Phát hiện 20.000 di vật của nền Văn hóa Óc Eo

VH- Viện Khảo cổ học vừa phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo “đầu bờ” về kết quả sơ bộ khai quật nghiên cứu di tích khảo cổ học tại chùa Linh Sơn thuộc thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn - An Giang).

Được biết từ tháng 8. 2017 đến nay, đoàn khai quật đã mở được 2 hố, với diện tích lần lượt là 140,8 m2 và 144,42 m2. Kết quả bước đầu cho thấy đã xác định có 5 lớp văn hóa thuộc về 5 thời kỳ khác nhau phát triển liên tục. Các lớp văn hóa này có niên đại trải dài khoảng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XII trở về sau. Trong 2 hố khai quật đã phát hiện 20.000 hiện vật, gồm: Vật liệu kiến trúc (gạch, ngói các loại), đồ gốm sinh hoạt (nồi, bát đĩa…), di vật đá (mảnh tượng bằng đá sa thạch)…

TS. Lê Đình Phụng cho biết, những phát hiện trên giúp chúng ta có cái nhìn mới hơn, tiếp cận gần hơn những luận chứng cụ thể về một nền văn minh rực rỡ - văn minh Phù Nam ở khu vực Đông Nam Á thời xa xưa. Từ đó có kế hoạch về quy hoạch, bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu giá trị nền văn hóa này một cách bài bản và đồng bộ. Óc Eo thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang là nơi nhà khảo cổ Luis Malleret thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp tiến hành khai quật khảo cổ lần đầu tiên vào năm 1944.

L.S

Ý kiến bạn đọc