Đề nghị đầu tư 1.670 tỉ đồng bảo tồn, phát huy giá trị đô thị cổ Hội An

VHO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn số 1416/UBND- KGVX gửi Bộ VHTTDL về việc đề nghị xem xét thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa (DSVH) thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Đề nghị đầu tư 1.670 tỉ đồng bảo tồn, phát huy giá trị đô thị cổ Hội An - Anh 1

 Du khách tham quan phố cổ Hội An những ngày đầu năm mới 2024

Theo đó, dự toán tổng kinh phí thực hiện Đề án 1.670 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An 1.290 tỉ; nguồn chi thường xuyên của tỉnh Quảng Nam và TP Hội An 180 tỉ đồng; Nguồn vốn tài trợ, ODA 200 tỉ đồng.

Đề án xác định quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị DSVH thế giới Đô thị cổ Hội An theo đúng nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, theo phương châm “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, cụ thể hóa những nhiệm vụ đặt ra trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án… bằng những dự án thành phần cụ thể, đồng bộ trên các lĩnh vực, đảm bảo tính cấp thiết, đủ nguồn lực để thực thi hiệu quả. Xác định những mối đe dọa, những nguy cơ ảnh hưởng và làm giảm giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và chân xác của di sản, từ đó có giải pháp phù hợp để bảo vệ di sản,…

Đến năm 2030 hoàn thành các chỉ tiêu như: 100% di tích đã được xếp hạng xuống cấp được trùng tu, tôn tạo; 100% DSVH phi vật thể và di sản tư liệu có giá trị được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn, phát huy giá trị; 100% di tích đã xếp hạng, nằm trong danh mục bảo vệ có phương án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị,…

Mục tiêu định hướng đến năm 2035 bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của DSVH thế giới Đô thị cổ Hội An. Hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An; 100% DSVH vật thể, hiện vật, DSVH phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị. Nguồn lực về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ đảm bảo đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; danh mục dự án thành phần thực hiện giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó nhấn mạnh phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân. Phát huy hiệu quả giá trị nổi trội đặc thù của khu phố cổ là một “Bảo tàng sống” trong hoạt động du lịch, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tổ chức tốt hoạt động tham quan; cải tiến phương thức kiểm soát, bán vé; nâng cao chất lượng thuyết minh. Chú trọng lan tỏa hoạt động du lịch đến các làng quê, làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, chuyển tải tốt giá trị văn hóa đến du khách. Hoàn thiện hệ thống thông tin di sản tại di tích, điểm tham quan…

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc