Ở Bắc Giang,​ không mất cắp cổ vật thì mới lạ?

VH- Tình trạng mất cắp cổ vật trong di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang lại bị báo động. Chỉ tính riêng trong vòng 2 tuần (cuối năm 2017 đầu 2018) đã xảy ra 2 vụ trộm cắp cổ vật rất táo tợn. Điều đáng quan tâm hơn và gây bức xúc là trong số hàng chục vụ “chảy máu” cổ vật từ trước đến nay, hầu hết chưa được cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm, thu hồi cổ vật.

Bắc Giang được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng mất cắp cổ vật trong nhiều năm qua và ngày càng diễn biến phức tạp. Dù đã được ngành chức năng cảnh báo, tổ chức tập huấn, hội thảo bàn về vấn đề này song vì nhiều lý do, trong đó có sự lơ là, mất cảnh giác, công tác “phòng gian bảo mật” chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc khiến nhân dân bức xúc.

Ở Bắc Giang,​ không mất cắp cổ vật thì mới lạ? - Anh 1

Vị trí cửa sổ hoa bê tông bị trộm phá hủy để vào di tích lấy cắp cổ vật nay được người dân Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) thay bằng cửa sổ gỗ

Vẫn nhức nhối

Sự việc xảy ra vào ngày 28.12.2017, tại chùa Vẽ, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) là một ví dụ. “Đạo chích” đã phá cửa sổ lấy đi 4 pho tượng cổ để trơ lại tòa sen gỗ. Sự việc sau đó đã được phát hiện và báo cáo lên cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Theo xác minh của Bảo tàng tỉnh, các cổ vật trên đều chất liệu gỗ, có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ cao gồm: Hai tượng Tam Thế, một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và một tượng Đại Thế Chí Bồ Tát.

Ở Bắc Giang,​ không mất cắp cổ vật thì mới lạ? - Anh 2

 Chùa Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) từng bị mất nhiều cổ vật

Huyện Việt Yên từng xảy ra nhiều vụ mất cắp cổ vật, thậm chí trong di tích quốc gia hay quốc gia đặc biệt. Cụ thể vào ngày 23.2.2017, trong khi công tác chuẩn bị Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà đang được các ngành, các cấp thực hiện khẩn trương thì kẻ gian đột nhập vào chùa lấy đi pho tượng Quan Âm Tống Tử bằng gỗ có niên đại gần 200 năm. Trước đó chùa Bổ Đà đã nhiều lần bị kẻ trộm lấy cắp cổ vật. Mới đây nhất, vào đêm ngày 10 rạng sáng 11.1, kẻ gian “viếng thăm” đình Thổ Hà, xã Vân Hà (di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia) lấy đi một số cổ vật, di vật có giá trị như: một bộ chấp kích cổ (8 chiếc), một kiếm thần, một nồi hương đồng và một đôi hạc đồng. Đó là những cổ vật, hiện vật có ý nghĩa quan trọng trong nghi thức rước tại lễ hội truyền thống gắn với đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây từ nhiều thế hệ. Bước đầu xác định kẻ trộm phá vỡ cửa hoa xi măng phía hậu cung đột nhập vào trong. Theo ông Cáp Trọng Việt, Trưởng thôn Thổ Hà, việc mất một số di vật cổ vật quý hiếm trên không những gây tổn thất lớn về mặt tình cảm, tinh thần mà còn gây bức xúc trong nhân dân, bởi các đối tượng đã quá manh động, vận chuyển số lượng lớn di vật, cổ vật phải có đông người và phương tiện vận chuyển bằng ô tô mới thực hiện được. Trong dịp lễ hội xuân tới, Thổ Hà sẽ thiếu những vật thiêng quan trọng này để thực hiện nghi lễ rước.

Ở Bắc Giang,​ không mất cắp cổ vật thì mới lạ? - Anh 3

 Chấp kích đình Thổ Hà đã bị mất

Còn mất cảnh giác

Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, Bắc Giang đã xảy ra gần 50 vụ xâm hại, mất cắp di vật, hiện vật tại di tích. Kẻ gian lấy đi hàng trăm di vật, cổ vật, chủ yếu là tượng, sắc phong, câu đối, chuông, chấp kích, lư hương, chóe... Phần lớn vụ mất cắp chưa tìm ra được thủ phạm và chưa thu giữ được hiện vật trả về di tích. Theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang), những vụ trộm cắp di vật, cổ vật gần đây cho thấy đối tượng ngày càng táo tợn, tinh vi và có tổ chức, gây nhiều khó khăn cho quá trình điều tra. Chúng nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động trong di tích nên thực hiện hành vi rất nhanh gọn. Cơ bản các vụ án liên quan khi cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường đều không thu được dấu vết. Cộng thêm sự hiểu biết về đặc điểm cũng như tên gọi và giá trị từng di vật, cổ vật của cán bộ điều tra hạn chế đã ảnh hưởng đến kết quả điều tra.

