Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Hà Nội dồn trí lực và nhân lực cho di sản văn hóa

Thứ Tư 27/12/2017 | 09:37 GMT+7

VH-  Vừa qua, Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ VN TP Hà Nội phối hợp tổ chức buổi gặp mặt với đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Dồn cả nhân lực, trí lực cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về nhiều mặt trong lĩnh vực di sản văn hóa.

 Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất nước

Nôi di sản tiêu biểu của cả nước

Ông Hoàng Trung Hải, UV BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Hà Nội thực sự là cái nôi di sản tiêu biểu của cả nước. Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hà Nội luôn nhận được sự chung tay, đầu tư cả về nhân lực, trí lực và tài lực của cộng đồng xã hội, của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học…”. Theo số liệu tổng kiểm kê, đánh giá phân loại di tích, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 5.922 di tích. Đây là địa phương có số lượng di tích được kiểm kê, xếp hạng lớn nhất nước. Trong đó có nhiều di tích nổi tiếng trong nước và quốc tế như: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, đền Ngọc Sơn – hồ Hoàn Kiếm, các di tích Tứ trấn, Phố cổ Hà Nội, làng cổ ở Đường Lâm…

Hơn thế, gần như trong lĩnh vực xếp hạng di tích ở trong nước cũng như các danh sách di sản được UNESCO vinh danh thì thủ đô Hà Nội đều có di sản tiêu biểu trong các hạng mục, danh sách đó. Trong hệ thống các danh sách ghi danh của UNESCO, Hà Nội có Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa; Ca trù và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 82 tấm bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức… GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN cho biết: “Hà Nội chiếm số lượng 1/3 tổng số danh sách di tích Quốc gia và chiếm gần 1/5 trong danh sách di tích Quốc gia đặc biệt…”. Chưa kể là Hà Nội cũng là miền đất nổi tiếng với nhiều ngành nghề tiêu biểu và chiếm tới gần 40% ngành nghề thủ công truyền thống ở VN.

Với nhiều hình thức khác nhau, Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội cũng đã đóng góp hơn 150 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo nhiều di tích trên địa bàn TP Hà Nội bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Lễ hội Chùa Hương đóng góp ngân sách khoảng 60 tỉ đồng năm 2016

Nhiều hoạt động dẫn đầu trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: “Đi liền với việc bảo tồn di tích, Hà Nội đã quan tâm đến công tác bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đây là một phần “hồn cốt” Thăng Long - Hà Nội”. Lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực sự là một lĩnh vực mới, mấy năm gần đây mới thực sự lan tỏa trong cả nước và Hà Nội thực sự là đầu tàu trong cả nước về lĩnh vực này. Cho đến nay, Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước triển khai thực hiện Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Không chỉ nhận diện, kiểm kê, xác định giá trị, đánh giá thực trạng, sức sống các di sản văn hóa phi vật thể mà Hà Nội còn tìm ra và triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, năm 2016 Hà Nội đã kiểm kê và lập Bản đồ phân bố cho 1.793 di sản văn hóa phi vật thể ở thủ đô. Qua đó cung cấp cái nhìn tổng quan về di sản văn hóa phi vật thể của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bên cạnh đó, 12 di sản ở thủ đô đã được lập hồ sơ và được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhiều dự án, chương trình hành động được lập nên nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng đã được triển khai một cách khoa học, bài bản. Trong công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, năm 2015 Hà Nội cũng đã có 39 nghệ nhân được Nhà nước tôn vinh và năm 2017 cũng đã hoàn thiện danh sách đệ trình xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 12 người và 58 hồ sơ xét tặng Nghệ nhân ưu tú…

Về công tác đặt tên đường tên phố, Hà Nội cũng đã mạnh dạn lập Ngân hàng dữ liệu đặt tên đường, tên phố, đem đến một kho tàng đồ sộ và có tính định hướng cho thủ đô. Với 149 bảo vật quốc gia trong danh mục Bảo vật Quốc gia, Hà Nội là địa phương có nhiều bảo vật nhất được Chính phủ công nhận qua các đợt. Điển hình là năm 2017, Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước khi xây dựng hồ sơ đề cử công nhận Bảo vật Quốc gia cho 2 hiện vật thuộc sở hữu tư nhân là: Chum gốm hoa nâu – thời Lý và Thạp đồng – niên đại văn hóa Đông Sơn.

Biến di sản thành tài sản, biến môi trường văn hóa thành thị trường văn hóa…

Với số lượng di tích, di sản văn hóa đồ sộ, phong phú như vậy, Hà Nội cũng có số lượng lớn di tích xuống cấp cần phải đầu tư tu bổ, tôn tạo. Đây đó trong công tác tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa ở HN vẫn còn có nhưng sai phạm, thiếu sót đáng tiếc. Thậm chí nhiều di tích còn bị nhà dân chiếm dụng, chưa giải phóng mặt bằng được nên nhiều dự án tu bổ chưa được hoàn thành và phê duyệt… Dù vậy, thực sự phải nhìn nhận kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và phong phú này của Hà Nội là tài sản quý giá cần phải phát huy. Bên cạnh các làng nghề thủ công truyền thống có nhiều sức hút, Hà Nội là địa phương có nhiều bảo tàng tiêu biểu nhất của quốc gia… Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: “Tiềm năng di sản văn hóa của HN là nhất nước. Vấn đề là HN cần biến di sản văn hóa thành tài sản; biến môi trường văn hóa thành thị trường văn hóa lành mạnh, hấp dẫn…”.

Phúc Nghệ

 

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top