Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Những dãy tường vàng ở Hội An đang bị “cưỡng bức”

Thứ Sáu 19/10/2018 | 09:57 GMT+7

VHO-  Những bức tường màu vàng từ lâu được mệnh danh “bức tường vàng huyền thoại” trong khu phố cổ Hội An đang bị bôi bẩn, “cưỡng bức” một cách thô bạo bởi những hình vẽ nhân danh “nghệ thuật” theo phong cách Graffiti.

Gần đây người dân Hội An và rất nhiều du khách liên tục phản ánh và bày tỏ bức xúc trước những hành vi thiếu văn hoá này.

Tường vàng Hội An đang bị graffiti “cưỡng bức” thô bạo

Từ hẻm đến mặt tiền đều đụng mặt “Graffiti”

Không chỉ là những bức tường nằm ẩn khuất trong các con hẻm, mà cả những bức tường nằm ở các góc ngã ba, ngã tư, trên mặt tiền hầu hết các con đường trong khu phố cổ như Nguyễn Huệ, Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học… đều xuất hiện những hình vẽ phong cách graffiti một cách tùy tiện, cẩu thả, nhếch nhác.

Những bức tường vàng nghệ đặc trưng, in hằn nhiều dấu tích của thời gian, hoài niệm đã trở thành “đặc sản” của Hội An mà hầu như du khách nào cũng một lần “check-in”. Các bạn trẻ đến chụp ảnh cưới ở Hội An bao giờ cũng có ít nhất 1-2 tấm ảnh ở những bức tường hoài niệm ấy. Thế nhưng nó đang bị bôi bẩn theo kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều làm nhói lòng bao người yêu phố cổ.

Nhà báo Lê Viết Hai chia sẻ, những bức hình, dòng chữ theo phong cách graffiti có thể sẽ đẹp ở nơi nào thích hợp, nhưng ở khung cảnh này nó lại trở nên nhố nhăng. Đó là chưa kể các bảng, biển quảng cáo đủ loại, có khi chẳng dính dáng gì đến Hội An cũng được dán, đính trên các bức tường một cách kệch cỡm, chướng mắt… Tất cả tạo nên “bức tranh” làm xấu đi vẻ đẹp của các bức tường đặc trưng phố Hội.

Đoàn Thanh niên TP Hội An cũng đã nhiều lần phải tập trung nhân lực, ra quân xóa bỏ những hình ảnh graffiti trên các bức tường nhưng chỉ là những biện pháp “chữa cháy” vì không thể xóa hết sạch. Thậm chí, có chỗ vừa xóa thì vài hôm sau lại hiện lên những bức khác. Nét cũ chồng lên nét mới, đủ phong cách, màu mè, khiến cho các bức tường đã bị bôi bẩn lại càng loang lổ, nham nhở hơn vì tẩy xóa chồng chất.

Một KTS ở Hội An đã phải thảng thốt: “Mỗi ngày đi vào phố là một lần đau lòng thêm… khi ngày càng nhiều những bức tường trong phố cổ đang bị một số bạn nhân danh nghệ thuật cố tình bôi bẩn, viết vẽ bậy. Xin hãy dừng lại ngay việc làm sai trái này, xin các bạn biết trân trọng và bảo vệ di sản văn hóa.

 Bức tường mới bên hông di tích Quan Công miếu - gần chợ Hội An đã bị xâm phạm bởi graffiti

Ai sẽ bảo vệ tường vàng ở di sản Hội An?

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VHTT TP Hội An cho biết, cách đây hai năm, chính ông cũng đã phát biểu tại các cuộc họp của thành phố về vấn đề này. Ngay chỗ hẻm giếng đầu hồi đi thông qua phía sông Hoài, ngang qua di tích Chùa Cầu và vách tường được mệnh danh là “bức tường huyền thoại” của Hội An đến giờ những bức vẽ ấy chỉ còn lờ mờ. Nhưng vẫn chưa có sự quan tâm, biện pháp để chấn chỉnh quyết liệt tình trạng này. Hậu quả là ngày càng xuất hiện chi chít những bức tường bị “băm nát”, bôi bẩn.

Họa sĩ Trương Nguyên Ngã cho biết, Graffiti du nhập vào Việt Nam khoảng những năm cuối thế kỷ 20 và xuất hiện tại Hội An rất sớm so với cả nước bởi những du khách trẻ từ nước ngoài mang đến. Thời kỳ đầu, thế hệ cuối 7X và 8X là những người hưởng ứng nhiệt tình phong trào này và lúc ấy đã có rải rác trên các bức tường trong những con hẻm phố.

 Đoàn Thanh niên ra quân “chữa cháy” tạm thời cho những bức tường bị bôi bẩn

Năm 2008, thị xã Hội An đã từng tổ chức vẽ graffiti trên sông Hoài dưới hình thức căng vải ni lông trên các con thuyền trên sông. Sự kiện này được báo chí đưa tin rầm rộ và có nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi trên cả nước kết hợp với các nghệ sĩ tại địa phương tham gia. Vài năm sau đó phong trào này lắng dần, chỉ còn thấy lác đác vài điểm ở ngoại ô thành phố.

Tuy nhiên vài năm gần đây thì xuất hiện lại ở Hội An nhưng phản cảm và xấu xí hơn ngày xưa. Phong cách thể hiện nửa mùa, lại không có căn bản về hội họa nên hầu hết chỉ là bôi bẩn, làm xấu đi bộ mặt phố phường. Từ đó gây phản cảm trong dư luận xã hội đối với bộ môn nghệ thuật này, làm thiệt hại đến hình ảnh và giá trị của cả khu di sản phố cổ. Theo những hình ảnh có được, thì những bức vẽ phi nghệ thuật này có thể do chủ đích của một số ít người muốn quảng cáo dịch vụ cá nhân tại địa phương, hoặc do một số du khách thực hiện theo một ý thích cá nhân.

Theo họa sĩ Trương Nguyên Ngã, đây có thể xem là hành động xâm phạm đến di sản. Chính quyền địa phương cần có những quy định để xử phạt nghiêm khắc và triệt để đối với những hành động này. Cần có biện pháp truyên truyền những quy định trên đến cộng đồng dân cư và du khách. Thậm chí có thể sử dụng camera, đội tuần tra để “phạt nóng”, “phạt nguội” những hành vi xâm phạm di tích này. 

 KHÁNH CHI

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top