Di tích Chăm Phong Lệ (Đà Nẵng):

Hơn 10 năm vẫn phải “phơi sương nắng”

NGỌC HÀ

VHO - Sau 10 năm khai quật, hiện di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vẫn nằm “phơi” ngoài trời do dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 chậm tiến độ.

Hơn 10 năm vẫn phải “phơi sương nắng” - ảnh 1

 Di tích Chăm Phong Lệ thời điểm hiện tại

Nếu tiếp tục chậm triển khai dự án, di tích hơn 1.000 năm tuổi mang dáng vẻ âm u, buồn bã kia sẽ bị xuống cấp nghiêm trọng.

Di tích… 10 năm mòn mỏi

Di tích Chăm Phong Lệ được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu trên diện tích 500m2 vào tháng 5.2012. Trước yêu cầu về bảo tồn di tích, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục gắn với phát huy giá trị di tích, đồng thời gìn giữ một di tích có trên 1.000 năm tuổi, UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương đầu tư khu vực khai quật di tích Chăm Phong Lệ thành Bảo tàng Chăm cơ sở 2, và đưa dự án này vào danh mục cần đầu tư trong giai đoạn 2020-2025. Bổ sung vào các dự án, công trình trọng điểm, mang tính động lực trên địa bàn thành phố.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng được thành phố giao trách nhiệm chủ đầu tư kiêm điều hành. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 266 tỉ đồng, trong đó công tác giải tỏa đền bù khảo cổ và bảo vệ di tích là trên 4,4 tỉ đồng; triển khai dự án giai đoạn 1 (2022- 2027) trên 140 tỉ đồng; giai đoạn 2 (2028-2032) có vốn bố trí hơn 211 tỉ đồng. Theo kế hoạch, năm 2021 hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai công trình trong giai đoạn 2022-2023. “Việc chậm thực hiện và kéo dài thời gian thực hiện dự án khiến người dân tại khu vực xung quanh địa bàn thực hiện dự án có sự phản ứng, đặc biệt là ý kiến của người dân về việc khai quật di tích rồi để phơi mưa phơi nắng cả một thời gian dài gây nên bức xúc về mặt tâm linh trong cộng đồng dân cư”, lãnh đạo quận Cẩm Lệ cho biết.

Di tích hơn 1.000 năm tuổi phải “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt hơn 10 năm qua còn khiến những nhà nghiên cứu lo lắng. Tại các kỳ họp HĐND, các đại biểu đã phản ánh nguyện vọng của người dân và trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong việc bảo vệ di tích Chăm Phong Lệ. Đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ và giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ dự án này. Đồng thời đưa ra một câu hỏi chung nhất: Khi nào dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 được hoàn thành để khu vực di tích này không trở thành “phế tích”? Trước sự bức xúc của người dân, UBND quận Cẩm Lệ cho biết, năm 2023 quận đã có công văn đề nghị Sở Xây dựng quan tâm trình phê duyệt quy chế thi tuyển phương án kiến trúc của Dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2. Đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo đôn đốc các ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai dự án theo đúng kế hoạch.

Hơn 10 năm vẫn phải “phơi sương nắng” - ảnh 2

Thận trọng ứng xử với di sản

Kết quả khảo cổ di tích Chăm Phong Lệ cho thấy, đây là di tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, đến nay có niên đại khoảng 1.000 năm, và là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất. Trong đó, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Ngoài ra, trong khuôn viên khu di tích còn có hạng mục Miếu Bà là di tích thời Tự Đức (1862) có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.

Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ được xếp hạng cấp thành phố tháng 11.2020 với khu vực khoanh vùng bảo vệ là trong Khu vực I với diện tích 2.653m2. Để có kế hoạch triển khai tổng thể công tác khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ, từ năm 2017, Sở VHTT Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích này. Nội dung bảo vệ gồm có các di tích kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, Miếu Bà, 2 ngôi mộ cổ và hạng mục tường bao bảo vệ, làm mái che cho các khu vực nền móng dễ bị xâm hại bởi thời tiết; quy hoạch các hạng mục hỗ trợ cho di tích gồm Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống (sưu tầm và trưng bày các công cụ, quy trình sản xuất sản phẩm của các ngành nghề của địa phương và các vùng lân cận)...

Dù thành phố đã có hướng đi lạc quan cho di tích Chăm Phong Lệ, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về khảo cổ, việc ứng xử với một di chỉ khảo cổ có niên đại trên 1.000 năm phải hết sức cẩn trọng. Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng cần hết sức thận trọng khi ứng xử với di sản của tiền nhân: “Mặc dầu cũng rất sốt ruột trước “công trình mười năm” nhưng mọi sự thận trọng trong quá trình ứng xử với di sản của tiền nhân đều không thừa, từ việc nghiên cứu để “ra đề bài” cho các nhà thiết kế kiến trúc, cho đến việc thi công. Chậm, mà chắc để có thể không làm phương hại di sản dưới lòng đất nếu tiếp tục phát lộ qua thi công. Làm sao để công trình sau khi hoàn thành phù hợp với các quy định về trùng tu di tích và quan trong nữa là phát huy được cơ sở vật chất đã đầu tư, là phải thu hút được khách đến tham quan, nghiên cứu giá trị quý báu của di sản văn hóa nhân loại”.

Ngày 7.4, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường đã có buổi kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại phường Hòa Thọ Đông. Sau khi nghe báo cáo về tiến độ dự án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường yêu cầu các đơn vị liên quan cùng phối hợp tháo gỡ những vướng mắc để công trình được nhanh chóng khởi công, đáp ứng mong đợi của địa phương và bà con cử tri. Trao đổi nhanh với Văn Hóa, ông Cường cho biết hiện nay phương án thi quy hoạch kiến trúc đang được triển khai, tháng 5.2024 sẽ hoàn thành và tiến hành các bước tiếp theo.

Ý kiến bạn đọc