nhớ đến lời cha dạy phải biết khiêm tốn. Phải đến khi Cục Điện ảnh thuyết phục vì nhận thấy những cống hiến của ông xứng đáng được Nhà nước ghi nhận, gia đình mới phối hợp để chuẩn bị hồ sơ.

“Người nghệ sĩ phải lấy văn hóa dân gian làm gốc”

Sau 65 năm gắn bó và cống hiến cho nghệ thuật múa và âm nhạc, NSND Hoàng Ngọc Hải (Hoàng Hải) đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021 cho cụm tác phẩm kịch múa Vĩnh biệt hoa anh túc, múa Hò sông Mã, múa Hướng đăng và múa Khúc khải hoàn. Với ông, việc được nhận giải thưởng vừa là may mắn, vừa là trách nhiệm trong tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại.

NSND Hoàng Hải trải lòng: “Là một nghệ sĩ thì phải không ngừng sáng tạo, và sự sáng tạo đó đều phải dựa trên cái “gốc” bền. Với tôi, văn hóa dân gian của cha ông chính là cái gốc vững chắc để tôi thỏa thích làm mới. Ngược lại, nếu người nghệ sĩ có tâm lý “có mới nới cũ”, thì chính là “bỏ gốc lấy ngọn”, không thể phát triển bền vững”. Quan điểm về nghệ thuật của NSND Hoàng Hải đã được ông minh chứng trong chính những tác phẩm sáng tác của mình. NSND Hoàng Hải cũng nhấn mạnh, nghệ sĩ không được dễ tính với bản thân để cho ra những tác phẩm “hiền hiền”, không dám đi vào vấn đề nóng của xã hội. Trong Vĩnh biệt hoa anh túc, NSND Hoàng Hải phản ánh công cuộc phòng chống ma tuý của các chiến sĩ công an để bảo vệ người dân, bảo vệ an ninh Tổ quốc - một vấn đề nóng của xã hội. “Khi được sân khấu hóa, những vấn đề nóng ấy luôn nhận được sự ủng hộ của công chúng bởi những giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của các tác phẩm đó sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông nói.

“Con đường tôi đi luôn đòi hỏi phải dấn thân”

NSNA Nguyễn Á chia sẻ niềm tự hào, vinh dự khi được nhận Giải thưởng Nhà nước với sách ảnh Họ đã sống như thế. Đây là cuốn sách đầu tiên của anh ra mắt cách đây hơn 10 năm, ghi lại chân thực 100 thân phận hết sức khắc nghiệt cùng với nghị lực sống tuyệt vời của những người trót sinh ra từ ô cửa không may. Bằng việc tìm kiếm những nhân vật xuất sắc một cách công phu và cẩn trọng trong vòng 2 năm, Nguyễn Á ghi lại được 100 mảnh đời, 100 tấm gương lao động...

Mỗi khoảnh khắc trong ảnh là một bài học lý tưởng sống bằng xương thịt giàu sức thuyết phục và thấm đẫm giá trị nhân văn. Nét độc đáo của bộ ảnh Họ đã sống như thế vì thế nằm ngay trong mỗi nhân vật. Cái xù xì, thô ráp của thực tại trộn lẫn vẻ đẹp long lanh của tính cách sống đã tạo được mối đồng cảm sâu xa trong lòng công chúng. Để có được thành quả như ngày hôm nay, Nguyễn Á luôn nỗ lực hết mình. “Con đường tôi chọn để đi khá độc lập và rất riêng. Chỉ với chiếc máy ảnh, tôi một mình lặn lội tới nơi biên giới, hải đảo và vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, tôi thích đi vào mảng tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam, biển đảo, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng. Tôi di chuyển thường xuyên và những bức ảnh cứ chất đầy trong kho lưu trữ để làm tư liệu cho những công trình sách, những triển lãm lớn…”, anh chia sẻ.

Cũng theo NSNA, con đường anh đi luôn đòi hỏi phải dấn thân, lao tâm khổ tứ: “Tôi nghĩ rằng, cứ tận tâm, âm thầm làm, âm thầm cống hiến thì đến một lúc nào đó công sức của mình sẽ được ghi nhận, đền đáp. Hãy đến với nghề bằng tấm chân tình rồi sẽ nhận lại là một tấm lòng ấm áp”.

  NHÓM P.V (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top