Đẩy mạnh xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo di tích và thiết chế văn hóa

LTS: Như tin đã đưa, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hoá giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, hai trong ba dự án thành phần là Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá và Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hoá. Mục tiêu là hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể cho 20 di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu, hỗ trợ chống xuống cấp khoảng 400 di tích quốc gia...; hỗ trợ trang thiết bị một số trung tâm văn hoá cấp tỉnh, cấp huyện... Tổng kinh phí thực hiện cả hai dự án là 9.125 tỉ đồng trên tổng kinh phí 10.620 tỉ đồng.
Về các giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình, riêng về cơ chế huy động vốn, Quyết định nêu rõ: Thực hiện đa dạng nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn ngân sách địa phương, các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Rõ ràng, đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo di tích và thiết chế văn hoá công cộngcó ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm khơi thông mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ di sản của người dân.
Đà Nẵng: Hiệu quả trông thấy
Trong năm 2016, tổng mức đầu tư các thiết chế văn hóa của TP là 70,657 tỉ đồng. Năm 2017 là hơn 79 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2016. Việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo thiết chế văn hoá theo hình thức xã hội hóa đã mang lại những hiệu quả trông thấy. 
Trong năm 2017 đã hoàn thành thanh quyết toán Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm; bảo tồn, tôn tạo Khu căn cứ cách mạng K20; tu bổ, tôn tạo Di tích Thành Điện Hải... Hầu hết các thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư nâng cấp cải tạo đều đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng và phát huy hiệu quả, trở thành các địa chỉ văn hóa hữu ích đối với người dân và du khách.
Các công trình văn hóa được nâng cấp đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội.
Điển hình là công trình Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được nâng cấp và hoàn thành vào tháng 8.2015 với quy mô gần bốn tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2017, Nhà hát đã tham gia và phối hợp tổ chức 143 buổi biểu diễn, thu hút 85.730 lượt người xem; công trình Thư viện Khoa học Tổng hợp với tổng kinh phí 50 tỉ đồng đưa vào sử dụng, đến nay trung bình có hơn 700 lượt người dân đến đọc sách mỗi ngày. Ngoài rạp chiếu phim Lê Độ được nâng cấp từ nguồn vốn ngân sách thành phố, Đà Nẵng cũng đã đầu tư xây dựng thêm thư viện các quận, huyện trở thành hệ thống thư viện điện tử nhằm phát triển văn hóa đọc ở địa phương.


 

Đẩy mạnh xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo di tích và thiết chế văn hóa - Anh 1


Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sau khi nâng cấp đã thu hút đông đảo khán giả và du khách


Không chỉ các thiết chế văn hóa cộng đồng, các lễ hội được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia. Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng năm 2017 lần đầu tiên được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, có nhiều hoạt động hấp dẫn, có chiều sâu về văn hóa, lịch sử; hay như việc mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo với hơn 500 hiện vật có ý nghĩa được trưng bày thể hiện sự hài hòa giữa Phật giáo và dân tộc. Cùng với đó là một số lễ hội khác như lễ tế Thạch nghề tổ sư, lế tế Xuân, các lễ hội có quy mô làng xã như lễ hội đình làng Túy Loan, đình làng Hải Châu; trưng bày, giới thiệu các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan mây tre... với sự chung tay của mọi người đã góp phần nâng tầm quy mô, đáp ứng được nhu cầu về thưởng thức văn hóa, du lịch đối với người dân địa phương cũng như khách tham quan lễ hội.

 

Đẩy mạnh xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo di tích và thiết chế văn hóa - Anh 2

Lễ hội Quán Thế Âm TP. Đà Nẵng năm 2017 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức xã hội hoá


Nhằm phát huy tối đa các thiết chế văn hoá và lễ hội, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân địa, thu hút đông đảo du khách, thành phố sẽ có cơ chế cụ thể để tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư các thiết chế văn hoá và thể thao trên địa bàn, kiên quyết không lấy quỹ đất của ngành văn hóa và thể thao để xây dựng các dự án công trình khác.

Đình làng Phước Trường được xếp hạng di tích cấp thành phố
UBND phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) đã tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp thành phố đối với đình làng Phước Trường. Đình làng Phước Trường có bề dày lịch sử hơn 400 năm, là một trong những đình làng được xây dựng sớm ở vùng biển Sơn Trà. Đình được có từ đời Gia Long (1802-1819) xây bằng tường vôi, mái lợp tranh tre. Thời kháng chiến chống Pháp, Ủy ban kháng chiến khu Đông đào hầm bí mật dưới mái đình làng này để che giấu, nuôi dưỡng cán bộ hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng. Đến năm 1998, đình được tôn tạo hoàn toàn mới từ nền móng đến tường, mái, thờ Thành hoàng làng cùng tiền hiền, hậu hiền của làng. Hằng năm chiếu theo lệ, dân làng Phước Trường tổ chức tảo mộ tiền hiền vào 1.8 âm lịch, kỵ giỗ tiền hiền vào các ngày mồng 10.9 Âm lịch. Ngày 10.6 âm lịch tổ chức lễ cầu an. Đây là một trong 51 di tích lịch sử cấp thành phố. 

 

Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc