Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Hà Nội: Sẽ thử nghiệm phân vùng taxi trước khi triển khai trên diện rộng

Thứ Ba 20/11/2018 | 16:44 GMT+7

VHO-Dự thảo Quy chế quản lý xe taxi Hà Nội vừa qua đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp đến từ dư luận và được các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp taxi đồng thuận và dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2018. Quy chế quản lý taxi cũng đã nhận được sự quan tâm của công luận, đặc biệt là việc phân vùng taxi, quy định đón trả khách và sử dụng tổng đài chung cho tất cả các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội.

Với nhiều quy định chặt chẽ, Quy chế trên quy định niên hạn sử dụng của xe taxi theo quy định của Chính phủ; xe taxi hết niên hạn sẽ không được hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội; dự kiến từ năm 2019 - 2025 sẽ thống nhất 3 màu sơn cho xe taxi gồm: xanh, ghi bạc, trắng. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng. Vùng phục vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị vận tải được đăng ký khai thác (tập trung dừng, đỗ, đón, trả khách). Vùng phục vụ được phân chia thành 2 vùng, trong đó, vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố; vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã còn lại. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi trình phương án kinh doanh lên Sở GTVT, trong phương án phải đảm bảo tiêu chí: Vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, màu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách, địa điểm giao ca, thời gian giao ca… Trong 1 tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng đã đăng ký tối thiểu 70%.

Bên cạnh đó, taxi được dừng, đón, trả khách tại điểm đón trả khách cho xe taxi trong thời gian không quá 2 phút. Sau 2 phút, xe taxi phải di chuyển khỏi điểm đón, trả khách. Các xe taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại. Ngoài ra, xe taxi được dừng, đỗ tại các điểm đỗ xe công cộng không quá 20 phút. Sau thời gian 20 phút, taxi phải di chuyển khỏi điểm đỗ công cộng. Nếu xe taxi có nhu cầu đỗ quá thời gian 20 phút, phải nộp phí trông giữ xe theo quy định; Tuy nhiên, taxi hoạt động tại vùng 2 không được sử dụng điểm đỗ của taxi hoạt động tại vùng 1 và ngược lại. Dự thảo quy chế cũng quy định áp dụng 3 màu sơn chung đối với xe taxi trên địa bàn thành phố nhằm thể hiện nét văn minh đô thị, cũng như nhận diện taxi Hà Nội dễ dàng. Bởi hiện nay, trên địa bàn thành phố taxi có rất nhiều màu làm lực lượng chức năng, khách hàng khó nhận biết đâu là taxi Hà Nội, đâu là taxi tỉnh khác về Hà Nội hoạt động và "taxi dù". Ngoài việc quản lý bằng màu sơn ra, Hà Nội còn thông qua phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe để quản lý hoạt động của xe taxi trên địa bàn.

Theo Sở GTVT Hà Nội, việc phân vùng là để điều tiết số lượng xe taxi hoạt động theo từng vùng trên địa bàn TP. Việc đăng ký theo vùng hoạt động không áp đặt đơn vị vận tải phải hoạt động theo vùng cụ thể, một đơn vị có thể đăng ký nhiều khu vực hoạt động trong một vùng hoạt động. Sở sẽ căn cứ vào phương án đăng ký của đơn vị để điều tiết số lượng xe taxi hoạt động theo từng quận, huyện, thị xã nhằm đảm bảo không quá nhiều xe taxi tập trung hoạt động tại một vùng, gây khó khăn cho công tác tổ chức giao thông và đảm bảo trật tự ATGT.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: “Kể từ khi có thí điểm quyết định 24 cho Uber và Grab hoạt động, do để thí điểm quá rộng và không khoanh vùng đã làm phá vỡ qui hoạch về giao thông của Thủ đô. Đơn cử như như qui hoạch đến năm 2025 tại Hà Nội cả xe taxi và xe hợp đồng là 25000 xe nhưng đến nay xe taxi có 19.260 chiếc nhưng xe công nghệ đã có tới gần 30.000 xe chiếc. Như vậy, tổng số phương tiện đang hoạt động tại Hà Nội lên đến khoảng 50.000 xe, phá vỡ quy hoạch đô thị, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Do đó, việc xây dựng dự thảo quy chế quản lý taxi là cần thiết. UBND TP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra những biện pháp như trên với mục đích giảm ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh xe taxi tại Thủ đô văn minh, sạch đẹp. Đặc biệt, đây là loại hình vận tải phải quản lý bởi vì liên quan đến tính mạng con người và cũng để bắt kịp sự phát triển của KHCN.”

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, việc phân vùng đầu tiên do các doanh nghiệp tự đăng ký vùng hoạt động truyền thống của mình như hiện nay và để các doanh nghiệp được hưởng quyền ưu tiên tổ chức hạn tầng cho giao thông. Đồng thời, việc phân vùng cũng không ngăn cấm các đơn vị taxi khác vào vùng cấm mà chỉ qui định những đơn vị nào đăng ký điểm đỗ mới được đỗ. Việc này đồng nghĩa với việc  một số hãng taxi, lái xe chỉ trả khách tại điêm trả khách, sau đó quay về địa bàn của mình. “Về cơ bản hoạt động taxi từ lâu nay là do thói quen thông thuộc đường phố của những lái xe và thói quen của người tiêu dùng hay sử dụng gọi xe theo vùng. Vì vậy, khi ban hành qui chế này, Sở GTVT Hà Nội và Hiệp hội taxi Hà Nội cũng đã bàn bạc và dựa trên cơ sở để các doanh nghiệp tự đăng ký không giới hạn. Các vùng đăng ký sẽ được hưởng quyền lợi tổ chức giao thông như điểm đỗ và góp phần làm giảm lưu lượng xe di chuyển không có khách, gây ùn tắc giao thông lãng phí.”, ông Hùng nói.

Về việc dự kiến từ ngày 1.1.2019, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội. Dữ liệu phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội được kết nối với hành khách, lái xe và đơn vị taxi thông qua các thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng). Đơn vị taxi, lái xe không được dùng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội.  Theo đó, tổng đài điều hành chung cho taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn thành phố do Hiệp hội taxi Hà Nội xây dựng, điều hành, thông qua hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm. Việc thành lập tổng đài chung, với xu thế công nghệ 4.0 thì bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi. Doanh nghiệp có lợi và khách hàng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi vào ứng dụng của taxi Hà Nội bởi xung quanh họ sẽ hiển thị tất cả các hãng và khách hàng có quyền lựa chọn hãng nào, giá thời điểm đi là bao nhiêu. Khách hàng khi tới Hà Nội chỉ cần tải 1 ứng dụng thay vì phải tải 77 ứng dụng riêng lẻ của từng hãng như trước kia. Với ứng dụng này, khách hàng có thể sử dụng được xe taxi và số lượng xe sẽ được trải đều trên khắp thành phố.

 “Để quản lý đồng bộ kết hợp với công nghệ đang được ứng dụng trong quản lý, lúc này, nhà nước cần phải khẩn trương qui định xe kinh doanh vận tải có màu biển số riêng biệt để giảm các chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước dễ phát hiện xử lý sai phạm, đặc biệt là sẽ quản lý ngành vận tải sát sao hơn, hiệu quả hơn.”, ông Hùng cho biết thêm.

Cũng theo  lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội, quan điểm cơ bản về quy chế này đã được BCH Hiệp hội thống nhất. Tuy nhiên, khi triển khai sẽ đưa vào thử nghiệm, sau đó sẽ triển khai trên phương diện rộng sau.

HOÀNG ANH

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top