Di sản văn hóa Hà Nội: Hồ sơ xét tặng nghệ nhân tăng đột biến

VH- Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú (NNND, NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai năm 2018.

So với đợt xét tặng đầu tiên được tổ chức vào năm 2015, đợt xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần này của Hà Nội có số lượng hồ sơ đề nghị xét tặng tăng một cách đột biến. 
140 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân
Thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ – CP ngày 25.6.2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, năm 2015 TP HN đã hoàn thiện 63 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT. Qua các vòng thẩm định, lấy ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng… cuối cùng đã có 39 cá nhân ở thủ đô được nhận danh hiệu NNƯT. Trong đó có nhiều nghệ nhân của thủ đô từ lâu đã được các chuyên gia văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên… trên cả nước nhìn nhận là một trong những nghệ nhân hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực mà họ trình diễn, thực hành… Có thể kể đến nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi của giáo phường ca trù Thái Hà. Không chỉ là “cột chống nhà” của giáo phường ca trù Thái Hà, giáo phường duy nhất trên cả nước đã bảy đời truyền trao, suốt nhiều năm qua nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi còn là thầy dạy ca trù cho nhiều nghệ nhân, học viên khắp cả nước…
Nhìn rộng khắp cả nước, với 39 NNƯT được công nhận danh hiệu cao quý này của Nhà nước, HN là địa phương có nhiều nghệ nhân được vinh danh nhất trong đợt xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT đợt đầu tiên năm 2015. Điều đó không chỉ cho thấy sự phong phú, giá trị của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của thủ đô ngàn năm văn hiến mà còn cho thấy công tác lập hồ sơ, xét tặng danh hiệu của HN thực sự có hiệu quả. Trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai năm – 2018, sau khi tiếp nhận và rà soát hồ sơ, Sở VHTT Hà Nội đã tổng hợp được 140 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân. Trong đó có 19 trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu NNND và 121 trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT. Hiện Sở VHTT Hà Nội đã công bố, đăng tải danh sách các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân và sẽ sớm trình các cơ quan chức năng tiến hành các bước thẩm định, xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân ở HN.

Di sản văn hóa Hà Nội: Hồ sơ xét tặng nghệ nhân tăng đột biến - Anh 1

Tri thức dân gian về ẩm thực là một di sản độc đáo của thủ đô


Vì sao có số lượng hồ sơ đề nghị xét tặng tăng đột biến?
Như vậy, so với đợt đầu tiên xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đợt xét tặng lần này có số lượng hồ sơ được tiếp nhận, hoàn thiện để tiến hành xét tặng tăng hơn gấp đôi. Cụ thể là năm 2015 Hà Nội chỉ mới có 63 hồ sơ thì trong đợt xét tặng lần này có tới 140 hồ sơ được tiếp nhận, hoàn thiện để xin ý kiến nhân dân, trình các cơ quan chức năng xét tặng. Một trong những nguyên nhân tăng đột biến về số lượng hồ sơ xét tặng đợt này, trước hết là do đợt này có thêm 19 NNƯT đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Đó là những Nghệ nhân Ưu tú đã được Nhà nước vinh danh đợt đầu tiên và đã có nhiều thành tích, cống hiến… trong khoảng 5 năm trở lại đây ở các loại hình nghệ thuật trình diễn, tri thức dân gian…
Bước sang lần thứ hai tổ chức thực hiện, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở HN cũng đã dần bước sang quy củ, trôi chảy hơn. Ngay từ đầu năm 2017, UBND TP HN đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai năm 2018. Kế đó, Sở VHTT HN cũng đã có công văn số 740/SVHTT – QLDS gửi UBND và Phòng Văn hóa thông tin các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố để hướng dẫn kế hoạch xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai – 2018. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực này cũng đã được UBND TP HN ra Quyết định thành lập với nhiều nhà văn hóa, nhà quản lý văn hóa uy tín… do Phó Chủ tịch UBND TP HN Ngô Văn Quý làm Chủ tịch Hội đồng… Những văn bản hành chính nhà nước đó chính là kim chỉ nam để công tác xét tặng danh hiệu cao quý này được triển khai đồng bộ, quy củ… trên nhiều quận, huyện, thị ở thủ đô.
Phong phú, đa dạng về các loại hình
Bà Bùi Thị Hương Thủy, Phó phòng Quản lý di sản, Sở VHTT HN nhìn nhận: “Thành công của Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thành phố HN trong mấy năm gần đây cũng góp phần giúp các quận, huyện, thị xã và cộng đồng nhận diện, ý thức hơn về việc gìn giữ, tôn vinh, phát huy các di sản cũng như các nghệ nhân”. Dễ dàng nhận thấy, nhiều nghệ nhân được lập hồ sơ xét tặng danh hiệu đợt này ít nhiều có sự ảnh hưởng, tác động của Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được triển khai ở TP HN mấy năm gần đây. Đơn cử như nghệ thuật trình diễn Múa hát Ải Lao vốn đã tồn tại ở quận Long Biên đã lâu, là một hoạt động quan trọng của Hội Gióng ở Phù Đổng, Long Biên đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Nhưng chỉ khi loại hình nghệ thuật trình diễn độc đáo này được các nhà nghiên cứu kiểm kê, nhận diện lại và sau đó được Bộ VHTTDL đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, dường như cộng đồng cũng như địa phương mới nhận rõ chân giá trị của các nghệ nhân Múa hát Ải Lao. Trong 140 hồ sơ được tiếp nhận, hoàn thiện ở HN đợt này có hai nghệ nhân Múa hát Ải Lao được xét tặng là Nguyễn Trọng Hinh và Nguyễn Bá Trản…
Bên cạnh sự phong phú, đa dạng về các loại hình, trong đợt xét tặng lần này ở HN có sự hiện diện khá mới mẻ và đông đảo của loại hình tri thức dân gian về ẩm thực. Nếu trong đợt xét tặng đầu tiên ở HN chỉ mới có duy nhất một nghệ nhân được vinh danh là Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết ở quận Hoàn Kiếm thì trong lần thứ hai năm 2018 xét tặng danh hiệu này, loại hình tri thức dân gian về ẩm thực có tới chín nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị được xét tặng. Đó là các nghệ nhân Hồ Thị Thủy, Công Thị Bé, Nguyễn Thị Tuyến ở quận Tây Hồ và nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạt, Vũ Bá Chung, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Ổn, Nguyễn Đức Toàn, Vũ Bá Tường ở huyện Quốc Oai. Sau khi Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, trong lần xét tặng danh hiệu nghệ nhân ở HN đợt này cũng có sự hiện diện của nhiều nghệ nhân thuộc loại hình này là: Nguyễn Thị Thìn, Đỗ Thị Vui, Phạm Văn Lợi, Lưu Ngọc Đức…
Đáng ghi nhận, giữa bối cảnh đa số nghệ nhân có đủ điều kiện về thời gian thực hành, trình diễn cũng như thành tích đủ để lập hồ sơ xét tặng đều tuổi đã cao, sức đã yếu thì trong đợt xét tặng danh hiệu nghệ nhân lần này ở HN có sự xuất hiện của nghệ nhân trẻ Nguyễn Thu Thảo. Chỉ mới 24 tuổi, Nguyễn Thu Thảo được nhìn nhận là nghệ nhân trẻ tuổi nhất trên cả nước được tiếp nhận hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống Ca trù, từ thủa tấm bé Thảo đã biết gõ phách, ngâm nga “Hồng hồng, tuyết tuyết… Mới ngày nào chưa biết cái chi chi…”. Cách đây mấy năm, ghi nhận tài năng của đào nương trẻ tuổi này, trong khuôn khổ Liên hoan ca trù toàn quốc, Nguyễn Thu Thảo đã được các nghệ nhân cao tuổi, các nhà nghiên cứu văn hóa lão làng làm “Lễ mở xiêm y”.

Phúc Nghệ

Ý kiến bạn đọc