Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Điện ảnh, cú hích phát triển du lịch (Bài 2): Sớm “bắt tay” để cùng đồng hành

Thứ Sáu 26/05/2023 | 10:50 GMT+7

VHO- Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch thông qua điện ảnh là kênh quảng bá hữu hiệu trong Chiến lược phát triển du lịch quốc gia và góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn. Rất nhiều nước trên thế giới đang làm điều này.

 Một trong những bối cảnh quay phim “Hoa vàng trên cỏ xanh”

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam có quá nhiều cảnh đẹp, nhiều tiềm năng phát triển du lịch và cũng có nhiều bộ phim đoạt các giải thưởng trong nước, quốc tế. Đây chính là những lợi thế để qua đó Việt Nam quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam với bạn bè, du khách khắp nơi trên thế giới.

Nhiều tour du lịch tham quan bối cảnh quay phim

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên, nơi được đạo diễn Victor Vũ chọn làm bối cảnh của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cho biết: “Từ khi bộ phim được công chiếu với những cảnh đẹp của núi non, sông biển, cánh đồng bao la ở các miền quê Phú Yên thì lượng khách đến với tỉnh tăng đột biến, tạo cơ hội thu hút đầu tư, quảng bá du lịch. UBND tỉnh Phú Yên đã chủ động mời cả ê kíp đoàn phim về để giao lưu cùng người dân địa phương và giới thiệu về tiềm năng du lịch của Phú Yên. Nhiều cảnh quay trong phim còn chung chung, chưa khai thác hết các địa danh nổi tiếng, đặc trưng của Phú Yên nên chúng tôi cũng đã trao đổi, đề nghị các đạo diễn, đoàn phim lựa chọn và quay thêm những tác phẩm điện ảnh khác có sử dụng bối cảnh tại Phú Yên. Địa phương sẽ hỗ trợ tích cực cho các đoàn làm phim khi thực hiện các cảnh quay tại đây”.

Giám đốc Công ty du lịch Golden Life (Bình Định) Nguyễn Thị Xuân Lan cho hay, “sau khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được trình chiếu, rất nhiều khách du lịch đi tour Bình Định, Phú Yên đã yêu cầu được đến những nơi được chọn là bối cảnh quay bộ phim này. Nhu cầu được tìm hiểu về cuộc sống của người dân vùng biển, văn hoá địa phương cũng tăng lên rất nhiều từ đó. Chúng tôi cũng đã xây dựng nhiều tour du lịch như: Về xứ Nẫu ngắm hoa vàng cỏ xanh, Phú Yên - Gành đá đĩa - Hoa vàng trên cỏ xanh… phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách. Đến bây giờ, các tour này vẫn khai thác rất tốt”. Đạo diễn phim Kong: Skull Island Jordan Vogt - Roberts từng chia sẻ: “Khi đến Việt Nam, tôi thấy khung cảnh ở đây đẹp đến siêu thực, trong đó nhiều cảnh tưởng như không tồn tại trên thế giới này. Chúng tôi muốn đưa vào phim để khán giả thế giới có thể được thưởng thức những hình ảnh tuyệt đẹp đó. Tôi muốn Việt Nam lên hình sẽ thực sự khác biệt, gây ấn tượng tới mỗi người xem ở các nơi trên thế giới phải trầm trồ hỏi nhau đó là đâu và họ thực sự muốn đến đây sau khi xem phim”.

Nam diễn viên Samuel L.Jackson cũng đặc biệt ấn tượng khi đặt chân đến Việt Nam và tham quan một số danh thắng. “Trước khi đến Việt Nam để quay Kong: Skull Island, tôi đã tìm đọc các tài liệu về đất nước hình chữ S và rất mong chờ khoảng thời gian 5 tuần quay tại đây sẽ đem lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời như thế nào”, Samuel L.Jackson nói. Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định: “Phim Kong: Skull Island với sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh thế giới và cảnh quay được thực hiện tại một đất nước đẹp đến ngỡ ngàng... Đó sẽ là điểm nhấn nêu bật những tiềm năng du lịch tuyệt vời của Việt Nam và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ngành công nghiệp giải trí của 2 nước Việt - Mỹ”. Trên thế giới, nhiều nước đã dùng cách này để quảng bá điểm đến du lịch của mình. Sau khi phim Chúa tể những chiếc nhẫn được công chiếu, đất nước New Zealand nổi lên là điểm đến mơ ước của nhiều người. 14% khách du lịch quốc tế khi được hỏi cho biết phim Chúa tể những chiếc nhẫn là khiến họ quyết định du lịch New Zealand. Campuchia cũng bỗng nhiên nổi tiếng khi bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ (Tomb Raider) với nữ chính Angelina Jolie được quay lại Siem Riep. Busan (Hàn Quốc) trong Chiến binh báo đen (đạo diễn Black Panther) hay Singapore trong Giới siêu giàu châu Á (Crazy Rich Asian).

 Cảnh trong phim “Người tình” được quay tại đồng bằng sông Cửu Long

Phải là sự hợp tác bài bản và dài lâu

Ở Việt Nam, bộ phim L’amant (Người tình) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud dường như có sức sống lâu bền nhất và rất hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Đạo diễn Jean- Jacques Annaud nổi tiếng với Cuộc chiến giành lửa, Con Gấu, Tên của hoa hồng. Tác phẩm L’amant khi đó đứng đầu danh sách những bộ phim tình dục táo bạo nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Phim kể về câu chuyện tình cuồng nhiệt của cô gái người Pháp mới hơn 15 tuổi với một thanh niên người Hoa giàu có, lớn hơn cô 12 tuổi. Nữ chính do Jane March thủ vai và Lương Gia Huy đảm nhận vai nam chính. Bối cảnh phim diễn ra tại Đông Dương thời thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20. Bắt đầu bấm máy từ cuối 1986 đến năm 1990 bộ phim mới hoàn thành. Cuối năm 1991, Người tình được công chiếu ở TP.HCM.

