Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xử lý sai phạm ngôi đình cổ 300 năm bị biến thành ... một ngày tuổi: Sao chỉ... khiển trách?

Thứ Sáu 12/10/2018 | 10:03 GMT+7

VHO- Khiển trách. Không hơn! Đó là “án phạt” dành cho những sai phạm không gì có thể cứu vãn khi ngôi đình cổ 300 năm tuổi ở Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) bỗng chốc bị biến thành... một ngày tuổi. Dư luận bất bình, bởi thật khó hiểu trước án phạt kiểu “hòa cả làng”, trong khi mất mát những giá trị di sản văn hóa cổ là không thể đong đếm.

 Xót xa cho ngôi đình cổ… 300 tuổi!

 Sao chỉ là khiển trách?

UBND huyện Ứng Hòa vừa trả lời một cơ quan báo chí về vấn đề kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể sau vụ việc bê tông hóa đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Tuy nhiên, nội dung “án phạt” được thông báo như càng khiến dư luận thêm bất bình vì thiếu sức răn đe.

Theo đó, về việc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại đình Lương Xá theo yêu cầu của Sở VH&TT Hà Nội, ngày 27.8, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành ba Quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Văn Chính và cán bộ văn hóa xã Liên Bạt Phạm Hồng Quân bằng hình thức “Khiển trách”.

Điều đáng nói là, những sai phạm khó cứu vãn đối với số phận của ngôi đình cổ xuất phát từ chính sự ứng xử tuỳ tiện, vô nguyên tắc của chính quyền địa phương khi tự ý cho phép hạ giải, tu bổ đình Lương Xá, dẫn đến tình cảnh ngôi đình bị bê tông hóa một cách thảm thương. Thế nhưng, hình thức xử lý lại chỉ là khiển trách. Phải chăng với UBND huyện Ứng Hòa, sai phạm ở đây chỉ ở mức... vừa vừa (?!).

Chung chung, chưa rõ trách nhiệm cụ thể là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia về di sản trước những quyết định xử phạt này. Trả lời báo chí, nguyên PGĐ Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, chính quyền địa phương cần phải chỉ rõ ai là người quyết định trực tiếp cho phép người dân tháo dỡ, tự ý hạ giải và xây dựng đình Lương Xá. Phải có hình thức xử lý cao hơn mới đủ sức răn đe, làm gương, không để các vụ việc tương tự xảy ra.

Cũng theo ông Trương Minh Tiến, trong sự việc tại Lương Xá, Phòng VH&TT huyện Ứng Hòa đã có văn bản yêu cầu, hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật trong sửa chữa, tu bổ đình Lương Xá. Tuy nhiên, địa phương không làm theo hướng dẫn mà cho phép thôn tự ý hạ giải và bê tông hóa đình. “Đây là vấn đề về ý thức trách nhiệm...”, ông Tiến khẳng định với báo chí.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, những vi phạm liên quan đến xâm hại di tích từ trước đến nay chưa có một “bản án” nào đủ sức răn đe. Bởi vậy, nếu không có những án phạt nêu gương thì không chắc sau này lại không tiếp tục có thêm những đình, chùa, di tích tuỳ tiện bị bê tông hóa như Lương Xá hay không.

Dư luận cũng bất bình đặt ra câu hỏi: Vì sao lại chỉ là khiển trách?

Vô cảm với di sản

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Trách nhiệm của UBND huyện Ứng Hòa, Phòng Văn hóa huyện Ứng Hòa trong vụ việc này ở đâu? Cần làm rõ và minh bạch trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị để tạo sự bình đẳng trước pháp luật. Theo ông Nguyễn Đức Bình, di sản bị phá nhưng cán bộ quản lý lại vô can thì e rằng đó là sự oan uổng cho di sản đình Lương Xá.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa, ngày 30.7.2018, UBND huyện đã ban hành Công văn số 670/UBND- VHTT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã Liên Bạt đình chỉ việc thi công xây dựng công trình đình Lương Xá. Từ thời điểm ban hành văn bản đến nay, công trình xây dựng đình làng Lương Xá đã ngừng thi công. Ngày 16.8.2018, UBND huyện phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội tổ chức toạ đàm, mời các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành về văn hóa, kiến trúc, các cơ quan liên quan để bàn về phương án khắc phục trong việc tu bổ, tôn tạo đối với di tích này.

Tiếp đó, ngày 11.9.2018, Sở VH&TT Hà Nội đã có Công văn số 3502/SVHTT-QLDT gửi UBND TP Hà Nội để xuất phương án khắc phục sai phạm ở đình Lương Xá.

Về công tác bảo vệ, xử lý các cấu kiện, hạng mục gỗ đã hạ giải từ Đình Lương Xá, ngày 1.8.2018, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH&TT lập biên bản kiểm kê hiện vật và tiến hành niêm phong toàn bộ hiện vật có giá trị và bảo quản, lưu giữ tại Nhà văn hóa thôn Lương Xá. Ngày 14.9, đoàn công tác của Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Phòng VH&TT, UBND xã Liên Bạt tiến hành kiểm kê, đánh giá và phân loại các cấu kiện, các mảng chạm, khắc của đình Lương Xá để giúp UBND huyện xây dựng phương án bảo tồn, lưu giữ theo quy định.

Thế nhưng, hình hài xưa cũ của ngôi đình cổ 300 năm tuổi đã hoàn toàn biến mất.

Cho rằng cách làm như Lương Xá là bài học đắt giá về tư duy bảo tồn văn hóa của những người thiếu hiểu biết về di sản, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình lưu ý, ở quốc gia nào cũng vậy, vấn đề bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như quản lý. Phương án được lựa chọn phổ biến là bảo tồn, bảo tồn còn đồng hành với phát huy giá trị di sản nhằm tạo động lực cho phát triển của xã hội. “Quay lại vụ việc của đình Lương Xá, để có một công trình đẹp như vậy, tiền nhân của làng Lương Xá đã phải rất vất vả để xây dựng, nhưng nay lại hoàn toàn bị thay thế bằng vật liệu bê tông khô cứng, không có giá trị thẩm mỹ. Vật liệu gỗ có thể tồn tại được 300 năm hoặc lâu hơn, nhưng vật liệu bê tông không thể tồn tại được 100 năm. Cách làm như Lương Xá là bài học đắt giá cho tư duy bảo tồn văn hóa của những người thiếu hiểu biết về di sản...”, theo ông Bình.

Giới chuyên gia và dư luận cũng bất bình khi cho rằng, cách ứng xử trước những sai phạm ở đình Lương Xá còn cho thấy sự tắc trách, vô cảm của chính quyền địa phương đối với một di sản mà các thế hệ cha ông đã đổ bao công sức và tâm huyết để xây dựng, giữ gìn.

 Ngày 27.7.2018 tại Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chúng ta phải quán triệt tinh thần: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Bởi vậy việc phá bỏ di sản đình làng Lương Xá để bê tông hoá, theo tôi là hành động không thể chấp nhận được.

(Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Facebook Đình làng Việt)

 HOÀNG VY

 

 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top