Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Phát huy giá trị di sản thế giới với sự phát triển bền vững: Ứng xử ra sao khi các di sản “hái ra tiền”?

Thứ Tư 29/03/2023 | 10:04 GMT+7

VHO- Vai trò đóng góp của những di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong việc làm thay đổi diện mạo đời sống, gia tăng tốc độ phát triển kinh tế của các địa phương trong nhiều năm qua đã thể hiện ngày càng rõ nét. Hút khách, “hái ra tiền”, nhưng song hành cũng đặt ra vấn đề là cần ứng xử như thế nào cho hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

 

 Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long Ảnh: TR. HUẤN

Tại Hội thảo quốc tế “Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam”, chuyện những chiếc xích lô kiếm ra tiền tỉ của Hội An khiến người nghe ồ, à thích thú.

Khi di sản là cực nam châm hút khách

Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Văn Sơn tự hào, từ một thành phố được mệnh danh là nơi “dưỡng già”, sau 20 năm, Hội An đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng thế giới. Năm 2019, Hội An đón 5,5 triệu lượt du khách, trong đó có trên 3 triệu lượt quốc tế. “Du lịch thay đổi diện mạo và cuộc sống Hội An. Chỉ những chiếc xích lô thôi cũng kiếm ra tiền tỉ. Thu nhập cao, đảm bảo sinh kế của người dân, từ đó người dân ủng hộ Nhà nước trong bảo tồn, phát huy, giữ gìn di sản…”, ông Sơn nói.

Chính sách phát triển du lịch trên nền tảng di sản văn hóa, hạt nhân là khu phố cổ đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ tại Hội An. Riêng trong khu phố cổ, hầu hết người dân đều tham gia các ngành nghề gắn với dịch vụ du lịch. Sự phát triển của du lịch còn làm cho giá trị của mỗi ngôi nhà đều tăng lên, tạo sự gắn bó, trách nhiệm của những thành phần hưởng lợi từ di sản cùng chung tay bảo vệ di sản. Trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, Quần thể di tích cố đô Huế đã và đang là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người đất nước Việt Nam. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tổng lượt khách đến tham quan di tích trong tháng 1, 2.2023 là 315 ngàn lượt, trong đó khách quốc tế là 158 ngàn và khách Việt Nam là 157 ngàn, doanh thu đạt 50 tỉ đồng. So với năm cao điểm 2019, khách quốc tế giảm 68%, nhưng trong nước tăng 42%.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, từ năm 2010, sau khi UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di sản được đặc biệt chú trọng. Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Hà Nội. 3 tháng đầu năm 2023, khu di sản đón tiếp hơn 210 ngàn lượt khách tham quan, trong đó 20% là khách quốc tế; cùng 21.000 lượt học sinh tham gia học tập, tìm hiểu về di sản. Đại diện BQL Quần thể danh thắng Tràng An cho biết, trong những năm qua Tràng An là trung tâm, hạt nhân thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, giúp Ninh Bình thành điểm sáng trên bản đồ du lịch. Chú trọng khai thác hợp lý và bền vững các giá trị của di sản để phát triển du lịch; phát triển các chương trình, sản phẩm du lịch, dịch vụ mới mang đậm các yếu tố văn hóa gắn với hình ảnh, thương hiệu di sản; ưu tiên các loại hình phát triển bền vững, có trách nhiệm với sự tham gia của cộng đồng… là mô hình đang được triển khai tại đây.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định: “Từ khi các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được ghi vào danh mục di sản thế giới, số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng. Đó là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững…”.

 Di sản Cố đô Huế thu hút đông du khách là niềm vui nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về bảo tồn Ảnh: CTV

Không mải mê chạy theo phát triển

Dù mang lại sự thay đổi nhanh chóng cho diện mạo đời sống kinh tế nhưng cũng như nhiều di sản khác, quần thể danh thắng Tràng An phải đối mặt với bài toán bảo tồn và phát triển. Thách thức không chỉ từ việc phải bảo đảm sinh kế cho cộng đồng dân cư mà còn ở nhu cầu nhà ở, hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, giữ gìn cảnh quan, không ảnh hưởng tới các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.

Khi các di sản thế giới trở thành “nam châm” tạo nên nhiều lợi thế cho mỗi địa phương thì cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phải ứng xử phù hợp để giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhấn mạnh, cần nhận thức chính xác vai trò của du lịch với tư cách là phương tiện quảng bá di sản thế giới, giúp cho cộng đồng tiếp cận giá trị di sản và có khả năng đóng góp nguồn lực cho bảo tồn di sản văn hóa. Mặt khác, việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích cũng tức là đầu tư cho việc bảo vệ tài sản văn hóa và tài nguyên du lịch, giúp cho ngành du lịch có điều kiện phát triển bền vững.

BQL Vịnh Hạ Long chia sẻ, đối với một di sản thế giới, nhiệm vụ quan trọng và cốt lõi là phải bảo vệ, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu. Theo UNESCO, việc bảo vệ, bảo tồn đó nếu không mang lại lợi ích cho cộng đồng thì sẽ không bền vững. Việc cân bằng giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vì thế vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức lớn đặt ra cho các nhà quản lý di sản. Thời gian qua, các quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý, bảo vệ vịnh Hạ Long được Quảng Ninh quan tâm rà soát, bổ sung để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hướng dẫn của các tổ chức quốc tế liên quan, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý di sản. Việc giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản theo Nghị định 109/NĐ-CP được BQL Vịnh Hạ Long chủ động thực hiện nhằm kiểm soát, phát hiện và ứng phó kịp thời những vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của di sản. Cơ sở hạ tầng du lịch được quản lý theo quy hoạch, đảm bảo phù hợp với mục đích phát triển du lịch bền vững trong tương lai và giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị nổi bật toàn cầu. Cùng với đó, BQL di sản xây dựng và triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử “Văn minh du lịch” và “Nụ cười Hạ Long” nhằm định hướng hành vi, thói quen, cách ứng xử văn minh cho tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động du lịch.

Tại Hội An, một giải pháp quan trọng được triển khai thường xuyên là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc bảo tồn khu phố cổ. Cộng đồng được khuyến khích phản ánh thường xuyên tình hình di tích cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Xuyên suốt nhiều năm, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch theo hướng bền vững nhằm tạo động lực cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội được xác định là nhiệm vụ then chốt của thành phố.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cho rằng, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam giống như 8 chòm sao biểu tượng, mang dấu ấn tâm linh hết sức thiêng liêng cho quốc gia, dân tộc. Ông lưu ý: “Tự hào với di sản, chúng ta cần có những cam kết hiệu quả trong bảo tồn, để các khu di sản có thể kiên cường hơn, chống trả tốt hơn trước những tác động cực đoan từ thiên nhiên và con người; tối ưu hóa phúc lợi của người dân địa phương thông qua sự tham gia nhiều hơn của các cộng đồng. Đặc biệt, phải có giải pháp hài hòa nhu cầu về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống mà không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo tồn di sản”. 

 Chúng ta cần có những cam kết hiệu quả trong bảo tồn, để các khu di sản có thể kiên cường hơn, chống trả tốt hơn trước những tác động cực đoan từ thiên nhiên và con người; tối ưu hóa phúc lợi của người dân địa phương thông qua sự tham gia nhiều hơn của các cộng đồng. Đặc biệt, phải có giải pháp hài hòa nhu cầu về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống mà không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo tồn di sản.

(Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới LAZARE ELOUNDOU ASSOMO)

PHƯƠNG ANH

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top