Gã linh vật bên rìa hay là sự thức tỉnh?

VH- NXB Thế Giới cùng nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long đã ra mắt cuốn sách khá thú vị từ tên gọi đến nội dung: Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) vào hôm qua 19.12 tại Hà Nội.

Phác thảo chân dung “gã linh vật bên rìa”

Gọi Nghê là “gã linh vật” có lẽ cũng chỉ có họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, chủ biên cuốn sách. Trần Hậu Yên Thế cũng vậy, như một “gã độc hành” trên con đường nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, miệt mài theo cách riêng của mình. Cái cách mà ít ai lựa chọn.

Nhận xét về cuốn sách, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên viết, Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đã bước đầu trình bày lai lịch, danh xưng, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng của một linh vật rất thân quen trong văn hóa Việt. Ngoài hệ thống đồ án linh vật nghê ở đền Vua Đinh, Vua Lê, tác giả còn tập hợp công phu các hình ảnh nghê trong mỹ thuật truyền thống, gắn với đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt.

“Đây là cuốn sách có giá trị, hữu ích với những người làm công tác quản lý, nghiên cứu cũng như giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay”, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định.

Trần Hậu Yên Thế cho biết, sách là những trang phác thảo ban đầu chân dung một con vật linh quan trọng bậc nhất của người Việt: Nghê. Cuốn sách bắt đầu từ những con nghê ở đền Vua Đinh, Vua Lê tại cố đô Hoa Lư, sau đó mở rộng tầm nhìn đến các vùng miền khác. Nghê có mặt ở đền, miếu, lăng tẩm, đình chùa, từ thường dân cho đến cả chốn hoàng cung.

“Sách chỉ có đôi lời bàn luận, dẫn giải, còn phần lớn cung cấp những tư liệu hình ảnh, bản đạc họa, sơ đồ... Sách dày 332 trang với trên 500 hình ảnh và tư liệu minh họa phong phú, trình bày đẹp mắt, các biện luận chú giải ngắn gọn, dễ hiểu. Sách đã công phu sưu tầm hình tượng nghê từ thời Lý đến thời Nguyễn, từ Bắc chí Nam, đồng thời so sánh với một số linh vật của nhiều nước trong khu vực…”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nhận xét.

Cũng theo ông Bình, sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) là kết quả công trình nghiên cứu của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế sau khoảng 10 năm. Từ những năm 2008, 2009, Trần Hậu Yên Thế đã có những bài nghiên cứu, công bố đầu tiên về nghê ở đền Vua Đinh, Vua Lê. 3 năm gần đây, do nhu cầu của xã hội và đặc biệt là sức lan tỏa của công văn 2662 do Bộ VHTTDL ban hành, họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế càng được tiếp thêm xung lực để xuất bản ấn phẩm này. Sách ra mắt đúng dịp sơ kết 3 năm thực hiện công văn, có thể được xem như một sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận và các nhà quản lý, giới nghiên cứu…

Gã linh vật bên rìa hay là sự thức tỉnh? - Anh 1

 

Gã linh vật bên rìa hay là sự thức tỉnh? - Anh 2

Những hình ảnh trong cuốn sách

Tiếng cười thức tỉnh

Cùng với những tư liệu, hình ảnh và kết quả nghiên cứu của các tác giả Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long, sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) còn có giá trị đặc biệt khi ấn phẩm đã quy tụ nhiều tư liệu ảnh về hình tượng nghê ở các di tích, địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Bắc Giang…, được nhiều người chụp lại khi làn sóng của chiến dịch loại bỏ các “hiện vật lạ” ra khỏi di tích được dấy lên từ công văn 2662 của Bộ VHTTDL.

Bộc bạch về những kết quả nghiên cứu của mình, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế hài hước, nghê đích thực là gã linh vật chầu rìa độc đáo nhất trong nghệ thuật cổ truyền của người Việt. Dù chỉ là phác họa ban đầu, khuôn mặt nghê hiện ra lúc trầm lắng, trang nghiêm, lúc thì nghênh nghênh, hớ hênh phóng túng, miệng ngoác ra cười đến tận mang tai. Cung cách bông lơn, bộ dạng dung tục đến hồn nhiên , vẻ như bất chấp mọi lễ giáo và khuôn phép của những gã nghê được đục đẽo, tô đắp một cách hả hê, làm náo nức các mảng chạm, bất kể đó là ở đình, ở chùa hay lăng tẩm, đền miếu. Hiếm có linh vật nào có thần thái sinh động như nghê, đủ cả hỷ nộ ái ố, lúc chau mày ứa lệ, lúc toe toét miệng cười.

Chia sẻ với tạo hình “tỏ ra biết thân biết phận” của nghê Việt, Trần Hậu Yên Thế tiếc nuối: “Nghê đã bị bỏ quên khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền của người Việt, thậm chí bị nhầm tên quên họ trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài. Song, dù thế nào chăng nữa, cũng như những vai hề chèo, diễn viên phụ xuất sắc, nghê đã chạm đến chốn sâu lắng nhất của tâm hồn người Việt. Đáng tiếc là hình tượng nghê Việt đang dần bị mai một và quên lãng. Ở cái thời buổi nhiều nhầm lẫn và ngộ nhận này, nghê dường như không còn đất sống…”. Đó cũng là lý do khiến Trần Hậu Yên Thế và các cộng sự tiếp tục vững bước trên con đường bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, thông qua hình tượng linh vật nghê Việt.

Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) cung cấp đến độc giả nhiều thông tin thú vị thông qua các bài viết, nội dung nghiên cứu phong phú như: Nghê ở đền Vua Đinh, đền Vua Lê; Linh vật quen mà lạ; Kiểu thức lựa chọn của văn hóa Việt; Muôn hình vạn trạng Nghê - Từ khóe mắt đến nụ cười, trang nghiêm và hoan hỷ; Nghê thời mở cửa và thả cửa; So sánh với sư tử Trung Hoa; Bài học kinh nghiệm của việc sử dụng linh vật cổ truyền trong văn hóa đương đại…

 

 Việc tác giả chọn tên gọi Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa cũng là một cách châm biếm, phản ánh một thực tế đang bị lãng quên hình tượng của linh vật này trong đời sống văn hóa người Việt. Sự lãng quên đó không chỉ trong đời sống xã hội mà ngay giới nghiên cứu cũng dành rất ít sự chú ý. Tác giả gọi “nghê” là “gã linh vật” như một sự thức tỉnh để tất cả cùng nhìn lại.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình

Ngân Anh

 

Ý kiến bạn đọc