Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đến Bảo tàng Mỹ thuật ngắm những sắc màu “Đi cùng năm tháng”

Thứ Bảy 27/04/2019 | 10:53 GMT+7

VHO- Những tác phẩm hội họa trong cái tên nhuốm màu thời gian “Đi cùng năm tháng” đã thu hút đông đảo khách tham quan đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong dịp  kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2019) và Quốc tế Lao động 1.5.

Triển lãm khai mạc chiều 26.4, giới thiệu hơn 100 tác phẩm của 23 họa sĩ nổi tiếng, phản ánh nhiều giai đoạn khác nhau của hội họa Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Sáng, "Thành đồng Tổ quốc", chì trên giấy

Khá đặc biệt bởi trên 100 tác phẩm có giá trị nghệ thuật nói trên lại do một nhà sưu tập tư nhân, với tình yêu, đam mê và tâm huyết đã dày công sưu tập. Đúng như tên gọi triển lãm "Đi cùng năm tháng", cho đến hôm nay, có thể nói đây là những họa phẩm của các danh họa nổi tiếng Việt Nam góp phần ghi dấu những chặng đường của nền mỹ thuật nước nhà.

Ông Phạm Văn Thông là nhà sưu tập đã 30 năm trong lĩnh vực cổ ngoạn ở Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, nhờ có nhân duyên với nghệ thuật hội họa nước nhà, ông đã có 15 năm gắn bó với các tác phẩm hội họa Việt Nam. Bộ sưu tầm các tác phẩm hội họa của ông từ các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến các họa sĩ thời kháng chiến, đương đại rất phong phú, đa dạng, được đánh giá là bộ sưu tầm có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.

Nhà sưu tập chia sẻ, nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4, ông mong muốn được giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của mình. Toàn bộ số tranh, hiện vật này đã được ông dày công sưu tập qua hàng chục năm và đã được trưng bày ở nhiều triển lãm lớn nhỏ trong nước.

Đặc biệt, bộ sưu tập các tác phẩm xuất sắc của họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988), tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà ông mang đến trong cuộc triển lãm lần này là cơ hội để công chúng, các nhà sưu tầm và những người yêu Nguyễn Sáng được thưởng lãm.

Nguyễn Sáng, "Mỏ Cẩm Phả", 1962, sơn dầu trên vải

Đáng chú ý là tác phẩm “Mỏ Cẩm Phả” (kích thước 93x126cm) của họa sĩ Nguyễn Sáng được  nhà sưu tập Phạm Văn Thông mua lại từ gia đình họa sĩ Hoàng Đình Tài. Bức tranh sơn dầu này của họa sĩ Nguyễn Sáng tặng họa sĩ Hoàng Đình Tài là học trò yêu quý của ông trước khi ông vào Nam sống. Bức tranh cũng được họa sĩ Phạm Phi Châu mượn triển lãm chuyên đề về đề tài vùng mỏ năm 1966  tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Bộ tranh ký họa của họa sĩ Nguyễn Sáng gồm 48 tranh vẽ phác thảo bằng màu nước, chì màu, bút sắt ... được nhà sưu tập Phạm Văn Thông mua của gia đình em trai họa sĩ Nguyễn Sáng là ông Nguyễn Hoa (do ông Ngô Mạnh Tuấn, con rể ông Hoa thay mặt gia đình nhượng lại). Đặc biệt trong đó có 1 tranh phác thảo chì cho bức tranh sơn dầu “Mỏ Cẩm Phả” nói trên.

Ngoài ra, triển lãm “Đi cùng năm tháng” còn trưng bày một số kỷ vật của họa sĩ Nguyễn Sáng như: hai chiếc ghế đẩu gắn bó với họa sĩ Nguyễn Sáng suốt thời gian ông sáng tác và sinh sống tại 65 Nguyễn Thái Học  (Hà Nội) và cuốn từ điển tiếng Pháp được em vợ họa sĩ tặng nhà sưu tập; bức thư tay họa sĩ Nguyễn Sáng viết sau giải phóng gửi ra Hà Nội cho em dâu họa sĩ; những tấm toan cuối đời chưa kịp vẽ của họa sĩ Nguyễn Sáng ở Sài Gòn năm 1988 cũng được ông Ngô Mạnh Tuấn tặng lại nhà sưu tập Phạm Văn Thông. 

Trần Duy, "Phong cảnh cố đô Huế", 2002, sơn mài

 Cũng tại triển lãm, bước chân người xem cũng không thể bỏ qua những tác phẩm của nhiều danh họa nổi tiếng khác trong nền hội họa Việt Nam. Trong đó có bức tranh trừu tượng “Phố Sài Gòn” của họa sĩ Bùi Xuân Phái được gia đình họa sĩ Lê Đại Chúc nhượng lại cho ông Phạm Văn Thông. Năm 1979, họa sĩ Bùi Xuân Phái được ông Lê Đại Chúc đón vào TP. HCM ở tại nhà ông Lê Đại Chúc gần hai tháng. Trong thời gian đó, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ và tặng lại một số tác phẩm sơn dầu về các đề tài, trong đó có tác phẩm trừu tượng “Phố Sài Gòn”. Bức tranh này đã in trong vựng tập Bùi Xuân Phái của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn. Hay bức tranh sơn mài của họa sĩ Trần Duy “Phong cảnh cố đô Huế” được nhà sưu tập Phạm Văn Thông mua của ông Lê Anh Quý, Hà Nội; tranh màu nước “Công trường nhà máy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn, “Dân quân Bảo Minh” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ… cùng nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng đương đại.

Bùi Xuân Phái, tranh trừu tượng, sơn dầu

Đánh giá về giá trị bộ sưu tập của ông Phạm Văn Thông, sách “Sưu tập mới của Phạm Văn Thông” do NXB Mỹ thuật ấn hành nhấn mạnh, đây là một bộ sưu tập hiếm lạ, quý giá. “Có thể nói, đây là một bộ sưu tập  không lớn, nhưng đầy bản lĩnh và tính ngẫu hứng. Nó đánh dấu một bước chuyển của cá nhân một nhà sưu tập, cả về quan niệm lẫn nhận thức, rằng: Cái gì đã hay, cái gì mình đã thích (không phải thích bằng trực giác thông thường, mà thích bằng một thứ trực giác kết tinh từ kiến thức và quá trình trải nghiệm)- thì không câu nệ gì cả, từ thể loại, khuôn khổ đến chất liệu… Nếu nhà sưu tập nào cũng lấy tinh thần tôn trọng nghệ thuật, tôn trọng lao động của người nghệ sĩ, từ cái nhỏ nhất tới  cái lớn nhất- thì chắc chắn sẽ tìm được những giá trị hiếm lạ, quý giá mà người khác dường như không bao giờ quan tâm đến. Và đó cũng là một bí quyết thành công của nghề chơi”.

Trên 100 tác phẩm “Đi cùng năm tháng” được trưng bày từ ngày 26- 29.4. 2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học,  Ba Đình, Hà Nội).

PHƯƠNG ANH

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top