“Tái sinh” gốc tre thành tượng điêu khắc

VHO - “Đỏ tre” là biệt danh dành cho nghệ nhân điêu khắc gốc tre Huỳnh Phương Đỏ ở nhà số 26 Bạch Đằng, TP Hội An. Anh được coi là “cha đẻ”, tiên phong với nghệ thuật điêu khắc, sáng tạo, thổi hồn vào những gốc tre tưởng chừng vô tri để biến thành các tác phẩm điêu khắc thủ công mỹ nghệ giàu tính thẩm mỹ .

“Tái sinh” gốc tre thành tượng điêu khắc - Anh 1

Du khách thích thú những bức tượng được tạc từ gốc tre

Nghệ nhân Đỏ bắt đầu với công việc là thợ chạm khắc gỗ ở làng mộc Kim Bồng khi còn trẻ, tình cờ trong cơn lũ lịch sử năm 1999, lúc dọn dẹp tránh lũ, anh nhặt được gốc tre trôi theo dòng nước lũ. Nhặt gốc tre ấy về, bàn tay của người thợ làm nghề chạm khắc đã hồn nhiên đục đẽo, khắc chạm trên gốc tre ấy như bản năng nghề. Hơn 30 năm theo nghề, anh Đỏ vẫn luôn say mê, hồn nhiên, thậm chí mỗi khi chạm tay vào đục đẽo, khắc chạm một tác phẩm như thăng hoa, nhập tâm đến độ đang “lên đồng”. Cũng chính vì thế, góc xưởng điêu khắc nhỏ ở góc phố cổ nơi nghệ nhân vẫn ngồi làm việc mỗi ngày luôn thu hút du khách ghé qua, có khi chỉ đứng say mê nhìn cảnh anh đục đẽo, biến những gốc tre khô khốc, xù xì thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, với những gương mặt, chân dung đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố.

Du khách ngang qua chốn tiệm nhỏ của nghệ nhân Đỏ thường bị cuốn hút bởi những bức chân dung các ông Phúc, Lộc, Thọ được chạm trổ từ những gốc tre xù xì. Khi đã lạc chân vào chốn nhỏ ấy, hầu hết ai cũng bị anh “quyến rũ” bằng nụ cười thân thiện, hàm răng sún “trứ danh” và đặc biệt bị cuốn hút bởi đôi tay chạm khắc điêu luyện, cách trình diễn sôi nổi, nhập tâm với mỗi tác phẩm. Nhiều người đã không giấu nổi sự ngạc nhiên, gọi anh là “phù thủy” khi chứng kiến ông “phù phép” những gốc tre khô cằn cỗi thành những tác phẩm điêu khắc sống động, đầy mỹ cảm. “Lúc mới mày mò thử, nhiều người hay chọc, trêu đùa bảo tôi có “máu điên” mới làm chuyện tào lao vậy. May mắn là tôi vẫn kiên trì thử đến cùng. Những tác phẩm tạc từ gốc tre đã ra đời trong hoàn cảnh ấy và một lần nữa, tôi lại may mắn khi những sản phẩm mình làm ra được mọi người đón nhận, yêu thích”, nghệ nhân Đỏ hóm hỉnh kể lại. Theo anh Đỏ, với gỗ khi tạc tượng thường có sẵn phôi gỗ cụ thể, nhưng khi thử với gốc tre thì đòi hỏi phải có sự tưởng tượng, sáng tạo nhiều hơn vì mỗi gốc tre có hình dạng, kích thước khác nhau, các bộ rễ tre đi theo cũng mỗi gốc mỗi kiểu, không có sự liên tưởng phong phú thì khó mà hình dung có thể làm nên tác phẩm gì phù hợp với hình dáng của những gốc tre tưởng chừng vô tri ấy.

Mấy chục năm theo nghề, anh Đỏ đã trở thành một nghệ nhân điêu luyện, nổi tiếng với nghề tạc tượng từ gốc tre, có thể điêu khắc nhiều sản phẩm từ gốc tre, trong đó tạc tượng chân dung người thật (đục truyền thần), chân dung các nhân vật tâm linh, lịch sử,… là những sản phẩm được du khách trong và ngoài nước yêu thích nhất. Đặc biệt là bộ tác phẩm chân dung ba nhân vật Phước, Lộc, Thọ và tượng chân dung một số danh nhân thế giới như Newton, Einstein... Điểm độc đáo ở những tác phẩm này chính là sự tự nhiên, có hồn và không có sự lặp lại ở mỗi tác phẩm. Cũng một chân dung ấy, nhưng mỗi bức lại một vẻ sinh động, chân thật không thể lặp lại ở một tác phẩm thứ hai.

“Tái sinh” gốc tre thành tượng điêu khắc - Anh 2

 Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ trình diễn điêu khắc tượng từ những gốc tre

“Vì mỗi tác phẩm là một lần tôi cảm nhận, chiêm nghiệm và đặt tâm huyết vào để tạc, chính vì thế mỗi tác phẩm là một chân dung khác biệt, độc đáo, thể hiện chân thật nhất những gì mà tôi cảm nhận được về nhân vật. Mỗi gốc tre có một hình dáng, kích thước khác nhau, nên khi tạo hình, tôi phải hiểu về nhân vật, rồi phải điều chỉnh từng đường chạm trổ, đục khắc để uyển chuyển theo hình dáng gốc tre mà vẫn ra được thần thái của nhân vật. Với mỗi gốc tre, tôi cố gắng tận dụng phần rễ để khắc họa thành bộ râu của những bức chân dung, bức tượng thật sống động, mềm mại”, nghệ nhân Đỏ tâm sự. Thường du khách chỉ cần ngồi khoảng 2-3 tiếng đồng hồ để có thể xem anh trình diễn, sáng tác, cùng nói chuyện với ông và nhận về tác phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, có những tác phẩm đặt hàng cầu kỳ, có khi mất cả tháng trời mới có thể hoàn thiện. Một sản phẩm lưu niệm từ gốc tre có giá ở mức 200 nghìn - 1 triệu đồng tùy theo độ cầu kỳ, kích thước.

Nghệ nhân cho biết, anh thường xuyên đi đến nhiều vùng quê để khảo sát, đặt mua các gốc tre để tạc tượng. Theo kinh nghiệm dân gian và thực tế làm nghề, tre mọc ở vùng đất cát thì rễ dài, gai nhiều, tre mọc ở vùng đất thịt hoặc đất sét thì rễ ngắn, cứng cáp. Khi đào gốc tre xong thì phải xử lý, bảo quản theo phương pháp dân gian truyền lại như gốc tre đem về được tách tạo dáng, ngâm bùn khoảng 9 tháng rồi làm sạch, phơi nắng tầm 10 ngày để cứng hơn, tránh mối mọt.

“Thành phố Hội An vừa gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Những sân chơi nghệ thuật này đã tôn vinh những nghệ nhân, nghệ sĩ, tạo cơ hội cho những người quan tâm, yêu mến nghề thủ công truyền thống có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi tìm kiếm hướng phát triển trong tương lai... Đây cũng chính là cơ hội để Hội An định danh trở lại những không gian làng nghề cũng như sự phát triển của nghề nghiệp truyền thống, những đóng góp quý giá có từ chính các di sản trăm năm của mỗi người dân. Tôi sẵn lòng truyền nghề cho những người yêu thích, đam mê và còn mơ ước dài hơn về một làng nghề, không gian cho nghề tạc tượng gốc tre này”, anh Đỏ hào hứng chia sẻ. 

 KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc