Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Chuyên gia Đức nặng lòng với di sản Huế

Chủ Nhật 28/04/2019 | 14:41 GMT+7

VHO- Suốt mười sáu năm thực hiện công tác bảo tồn di sản ở khu vực Đông Nam Á, bà Andrea Teufel đã xem Huế như quê hương thứ hai của mình.

Không chỉ dừng lại ở công tác chuyên môn, nữ chuyên gia đến từ CHLB Đức còn kết nối với nhiều tổ chức để đưa lại nguồn hỗ trợ kinh phí lẫn nhân lực cho công cuộc bảo tồn ở hệ thống di sản Huế.

Tính đến nay, bà đã tham gia thực hiện bảo tồn 5 công trình của di sản Huế.

 Chuyên gia Andrea Teufel và cộng sự trong bảo tồn di tích ở Điện Phụng Tiên (Hoàng cung Huế)

Bắt đầu từ năm 2003, chuyên gia về bảo tồn di sản Andrea Teufel (54 tuổi) đến khu vực Đông Nam Á để thực hiện các dự án về bảo tồn- phục chế các công trình di sản, thuộc chương trình Bảo tồn Văn hóa của Văn phòng Đối ngoại CHLB Đức. Dự án đầu tiên bà thực hiện là phục hồi tranh tường ở Khải Tường Lâu, di tích Cung An Định (Huế). Những bức tranh được thực hiện theo phong cách phương Tây, vẽ về phong cảnh các lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn. Khi bà tiếp cận, những bức tranh này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, màu tranh bị hoen ố, bong tróc… Nữ chuyên gia đã phải gửi những mẫu sơn trên tranh sang phòng thí nghiệm ở Đức để phân tích, nghiên cứu phương pháp phục hồi. Cùng với việc chọn thêm các họa sĩ kinh nghiệm ở địa phương, 6 bức tranh tường Khải Tường Lâu đã được hoàn thành phục hồi và trả lại nét đẹp nguyên thủy cho di tích.

Kể từ sau dự án này, nhiều họa sĩ và người làm công tác bảo tồn ở Huế đã trở thành “học trò” cùng bà Andrea Teufel thực hiện các dự án bảo tồn, tu bổ di sản ở Hoàng cung Huế. Bà cũng sinh sống thường xuyên ở Huế tại căn nhà trên đường Chi Lăng. Bà Andrea chia sẻ rằng, nơi bà sinh ra ở Elgersburg, thành phố Potsdam (Đức). Thành phố này có nhiều công trình di tích xưa cổ, mang nhiều nét tương đồng với Cố đô Huế. “Thời gian hơn 15 năm sinh sống và làm việc tại Huế, tham gia trùng tu, bảo tồn các công trình di tích của Huế đã cho tôi nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Đó là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Tôi luôn cảm thấy tự hào khi góp phần nhỏ vào công cuộc bảo vệ cảnh quan và di sản Huế”, nữ chuyên gia chia sẻ.

Từ năm 2003 đến nay, nhóm chuyên gia của CHLB Đức do bà Andrea Teufel đại diện đã thực hiện trùng tu 5 dự án tại khu di sản Huế. Gồm: thực hiện Phục hồi tranh tường ở Khải Tường Lâu (Cung An Định); phục hồi cổng, bình phong Bửu Thành Môn (Lăng Tự Đức); phục hồi ngoại thất Tối Linh Từ (Đại Nội); dự án Bảo tồn, phục hồi trang trí nội thất Tả Vu, Đại Nội Huế và mới đây tháng 1.2019 là hoàn thành dự án phục hồi ở Điện Phụng Tiên. Các dự án do bà Andrea Teufel phụ trách là những dự án được các tổ chức của CHLB Đức tài trợ. Ngoài hỗ trợ về kinh phí, nhân lực cho bảo tồn di sản, những dự án nói trên cũng đã kết hợp đào tạo chuyên môn cho đội ngũ bảo tồn di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương của Việt Nam nói chung.

Họa sĩ Lê Phước Tân đã tham gia các dự án bảo tồn của CHLB Đức tại Huế kể rằng, bà Andrea Teufel rất yêu di sản và văn hóa Huế. Mỗi khi khảo sát công trình di tích, bà rất tỉ mỉ từng hoa văn họa tiết và luôn nghiên cứu để có phương pháp phục hồi tốt nhất cho công trình. Bà luôn tâm niệm rằng, quần thể di tích Cố đô Huế là di sản thế giới nên mọi người phải chung tay giữ gìn, bảo vệ.

Bà Andrea Teufel tâm sự, quá trình thực hiện công tác trùng tu di tích, bà đã tích lũy nhiều kinh nghiệm cho chính mình và từng bước hoàn thiện các phương pháp và kỹ thuật trùng tu. Trong đó, kỹ thuật fresco được áp dụng trong phục hồi di tích. Có nghĩa trát vữa lên tường, đợi cho đến khi vữa khô, nhưng không khô hẳn mà còn hơi ẩm, tiếp đó dùng chất màu trộn với nước và vẽ trực tiếp thẳng lên mặt vữa tươi đó, không cần bất cứ loại chất kết dính hay keo nào. Với việc phát triển và áp dụng phương pháp mới này, những trang trí trên các công trình di tích sẽ không bị hư hại do thời tiết, qua đó sẽ bảo tồn di sản chân xác.

Năm 2018, nhóm chuyên gia do bà Andrea Teufel làm trưởng nhóm đã công bố công trình “Nghiên cứu phát triển, đào tạo và triển khai phương pháp mới để bảo tồn các công trình di sản có trang trí, áp dụng kỹ thuật các thiết kế nguyên bản, đặc biệt là kỹ thuật từ lâu đã thất truyền “vẽ fresco” và “vữa màu”. Công trình này đã giành giải Ba của Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2018 trong lĩnh vực công nghệ vật liệu với công trình. 

SƠN THUỲ

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top