Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Di tích quốc gia đình Đình Chu “oằn mình” kêu cứu

Thứ Sáu 10/11/2017 | 11:07 GMT+7

VH- Tiếng “kêu cứu” từ đình Đình Chu, một di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong hơn một năm qua, kể từ khi báo chí vào cuộc phản ánh tình trạng xuống cấp trầm trọng của di tích cho đến nay dường như vẫn là vô vọng. Lá đơn kiến nghị khẩn cấp của nhóm Đình làng Việt gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc hôm rồi “thảng thốt”, tình trạng ngôi đình hiện còn tệ hơn, di tích cổ vẫn đang phải oằn mình chống đỡ trước những trận mưa bão khắc nghiệt.
Tiếng kêu vô vọng?

Tiếng kêu vô vọng?

Cùng thời điểm này năm ngoái (tháng 8.2016), nhóm Đình làng Việt đã về đình Đình Chu (xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) trong hành trình điền dã của nhóm đến các di tích đình làng tại nhiều địa phương. Trưởng nhóm Đình làng Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Phó TBT Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh, Cục MTNATL) chua xót: “Bên cạnh việc được chứng kiến sự quý hiếm của một di sản thì bất kỳ ai yêu mến các giá trị của văn hóa đình làng đều cảm thấy xót xa khi di sản quý hiếm đó đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Những mái ngói thủng từng mảng lớn; cột, hoành, dui mè bị thấm nước, gây ẩm mốc và trở nên mục nát. Mưa hay nắng, trong đình cũng giống như ngoài trời, nước mưa dột từ nóc dột xuống, thấm vào hệ thống kết cấu gỗ…”.

Được biết, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng ở đình Đình Chu, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc đã khảo sát, báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đồng ý về chủ trương tu bổ, giao UBND huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư, xây dựng trình tự thủ tục để xin thỏa thuận của Bộ VHTTDL.

Cùng tham gia chuyến điền dã, PGS. TS.KTS Khuất Tân Hưng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cảnh báo, sự hoang tàn của ngôi đình cổ này không chỉ có tác động thị giác mà còn tiềm ẩn nguy cơ có thể sập đổ bất cứ khi nào, rất nguy hiểm đối với tính mạng người dân. Chính quyền địa phương đã căng biển báo nguy hiểm để dân làng không vào đình. Các hoạt động sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng bấy lâu cũng không còn được diễn ra ở đây.

Cùng thời điểm này, nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh về sự xuống cấp của đình Đình Chu. Thế nhưng hơn một năm qua, thực tế được ghi nhận tại ngôi đình cổ vẫn… giậm chân tại chỗ. “Thậm chí, di tích còn có hiện trạng xuống cấp trầm trọng, tệ hơn năm 2016. Với những vết thương lớn chưa được cứu chữa, đình vẫn đang phải oằn mình chống đỡ với mưa bão khắc nghiệt…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết.
Mới đây, trước thực trạng ngôi đình ngày càng xuống cấp, hoang tàn, ngày 21.8, nhóm Đình làng Việt đã chính thức gửi thư kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc bảo vệ khẩn cấp di tích.
Thư kiến nghị nhấn mạnh, đình Đình Chu là một trong những ngôi đình bề thế, quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc và vùng châu thổ Bắc Bộ còn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đến nay ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng ở tất cả các hạng mục, đặc biệt là trong 3 năm gần đây (2014 – 2017), sự xuống cấp đã đến mức báo động, hiện nay ngôi đình có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Sống- còn của di sản, sao lại thờ ơ?
Đại diện nhóm Đình làng Việt ký lá đơn kiến nghị khẩn cấp, ông Nguyễn Đức Lộc cho biết, năm 2016, sau những thông tin báo chí nêu, cán bộ chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc đã về đình Đình Chu khảo sát, đánh giá hiện trạng để lên phương án khắc phục, tu bổ (dự kiến trong kế hoạch 2018).
“Tuy nhiên, với thời tiết khắc nghiệt khó đoán như hiện nay thì rất có thể ngôi đình sẽ bị đổ lúc nào không biết. Di sản - di tích quốc gia đình Đình Chu sẽ chỉ còn là phế tích, thiệt hại khôn lường, và sẽ quá muộn nếu lãnh đạo tỉnh không có hành động khẩn cấp…
Vì thế, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị ông Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có biện pháp khẩn cấp bảo vệ Di tích quốc gia kiến trúc đình Đình Chu…”, nhóm Đình làng Việt lên tiếng.
Ông Nguyễn Đức Lộc thông tin thêm, nhóm Đình làng Việt đề nghị, trước mắt tỉnh Vĩnh Phúc cần khẩn trương cấp kinh phí hoặc tạm ứng kinh phí để dựng nhà bao bằng vật liệu sắt, mái tôn đạt tiêu chuẩn để bảo vệ toàn bộ di tích. Bên cạnh đó, cần tăng cường các cột chống đỡ cấu kiện kiến trúc chờ ngày trùng tu. Như vậy mới có thể giảm thiểu tác động của mưa bão, tránh sự cố không đáng có khi xảy ra mưa to gió lớn.
Trưởng nhóm Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình bộc bạch, trước những câu chuyện xảy ra gần đây đối với nhiều di tích như đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội), đình Đình Chu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc)…, có một câu hỏi được đặt ra: Vì sao chính quyền địa phương lại thờ ơ, chính xác hơn là quá chậm trễ trước tình huống cấp bách như vậy? Tình trạng “oằn mình” chờ tu sửa của những di tích này cũng đang báo động nguy cơ mất mát những di sản quý giá của cộng đồng. Đối với đình Đình Chu, sự chậm trễ sẽ khiến cho những giá trị kiến trúc của ngôi đình bị hỏng hóc rất nhanh.
“Thực tế đó phải chăng đã phản ánh sự vô cảm của cán bộ quản lý di sản ở địa phương? Trước sự sống- còn của di tích, không thể có thái độ thờ ơ như vậy…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình khẳng định.

PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng đưa thêm cảnh báo, một di tích bị lãng quên, không sử dụng sẽ kéo theo hệ lụy là gia tăng tốc độ xuống cấp, thậm chí đến mức không thể kiểm soát. Trường hợp của đình Đình Chu là như vậy, sự hoang hóa và dần trở thành phế tích đang đặt ra yêu cầu khẩn cấp, phải hành động ngay để bảo tồn, trùng tu di tích. “Các đơn vị có chức năng quản lý về văn hóa, di sản ở địa phương cùng với cộng đồng cần phải phối hợp để khẩn trương triển khai những công việc cứu vãn hiện trạng nặng nề của di tích, trước hết là những việc như gia cố, chống sập cấp thiết, bao che mảng vỡ… Tất nhiên, việc gia cố phải tuân thủ theo các nguyên tắc bất dịch trong bảo tồn di sản, tránh xảy ra sự biến dạng đối với di tích”, PGS Khuất Tân Hưng lưu ý.
Đưa di sản về với cộng đồng cũng là một yếu tố mà theo PGS Khuất Tân Hưng, sẽ giúp những ngôi đình cổ như Đình Chu không bị rơi vào quên lãng. Khi cộng đồng địa phương nâng cao hơn về trách nhiệm, ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản thì chắc chắn chính quyền địa phương cũng không thể có thái độ thờ ơ, vô cảm. 
 

Đình Đình Chu (thôn Trung Kiên, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) là di tích đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định 310-QĐ/BT ngày 13.2.1996. 
Đình Đình Chu là ngôi đình mang phong cách truyền thống đặc trưng đình làng vùng xứ Đoài, với kết cấu kiến trúc, trang trí kiến trúc độc đáo. Đình được khởi dựng năm Gia Long thứ 2 (1803) và trùng tu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), là một trong những ngôi đình bề thế, quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và vùng châu thổ Bắc Bộ còn tồn tại cho đến ngày nay.


Bảo Ngân
 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top