Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Yêu cầu cấp thiết việc xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL

Thứ Tư 08/12/2021 | 10:00 GMT+7

VHO- Ngày 7.12, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2035”, do PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì.

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội Ảnh: TR.HUẤN

 Xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với xu thế phát triển KH-CN, bối cảnh hội nhập quốc tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, có trình độ chuyên môn cao và năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, từng bước tiếp cận ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và trên thế giới..., là yêu cầu cấp thiết nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. 

Tập trung tháo gỡ những điểm “nghẽn”
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, những năm qua công tác xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL đã được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển và hoạt động sáng tạo, đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của ngành. Tuy nhiên trong 10 năm triển khai thực hiện, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đội ngũ trí thức của ngành còn đó những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 
Theo Thứ trưởng, quan điểm tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy con người là trung tâm của sự phát triển đã trở thành định hướng chiến lược, triết lý hành động xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện... cho thấy Đảng và Nhà nước rất chú trọng giáo dục, đào tạo và phát triển con người. Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xác định xây dựng các chính sách và có những giải pháp tập trung tháo gỡ các khó khăn, “điểm nghẽn” trong chính sách phát triển của mọi lĩnh vực, trong đó có ngành VHTTDL. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã nhấn mạnh, một trong những giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đó là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ban cán sự Đảng của Bộ VHTTDL cũng đã có nghị quyết xây dựng đội ngũ cán bộ, quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, đào tạo, quy hoạch. Tất cả các quan điểm, chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước và của ngành đều cho thấy việc xây dựng Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2035” là rất cần thiết. 
Vụ Đào tạo cũng đã nêu ra những nội dung chính trong dự thảo Đề án, trong đó có những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL đến năm 2035. Theo đó, hình thức đào tạo, bồi dưỡng gồm có: Đào tạo, bồi dưỡng toàn thời gian ở trong nước, đào tạo ở trong nước có thời gian thực tập ở nước ngoài; đào tạo, bồi dưỡng toàn thời gian ở nước ngoài. Sẽ có các trình độ đào tạo: Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Đào tạo trình độ đại học; Đào tạo trình độ thạc sĩ, Đào tạo trình độ tiến sĩ. Đề án cũng nêu ra các chỉ tiêu đào tạo hằng năm đối với từng chương trình đào tạo. Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước hoặc liên kết phối hợp đào tạo trong nước với nước ngoài khoảng 650 trí thức; Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài khoảng 120 trí thức...

 Trở thành diễn viên xiếc phải đào tạo từ nhỏ và khi tốt nghiệp ra trường chỉ là bằng trung cấp 

Cần các giải pháp phát triển đội ngũ trí thức
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 42 điểm cầu ở các tỉnh, thành với sự tham gia của lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch... của các địa phương, lãnh đạo các cơ sở đào tạo VHTTDL trên toàn quốc. Hơn 20 ý kiến đóng góp tại Hội thảo đều tán thành với nội dung của dự thảo Đề án, cho rằng Đề án đã bao quát các vấn đề trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức của ngành, đặc biệt là những giải pháp thực hiện đề án. Các đại biểu cũng đã đóng góp bổ sung để dự thảo Đề án được chi tiết và phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của từng lĩnh vực của ngành. 
Các ý kiến đóng góp cho rằng, dự thảo Đề án đã đảm bảo thực tiễn, hiệu quả, đồng bộ và giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển đội ngũ trí thức với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, lựa chọn khâu đột phá, lĩnh vực ưu tiên và cơ sở trọng điểm để tập trung nguồn lực, đặc biệt là tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, đảm bảo cân đối các ngành, lĩnh vực, vùng miền, dân tộc. Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho rằng, dự thảo Đề án cần làm rõ hơn về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù đối với đội ngũ trí thức ngành VHTTDL, đặc biệt là với nghệ thuật. Cơ chế chính sách đối với lực lượng trí thức là văn nghệ sĩ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và một số nội dung chưa được thể chế hóa. 

Hiện nay để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ trí thức của nghệ thuật truyền thống luôn gặp khó khăn, bởi hiện nay đa phần nghệ sĩ, diễn viên ở các loại hình như tuồng, xiếc, múa... đều phải được đào tạo mang tính đặc thù từ nhỏ và dĩ nhiên nếu tính theo cách thông thường thì họ chỉ có bằng trung cấp khi ra trường. Tốt nghiệp với bằng trung cấp rõ ràng là một rào cản trong việc thu hút nguồn nhân lực “đầu vào” và tiếp theo đó là hàng loạt những khó khăn do chế độ chính sách, nâng hạn, ngạch và cả việc bổ nhiệm những nghệ sĩ tài năng vào vai trò quản lý đơn vị. “Nếu diễn viên tuồng khi ra trường không có bằng đại học thì nguy cơ sẽ mất nguồn nhân lực ngay từ việc tuyển sinh đào tạo. Với nghệ thuật cần phải có những quy định mang tính đặc thù cao mới nâng cao được trình độ và vị thế của trí thức ngành nghệ thuật. Vì sao trong giai đoạn này chúng ta chưa có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao như trước là bởi lẽ, trước đây chúng ta có một đội ngũ tác giả, đạo diễn được nhà nước cử đi đào tạo chuyên sâu ở các nước có nền nghệ thuật phát triển như Liên Xô, Pháp, Trung Quốc... Vì sao họ không có trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu như bây giờ mà họ vẫn có thể đi đào tạo và tiếp thu tốt?”, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ. Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, ngành nghệ thuật có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, những nghệ nhân giỏi nghề nhưng vì không có bằng cấp nên không thể tham gia công tác đào tạo cũng như không được bổ nhiệm vào vai trò quản lý. Đây là điều vô cùng thiệt thòi cho các nghệ sĩ. 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2035” là đề án quan trọng đối với ngành, bởi nguồn nhân lực là vấn đề trọng yếu nhất. Hơn 20 ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã có những đóng góp xác đáng, bổ ích để Ban Soạn thảo hoàn thiện Đề án. Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh về mục tiêu, chỉ tiêu trong các lĩnh vực của ngành, tính đặc thù, tính địa phương, ưu tiên dân tộc thiểu số, các chế độ tiền lương, chính sách… “Chúng tôi xác định đó là những trở ngại đang cản trở việc thu hút tài năng trong lĩnh vực VHTTDL ở cả trung ương và địa phương. Đề án khi hoàn thiện phải bao phủ được mọi địa phương, mọi lĩnh vực. Sau khi Đề án được ban hành, sẽ có những đề án chi tiết hơn để triển khai ở từng lĩnh vực”- Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.
Thứ trưởng yêu cầu, Ban Soạn thảo Đề án tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, chỉnh sửa, hoàn thiện kết cấu, nội dung Đề án đặt trong các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của ngành. Nội dung triển khai đề án, rà soát nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện đề án đảm bảo tính khả thi. Rà soát Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với nội dung đã điều chỉnh, bổ sung của Đề án. Đồng thời chuẩn bị hồ sơ báo cáo lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo thời gian, tiến độ trong năm 2021. 


 THÚY HIỀN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top