Lễ hội Kỳ yên: Phát huy giá trị di tích, thêm sản phẩm du lịch xanh

KHÁNH CHI

VHO - Lễ hội Kỳ yên năm 2024 diễn ra vào ngày 17 - 18.4 (nhằm ngày 9-10.3 âm lịch) tại Di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh Đình làng Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Đây là sự kiện văn hóa được người dân háo hức mong đợi, qua đó góp phần xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di tích và danh lam thắng cảnh tại địa phương.

Lễ hội Kỳ yên: Phát huy giá trị di tích, thêm sản phẩm du lịch xanh - ảnh 1

 Người dân tập trung về Đình làng Hội An để chuẩn bị chu đáo cho lễ rước sắc Kỳ yên diễn ra vào ngày 18.4

Ngay từ sáng sớm ngày 16.4, người làng Hội An, xã Tiên Châu đã tề tựu đông đủ ở đình làng, rộn ràng chuẩn bị các nghi thức truyền thống cho lễ rước sắc chính thức, tham gia đêm hội hô hát Bài chòi, chiếu phim lưu động chờ ngày khai hội.

Giữ nếp truyền thống của làng

Kỳ lễ hội lần này tái hiện một số nghi lễ truyền thống cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, qua đó nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích đình làng Hội An cùng với nhiều nét văn hóa, lịch sử của xã Tiên Châu nói riêng và vùng trung du Tiên Phước nói chung, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương. Thông qua đó, khơi dậy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên, là dịp để người dân gắn kết cộng đồng, lan tỏa các giá trị văn hóa - lịch sử của quê hương.

Phần nghi lễ như rước sắc phong dưới triều vua Duy Tân, năm thứ 3 (1909) ban về Đình làng Hội An; Lễ Chánh tế Kỳ yên là những phần quan trọng nhất trong Lễ hội sẽ được tổ chức vào sáng sớm ngày 18.4, đúng nguyên bản nghi lễ tại đình chính và ngoài sân đình; thông qua việc tế Tiền hiền - Hậu hiền, Tiền bối - Hậu bối để tỏ lòng tri ân đến các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng, cầu “phong điều vũ thuận”, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh…

Phần hội sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, gắn kết người dân, du khách, cộng đồng cùng tham gia, như: Hội hô hát Bài chòi; Thi trưng bày sản phẩm nhà nông; thi chế biến mì Quảng, trình diễn làm mì; thi làm bánh, kết trái cây; trưng bày gian hàng ẩm thực dân gian; biểu diễn nghệ thuật…

Bên cạnh đó, du khách cũng có nhiều trải nghiệm, khám phá không gian nhà cổ có tuổi đời hơn 150 năm, các nhà vườn xanh mát, độc đáo từng đoạt giải nhất Hội thi vườn - tường - đường đẹp do tỉnh Quảng Nam tổ chức. Trải nghiệm các danh thắng sinh thái thác Ồ Ồ - Đá Bàng - Ồ Dẻo với nhiều điểm check-in thú vị, những dòng suối mát trong lành, núi rừng hùng vĩ, nguyên sơ…

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tiên Châu cho biết: “Qua hơn 150 năm, Đình làng Hội An là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa đặc trưng của cư dân Tiên Phước xưa, đồng thời thể hiện lòng tri ân đối với những người có công khai hoang, lập làng trong thời kỳ “mở cõi”. Hơn nữa, khung cảnh thiên nhiên vùng trung du nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với những vườn cây lòn bon, sầu riêng, măng cụt, hồ tiêu, những con đường sưa cổ thụ… là nét “chấm phá” tuyệt vời để mời gọi du khách đến tham quan, trải nghiệm; từ đó mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Lễ hội Kỳ yên: Phát huy giá trị di tích, thêm sản phẩm du lịch xanh - ảnh 2

 Vẻ đẹp nên thơ của làng Tiên Châu

Thêm sản phẩm du lịch xanh vùng trung du xứ Quảng

Thôn Hội An (xã Tiên Châu) cũng là một trong những thôn có nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi vẫn giữ được nguyên vẹn cấu kiện, kiến trúc truyền thống 3 gian, 2 chái, kết cấu vì kèo tam đoạn với đường nét điêu khắc trang trí tinh xảo được làm từ gỗ mít; những nhà vườn đẹp như bức tranh nơi vùng trung du xứ Quảng.

Đặc biệt, ngôi đình Hội An mới nghe tên ai cũng ngạc nhiên thắc mắc không rõ có liên quan gì đến Phố cổ Hội An vốn đã nổi danh xưa nay. Theo những bậc cao niên, Đình làng Hội An được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX và đã có niên đại hơn 150 năm. Vào dịp lễ Kỳ yên, dân làng Hội An thường tổ chức lễ rước sắc và cúng tế long trọng để cầu mùa màng bội thu, xóm làng yên ấm. Ngôi đình đã được công nhận là Di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh…

Thôn Tiên Châu nằm liền kề với làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Đây cũng là địa danh nổi tiếng của vùng đất Tiên Phước, một trong những điểm đến điển hình về văn hóa làng của vùng quê Quảng Nam. Năm 2022, địa phương cũng đã khai trương sản phẩm du lịch cộng đồng Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên.

Cùng với phục dựng lại các giá trị truyền thống của Lễ hội Kỳ yên, việc đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di tích, phát huy giá trị danh thắng tại đây cũng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội liên kết với các điểm đến khác trên địa bàn huyện, giúp thu hút, giữ chân du khách. Huyện Tiên Phước đã có Nghị quyết 07 (ngày 20.10.2021) về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, góp phần thúc đẩy du lịch Tiên Phước phát triển thành ngành kinh tế quan trọng.

Người dân Tiên Phước luôn quan tâm chỉnh trang, xây dựng lối đi vào nhà, vào làng, trồng thêm nhiều cây xanh, hoa lá, bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, không gian xanh, nhà cổ, đình làng, tạo cảnh sắc nên thơ, trong lành và đặc biệt là truyền thống mến khách, thân tình của dân làng đã tạo ấn tượng tốt cho du khách. Xu hướng du lịch xanh gắn với văn hóa làng quê, du lịch sinh thái đặc trưng của xứ Quảng được chính quyền và nhân dân Tiên Phước chú trọng, xem đây là nội lực tinh thần để góp phần tạo sinh kế cho người dân. Những giá trị văn hóa được lưu giữ là lợi thế lớn cho Tiên Phước trong quá trình phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong toàn tỉnh.

Ý kiến bạn đọc