Biến sách cổ thành tài sản của hôm nay

THÙY TRANG

VHO - Đó là mong muốn của các chuyên gia, đại sứ văn hóa đọc khi bàn về câu chuyện vốn quý của nguồn sách cổ, tri thức cổ trong đời sống hôm nay, tại Talkshow “Sách cổ, Kế thừa tinh hoa, phát huy giá trị” vừa diễn ra trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc lần 3 năm 2024 tại TP.HCM.

Biến sách cổ thành tài sản của hôm nay - ảnh 1

 Các bạn trẻ tìm hiểu về dòng sách văn hóa, lịch sử

 Theo nhiều chuyên gia, trong thời đại mới với sự phát triển không ngừng của công nghệ, sách cổ vẫn giữ vững giá trị của mình, là kho tàng vô giá chứa đựng những kiến thức và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Thế nhưng, dường như sách cổ vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, chưa có nhiều cơ hội “lộ diện” với công chúng hôm nay. Theo nhà nghiên cứu Dương Thành Truyền, nếu gọi là sách cổ chỉ để mình ngắm, chỉ nằm trong kho thì chưa được, hãy biến kho sách quý xưa thành tài sản sinh lợi trong đời sống hôm nay. Việc đó hết sức quan trọng. Chúng ta hãy chung tay biến những sách quý ở trung tâm lưu trữ, ở viện Hán Nôm,… trở thành tài sản sinh lợi.

Để có thể kế thừa những giá trị vô giá từ Mộc bản Triều Nguyễn, Cục văn thư lưu trữ nhà nước và đơn vị Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hoạt động phát huy giá trị của Mộc bản và mở kho tư liệu để nhiều nhà sử học, nhà văn hóa, nhà làm phim tiếp cận với kho tư liệu quý giá này. Và trang web Mocban.vn đã ra đời để giới thiệu về công trình di sản quý giá.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho biết, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV với định hướng của Cục Văn thư lưu trữ nhằm phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản, bên cạnh các hình thức truyền thống đã từng bước đổi mới, chuyển đổi số nguồn tư liệu truyền thống. Qua đó giúp cho thế hệ trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy, tiếp cận, trải nghiệm Mộc bản trên nhiều khía cạnh và bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là một cách để kết nối các thế hệ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra những tác phẩm mới từ nguồn cảm hứng truyền thống được kế thừa.

Theo chuyên gia, bên cạnh thị trường sách giúp bạn trẻ hoàn thiện bản thân mình, họ còn tìm kiếm những tài liệu cổ thời Nguyễn, về những người có công khai phá và tạo dựng vùng đất phương Nam… Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Tổng Biên tập NXB Trẻ, Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2024 chia sẻ: “Chúng ta ở mảnh đất Nam Bộ với hơn 300 năm lịch sử, có rất nhiều điều cần khám phá, không chỉ tìm hiểu về văn hóa, lịch sử vùng đất Nam Bộ mà còn muốn biết nhiều hơn về những người sáng tạo nên giá trị văn hóa mới. Và các bạn trẻ, tôi nhận thấy rằng, các bạn không chỉ duy trì, gìn giữ di sản văn hóa, mà còn sáng tạo ra văn hóa mới trong điều kiện thời đại công nghệ số”.

Nói tới câu chuyện giới trẻ ngày nay đọc sách gì, bà Nguyệt cho hay, “thông qua quá trình xây dựng Thư viện số Nguyễn An Ninh, chuyên đề Nam Bộ và đặc biệt là nhân những kỳ lễ hội sách Tết, chúng tôi thấy rất rõ nhu cầu đọc của những người trẻ, thậm chí những em cấp 2, cấp 1, các em tìm kiếm những tư liệu về sách sử, đặc biệt những nhân vật lịch sử.

Tôi nhận thấy các bạn trẻ hướng đến tương lai, phát triển công nghệ số nhưng vẫn không quên những giá trị cha ông để lại, phải nói rằng dưới góc nhìn văn hóa đọc, tôi thấy rất vui. Vì thế mong muốn thời gian tới đây các đơn vị lưu trữ quốc gia sẽ tạo điều kiện nhiều hơn để mọi người được tiếp cận những kho sách cổ quý, có như thế mới phát huy được giá trị của sách”.

Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM, việc đọc sách của giới trẻ hiện nay đã có nhiều dấu hiệu rất mừng. Qua quan sát và báo cáo từ các đơn vị xuất bản, phát hành tại Đường Sách cho thấy, các bạn trẻ đọc sách trước hết xuất phát từ nhu cầu học tập, đó là thể loại sách về kiến thức, có nội dung gắn việc học.

Ngoài ra các bạn cũng đã quan tâm đến dòng sách về văn hóa, lịch sử, kỹ năng, đặc biệt là dòng sách của các tác giả nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh,… “Còn đối với sách cổ, chúng ta khai thác, kế thừa như thế nào để phát huy giá trị?”, ông Lê Hoàng đặt vấn đề và cho rằng: “Nếu như chúng ta biết làm phái sinh sách cổ thì nó trở thành những quyển sách vô cùng thú vị. Vì thế nên hình thành bộ phận dịch thuật chuyên nghiệp, làm những bản thảo và bán cho các NXB. Tôi nghĩ là các NXB sẽ xếp hàng mua”.

Ông Dương Thành Truyền mong muốn Nhà nước cần có chính sách, giải pháp động viên, đồng thời nên có những dự án để những loại sách này được hiện diện trong đời sống mới. “Đồng thời hiển nhiên, tôi cho rằng các NXB sẽ rất háo hức câu chuyện này”, ông Truyền đồng tình với quan điểm trên.

Ý kiến bạn đọc