Khánh Hòa: Phát hiện di cốt Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong?

VH- Trong khi đào móng làm nhà, một người dân tại tổ 6 Bình Tây, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã phát hiện miếng vải (đai áo quan thời phong kiến) và phần di cốt đã hóa đất đen nghi của Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong.

Khánh Hòa: Phát hiện di cốt Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong? - Anh 1

 Vị trí phát hiện di cốt nghi là của cụ Trịnh Phong

Sau khi phát hiện ngày 24.3, gia đình ông Trịnh Nhơn, cháu đời thứ tư của cụ Trịnh Phong đã tiến hành khai quật và khâm liệm phần di cốt nói trên. Sự việc đã được trình báo với cơ quan chức năng và đang được xác minh làm rõ.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Ông Trịnh Nhơn (sống tại thị xã Ninh Hòa) cháu đời thứ tư của cố Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong thông tin đã tìm thấy di cốt của cụ Trịnh Phong, hiện phần nghi là di cốt vẫn được gia đình ông Nhơn bảo quản cất giữ. Sở VH&TT Khánh Hòa đã lập tức đến hiện trường kiểm tra thực tế”.

Theo ông Hoa, di cốt đã khai quật được là một phần đất đen, ngoài ra còn có một miếng vải (người dân cho rằng là đai áo quan phong kiến thời xưa).“Từ một phần đất đen và miếng vải thời xưa chúng tôi chưa có cơ sở xác định đây là phần di cốt của Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong. Để xác định rõ sự việc này cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và lịch sử”, ông Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoa, Sở VH&TT sẽ có báo cáo cụ thể sự việc đến UBND tỉnh Khánh Hòa, đồng thời Sở VH&TT sẽ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa mời chuyên gia nghiên cứu và xác định phần đất đen được người dân cho là hài cốt của Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong. Từ kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học mới có thể khẳng định được số đất đen người dân khai quật nói trên có phải là di cốt của cụ Trịnh Phong hay không? 

Khánh Hòa: Phát hiện di cốt Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong? - Anh 2

 ​Di tích lịch sử quốc gia Miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong

Theo sử sách ghi lại, ông Trịnh Phong sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được tài liệu chính thức đầy đủ nói về thân thế và sự nghiệp của ông Trịnh Phong. Tương truyền tháng 8.1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, lúc đó Trịnh Phong là một vị quan của triều đình, lãnh đạo nghĩa quân trấn thủ tại thành Diên Khánh. Ông vốn là người tài, đức vẹn toàn, lại kết giao rộng rãi với những người cùng chí hướng. Bởi thế khi ông dựng cờ khởi nghĩa đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, trí thức tại Khánh Hòa hưởng ứng. Ông được nhân dân suy tôn là Bình Tây Đại tướng quân.

Phò tá Bình Tây Đại tướng quân còn có nhiều nghĩa sĩ tài giỏi như: Nguyễn Khanh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Lê Thiện Thuật, Nguyễn Sum, Nguyễn Trung Mưu, Lê Nghị… Trịnh Phong đã phất cờ khởi nghĩa, hội tụ hiền tài nhân dân đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Trịnh Phong nghĩa quân ngày càng lớn mạnh và có một số trận đánh thắng lợi vang dội.

Thị uy sức mạnh, thực dân Pháp với vũ khí hiện đại điên cuồng bắn giết, tàn sát nhân dân, bắt bớ tra tấn những người có uy tín phò tá cho Trịnh Phong, do đó lực lượng nghĩa quân ngày càng tiêu hao. Đầu năm 1886 thành Diên Khánh bị thất thủ, Trịnh Phong bị thực dân Pháp bắt và tìm đủ cách mua chuộc. Không mua chuộc được Trịnh Phong, chúng dùng đòn roi tra tấn dã man. Biết không thể nào khuất phục được ông, thực dân Pháp đã hành quyết ông và chặt đầu bêu tại cây Dầu Đôi (xã Diên An, huyện Diên Khánh) bây giờ.

Trước sự hi sinh anh dũng của Bình Tây Đại tướng quân, người dân vô cùng thương xót đã lén lấy đầu của ông mai táng tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh. Phần mộ ông hiện nay vẫn được nhân dân thắp hương thờ cúng quanh năm. Phần thân xác của ông bị vùi lấp và lưu lạc kể từ đó đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Tại vị trí ông Trịnh Phong bị bêu đầu người dân đã lập miếu thờ (thuộc đường 23/10 xã Diên An, huyện Diên Khánh) vào năm 1886. Trong đền thờ có nhiều sắc phong ghi lại công lao của ông trong phong trào “Cần Vương” khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp. Miếu thờ Trịnh Phong được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.

Vào ngày 16.3 âm lịch hằng năm, UBND tỉnh Khánh Hòa lại tổ chức cúng giỗ ông Trịnh Phong, giỗ tiến hành theo nghi thức đại lễ. Lãnh đạo các cấp, nhân dân trong vùng lại quy tụ về miếu thờ thắp nhang tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của ông. 

XUÂN HƯỚNG

 

 

Ý kiến bạn đọc