Đại cảnh đầu phim khi cô gái người Pháp da trắng lần đầu gặp chàng Hoa kiều ngồi trong chiếc Limousine trên phà được quay ở Vàm Cống - Đồng Tháp. Từ cách đây hơn chục năm, Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp đã mở hành trình du lịch với tour Theo dấu chân người tình. Với chương trình du lịch này, khách sẽ đến tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) - nơi thu hút du khách tìm lại dấu tích Người tình. Đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn để du khách tận mắt thấy nơi ở của ông Huỳnh Thủy Lê - nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Người tình của nữ nhà văn người Pháp Marguerite Duras. Điều đặc biệt, tác giả tiểu thuyết cũng là người tình ngoài đời của ông Huỳnh Thủy Lê. Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng nhưng du lịch và điện ảnh Việt Nam dù cùng “chung một mái nhà” lại chưa giới thiệu được nhiều về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam qua các tác phẩm điện ảnh.

Hàn Quốc là đất nước có nhiều thế mạnh và kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa và kết hợp điện ảnh - du lịch để thu hút khách quốc tế. Sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch được ngành chức năng Hàn Quốc rất coi trọng. Nhờ những bộ phim điện ảnh, truyền hình được chiếu ra nước ngoài đã góp phần tạo ra làn sóng Hallyu, giúp du khách trên thế giới biết đến Hàn Quốc nhiều hơn, đem lại ngoại tệ cho đất nước và tạo việc làm cho người dân địa phương, thay đổi bộ mặt điểm đến. Khoảng 20 năm trở lại đây, làn sóng phim Hàn Quốc tràn vào Việt Nam. Người Việt ăn kim chi, kimbap, tokbokki; dùng sâm, mỹ phẩm Hàn Quốc; điện thoại, tivi Samsung... Khách du lịch cũng chọn Hàn Quốc là điểm đến cho hành trình xuất ngoại với điểm đến là những nơi quay Bản tình ca mùa đông, Nàng Dea Jang Geum, Hạ cánh nơi anh, Hậu duệ mặt trời, Nấc thang lên thiên đường... Đa phần khách đến Hàn Quốc có tới các địa điểm trong bối cảnh phim như đảo Nami, đảo Jeju, tháp Namsan, khu DMZ, làng cổ Hàn Quốc... đều là muốn đến để xem những nơi lãng mạn đó thế nào, mặc Hanbok sẽ xinh đẹp ra sao, những thần tượng điện ảnh của họ đã làm gì ở đây...

Hiện nay, các kinh đô điện ảnh lớn trên thế giới như Hollywood (Mỹ), Bollywood (Ấn Độ)… vẫn chưa mặn mà khi chọn cảnh quay ở Việt Nam, dù luôn đánh giá chúng ta có nhiều bối cảnh đẹp. Thậm chí, nhiều bộ phim về Việt Nam lại được chọn cảnh quay ở nước khác. Việc bỏ phí những cơ hội phát triển du lịch từ điện ảnh đã được các chuyên gia trăn trở, nhưng chưa tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả. Để mỗi khán giả điện ảnh trở thành một du khách, nhiều ý kiến cho rằng ngành Du lịch và Điện ảnh cần ngồi lại với nhau, cùng xây dựng đề án làm phim, xây dựng kịch bản, chọn cảnh quay, chọn góc máy, hướng tới mục đích giới thiệu được bối cảnh đẹp nhất... Hiện nay, việc thực hiện các bộ phim ở Việt Nam mới đơn thuần là chọn bối cảnh chứ chưa hướng tới mục đích quảng bá du lịch.

Nhiều ý kiến cho rằng, những tác phẩm điện ảnh chất lượng nghệ thuật cao sẽ quảng bá du lịch, văn hóa và hình ảnh đất nước, con người đến với người xem trong nước và quốc tế, giúp du lịch hưởng lợi thì du lịch phải có trách nhiệm đầu tư trở lại để phát triển điện ảnh. Muốn thực hiện các mục tiêu phối hợp này, không chỉ cần sự hỗ trợ của Nhà nước mà còn cần tăng cường huy động các nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa. Quan trọng hơn, chúng ta phải xây dựng được những kho dữ liệu về các địa điểm, danh lam, thắng cảnh, điểm đến, dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch có thể dùng làm bối cảnh quay của phim; đưa ra những quy trình đơn giản; tạo điều kiện để các đoàn làm phim nước ngoài có điều kiện thuận lợi khi vào Việt Nam ghi hình... 

 “Hiện nay, các kinh đô điện ảnh lớn trên thế giới như Hollywood (Mỹ), Bollywood (Ấn Độ)… vẫn chưa mặn mà khi chọn cảnh quay ở Việt Nam, dù luôn đánh giá chúng ta có nhiều bối cảnh đẹp. Thậm chí, nhiều bộ phim về Việt Nam lại được chọn cảnh quay ở nước khác. Việc bỏ phí những cơ hội phát triển du lịch từ điện ảnh đã được các chuyên gia trăn trở, nhưng chưa tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả”.

(Còn nữa)

 BẢO AN - BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top