Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Gần 3.000 tỉ đồng để di dời dân ra khỏi Kinh thành Huế

Thứ Tư 10/10/2018 | 10:43 GMT+7

VHO- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có cuộc họp thông qua Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, sẽ có hơn 4.200 hộ dân được di dời với nguồn kinh phí thực hiện là 2.735 tỉ đồng.

Phần lớn các hộ dân sống ở Thượng Thành (Kinh thành Huế) là những hộ khó khăn, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đây là một kế hoạch lớn mà địa phương đã mong muốn thực hiện từ lâu, nhưng do nguồn lực có hạn nên không thể làm nhanh. Tuy nhiên, càng để lâu thì khu vực di tích Kinh thành Huế càng bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình đó, tỉnh đã từng đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong khu vực I di tích Kinh thành Huế và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương.

Từ sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1993, chính quyền địa phương đã tăng cường quản lý việc sử dụng đất, xây dựng công trình cũng như chống gia tăng dân số cơ học ở khu vực I Kinh thành Huế. Đồng thời từng bước nỗ lực thực hiện việc di dời dân để trả lại nguyên trạng di tích. Từ năm 1996-2018, đã di dời được hơn 1.050 hộ ở các điểm di tích thuộc Kinh thành Huế. Tuy nhiên, do gia tăng dân số tự nhiên nên hiện khu vực nói trên đã có hơn 4.200 hộ dân đang sinh sống.

“Khu vực này có rất nhiều hộ dân nghèo, chủ yếu là lao động phổ thông. Thêm vào đó, họ sinh sống mà không được xây dựng sửa chữa nhà cửa nên rất tạm bợ, nhếch nhác. Nếu căn cứ theo Luật Đất đai thì nhiều hộ dân sẽ không được hỗ trợ di dời, tái định cư. Tuy nhiên, trước thực trạng đời sống hiện tại của họ, đề án của tỉnh có xây dựng thêm khung chính sách để hỗ trợ những gia đình nằm trong diện này”, ông Khanh thông tin.

Trên cơ sở đó, đề án di dời dân cư ở khu vực nói trên sẽ được triển khai thực hiện theo 2 giai đoạn: Từ 2019-2021 sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Tường thành, Eo bầu, Hộ thành hào và Tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, di tích Trấn Bình Đài… Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy hoạch cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỉ đồng từ ngân sách địa phương, trên quy mô diện tích 105 ha ở phường Hương Sơ, TP.Huế. Sau khi thực hiện việc di dời, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích, đồng thời triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở khu vực Kinh thành Huế.

Nhiều nhà dân sinh sống hàng chục năm trên Kinh thành Huế ảnh hưởng đến di tích

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ đề án, Trung tâm sẽ dành khoảng 1.000 tỉ đồng từ nguồn thu bán vé tham quan (từ năm 2019-2025) để thực hiện việc hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, trung tâm cũng sẽ xây dựng đề án cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ở Kinh thành Huế. “Sau khi trùng tu di tích, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị du lịch xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm như: đi bộ ngắm cảnh trên di tích Thượng Thành, trải nghiệm đi thuyền dọc ở các hồ, sông ven Kinh thành Huế…”, ông Tuấn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Đây là một đề án lớn không chỉ nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử và bảo tồn các giá trị văn hóa do tiền nhân để lại cũng như đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan đô thị và phát huy giá trị di tích phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn ổn định và nâng cao đời sống của hàng nghìn người dân sinh sống trong các khu vực di tích.

Qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị thành phố và các Sở, ngành liên quan cần tập trung rà soát và nghiên cứu cụ thể từng giai đoạn thực hiện, nhất là đề xuất nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các ban ngành cũng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án. 

SƠN THÙY

 

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top