Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Mụn mủ, da vẩy hiếm gặp ở bé người dân tộc Nùng

Thứ Hai 29/10/2018 | 11:19 GMT+7

VHO- Bé Chung Ngọc T. (sinh năm 2013, Cao Bằng) được phát hiện mắc bệnh vẩy nến từ lúc mới 2 tháng tuổi, nhưng không được chữa trị triệt để, cộng với gia đình tắm lá khiến bé bị mụn mủ toàn thân, da bong tróc thành mảng lớn.

Mẹ con bé T ngày ra viện 26.10

 

Là người dân tộc Nùng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên mãi đến 5 tuổi bé mới được các nhà hảo tâm đưa xuống khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Mẹ bé là Nông Thị Ốn không biết tiếng Kinh nên phải có người bác đi theo để “phiên dịch”.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bé được nhập viện cách đây 10 ngày trong tình trạng có tổn thương da vì vẩy trắng dày, dễ bong tróc ở chân tay, thân mình, mụn mủ rải rác thành từng đám. Trong quá trình điều trị tại Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, bé được làm các xét nghiệm cơ bản, sinh thiết khẳng định bé bị bệnh vẩy nến thể mủ toàn thân. 

“Bệnh vẩy nến thể mủ toàn thân thường gặp ở người lớn và hiếm gặp ở trẻ em, rất khó điều trị vì nhiều loại thuốc không dùng cho trẻ em.  Không những vậy bé T. còn bị suy dinh dưỡng. Sau 10 ngày điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh, bôi da, dưỡng ẩm, nâng cao thể trạng, tình trạng bệnh của cháu đã ổn định và có thể xuất viện”, PGS.TS Doanh chia sẻ.

Theo lời anh Chung Văn Phương (bác ruột cháu T), gia đình đã cho bé đi khám ở bệnh viện huyện, tỉnh, bệnh ổn định nhưng sau đó tái phát nhiều lần. Nghe người quen mách nên đã cho bé đi khám thầy lang và đưa gói là về tắm cho bé. Nhưng dần dần bệnh càng nặng lên. Đến năm ba tuổi cháu phải nghỉ học để chữa bệnh, nhưng nhà trường đã tới động viên gia đình đưa cháu đi học, và cô Hiệu trưởng đã chụp ảnh cháu đưa lên mạng xã hội và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ đưa bé điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Tình trạng vẩy nến của bé T ngày đầu nhập viện

Ngày 26.10, bé T được ra viện, khuôn mặt và toàn thân nhẵn nhụi và không còn nhút nhát, sợ sệt như ngày đầu đến Bệnh viện. Về bệnh vẩy nến, ông Doanh cho hay, bệnh vẩy nến là bệnh ngoài da không lây và không di truyền nhưng dễ bị kỳ thị bằng “bệnh lạ”, “da cóc”… khiến người bệnh bị tổn thương tâm lý, cũng là nguyên nhân khiến bệnh nặng lên. Người bệnh vẩy nến có thể kết hôn và sinh con bình thường. “Hiện nay bệnh vẩy nến chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có cách quản lý, kiểm soát để bệnh không nặng hơn. Bé T. sẽ phải khám định kỳ tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt không được dùng các loại lá để tắm vì có thể sẽ làm kích ứng da và tình trạng bệnh nặng hơn ”, TS Doanh nói.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, hiện nay có nhiều quảng cáo thuốc nam chữa khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến, tuy nhiên chưa có chứng minh khoa học nào mà thực tế cho thấy thuốc tây y đáp ứng với bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, có một số trường hợp sau khi điều trị bằng thuốc nam thấy bệnh nhẹ hơn, nhưng thực tế lại nặng hơn ở giai đoạn sau. Do đó, khi người dân thấy bất thường trên da cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng ở Việt Nam có khoảng 1,5%- 2% dân số mắc bệnh vẩy nến. Hưởng ứng ngày Vẩy nến thế giới 29.10, Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức khám miễn phí cho bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến. Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ khám, tư vấn miễn phí, được tặng những sản phẩm chăm sóc da phù hợp. Thời gian từ 8:00 -12:00 đến hết ngày 31.10 tại Phòng khám số 1, tầng 6 Nhà điều hành của Bệnh viện (15A phố Phương Mai, Hà Nội)

 

Thảo Lam

 

 

 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top