Quan sát từ các vụ việc cho thấy, kẻ trộm thường lựa chọn thời điểm ban đêm, buổi trưa hoặc lúc vắng người để thực hiện hành vi, chúng phá hủy những vị trí được xem là điểm yếu trong di tích như cửa sổ, cửa hoa. Mặc dù khi được Nhà nước xếp hạng, ngành văn hóa tỉnh đều yêu cầu thành lập ban quản lý di tích cơ sở nhưng đa phần các xã, thị trấn giao cho các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì trông coi, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Khi để xảy ra mất cắp cổ vật, không biết quy trách nhiệm cho ai.

Ở Bắc Giang,​ không mất cắp cổ vật thì mới lạ? - Anh 4

 Kiếm thần đình làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) dùng để rước trong dịp lễ hội đã bị mất cắp

Điều này xuất phát từ thực tế việc chi trả thù lao cho người trông coi, bảo vệ di tích hầu như chỉ là “tùy tâm”, chưa kể có nơi không thực hiện được. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác bảo vệ các di tích ở nhiều nơi bị xem nhẹ. Hơn nữa, các cổ vật, di vật đều chưa được kiểm kê, đánh kí hiệu bảo mật, nhận dạng nên vấn đề truy tìm gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cắp di vật, cổ vật, trong đó có sự chủ quan, mất cảnh giác của chính quyền, nhân dân nơi có di tích. Đa phần mọi người quan niệm ở những chốn linh thiêng như đình, chùa, đền sẽ không ai dám trộm cắp song thực tế kẻ trộm không loại trừ những nơi đó”. Cũng theo ông Cầm, hiện thị trường ngầm về cổ vật mang lại những giá trị kinh tế lớn, gây cám dỗ các đối tượng xấu. Nhiều di tích nằm ở những khu vắng vẻ, xa dân cư, hệ thống bảo vệ sơ sài, thậm chí có nơi không có người trông coi, nhiều ban quản lý di tích cơ sở chưa nâng cao trách nhiệm, chủ yếu giao cho Chi hội Người cao tuổi trông coi di tích. Hầu hết các di tích chưa có sổ theo dõi di vật, cổ vật và chưa được lập hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản.

Để công tác bảo vệ di vật, cổ vật đạt kết quả, theo ông Cầm, công tác “phòng gian, bảo mật” cần được quan tâm hơn. Một mặt, các ban quản lý di tích có thể trang bị camera giám sát, quay phim tư liệu để thuận lợi cho việc truy tìm cổ vật bị mất cắp. Mặt khác, chính quyền địa phương quan tâm có thể huy động nguồn xã hội hóa để chi trả chế độ thỏa đáng cho những người trông coi, thành viên ban quản lý di tích cơ sở, đồng thời gắn trách nhiệm cho từng thành viên. Ngành Công an cần tăng cường công tác phối hợp, tích cực đấu tranh, điều tra đưa một số vụ việc ra ánh sáng, xử lý nghiêm để tạo tính răn đe. 

 Vì sao? Vì sao? Vì sao?

Từ năm 2003 đến nay đã xảy ra gần 50 vụ mất cắp cổ vật tại nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Và hàng trăm di vật, cổ vật có giá trị nhiều mặt đã một đi không trở lại. Có một vấn đề khiến ai cũng phải bức xúc và cần đặt lên bàn cơ quan chức năng để truy rõ trách nhiệm là vì sao đến nay chưa có một vụ việc nào được phá; chưa có đối tượng nào bị quy án và chưa có một cổ vật nào được trả lại cho di tích? Phải chăng cơ quan chức năng có suy nghĩ rằng những cổ vật ấy là “của chùa” ấy mà nên cứ thủng thẳng điều tra, được đến đâu hay đến đó?

Đã đến lúc những cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Bắc Giang cần trả lời thoả đáng những câu hỏi trên.

NG.H

Nguyễn Hưởng

  

Ý kiến bạn đọc