Quốc hiệu Việt Nam với chặng đường lịch sử của dân tộc

SƠN THÙY

VHO - Hôm qua 23.4, Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “220 năm Quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử” (1804- 2024). Hơn hai thế kỷ, dù trải qua không ít khó khăn nhưng hai tiếng “Việt Nam” thiêng liêng luôn ăn sâu vào tâm thức và máu thịt của mỗi người dân.

Quốc hiệu Việt Nam với chặng đường lịch sử của dân tộc - ảnh 1

 PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam và đại diện Hội KHLS Thừa Thiên Huế chủ trì hội thảo

 Nguồn gốc và ý nghĩa của hai tiếng “Việt Nam” từ lâu đã được giới nghiên cứu quan tâm, khảo biện, chứng minh trên nhiều khía cạnh từ lịch sử, văn hóa, dân tộc học, thư tịch học, văn khắc Hán Nôm… Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế), ngay từ cuối thế kỷ XIV đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí và đầu thế kỷ XV trong cuốn Dư địa chí đã nhiều lần nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. Điều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tiếp đó, người ta cũng tìm thấy hai chữ “Việt Nam” trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ XVI - XVII như bia ở chùa Bảo Lâm (Hải Dương), chùa Cam Lộ (Hà Nội), chùa Phúc Thánh ở Bắc Ninh và đặc biệt là bia Thủy Môn Đình (năm 1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu: Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan (dịch: Đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam, và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn để phiếm chỉ nước ta nhưng chưa phải là Quốc hiệu, mà phải đến năm 1804 dưới thời vua Gia Long được tuyên phong và từ đó đều lấy Việt Nam làm tên nước.

Ngày 17 tháng 2 năm Giáp Tý, tức ngày 28.3.1804, vua Gia Long làm lễ Khánh an kính cáo ở Thái Miếu (bên trong Hoàng thành Huế) đặt tên nước là Việt Nam. Trong lời chiếu của vua khẳng định: Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống… cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, nhấn mạnh Quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, thể hiện chủ quyền và lãnh thổ của quốc gia nhưng đồng thời cũng khẳng định vị thế của quốc gia trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Năm 1804, Quốc hiệu Việt Nam ra đời là một trong những “điểm son” của lịch sử dân tộc ta từ đầu thế kỷ XIX. Từ đó đến nay, trải qua không ít khó khăn, gian khổ; dù đã có lúc Hoàng đế Minh Mạng đã nhấn mạnh thêm tên nước là Đại Việt Nam, tức là Đại Nam, cho đến năm 1945, với việc thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã xây dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Theo PGS Trần Đức Cường, cách đây hơn 20 năm, Trung tâm KHXH&NV quốc gia đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Chính phủ, tổ chức hội thảo “Nước Việt Nam trong thế kỷ XX”. Nhiều học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo đã xác đinh 3 sự kiện lớn của đất nước là: Chúng ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, là nước độc lập, có chủ quyền với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Quân và dân ta đã tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và kiến thiết sau ngày 30.4.1975; thứ ba là Việt Nam trong công cuộc đổi mới, bước đầu thành công tạo nên vị thế của đất nước. Ba sự kiện quan trọng ấy của đất nước đều gắn liền với quốc hiệu Việt Nam.

“Sự kiện năm 1804 là sự kiện vô cùng trọng đại của đất nước chúng ta trong hai thế kỷ vừa qua. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã dành công lao to lớn để duy trì phát triển, để đến ngày hôm nay Việt Nam ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trên trường quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam hội nhập vào cộng đồng thế giới, là một quốc gia có trách nhiệm và có uy tín”, PGS.TS Trần Đức Cường nhấn mạnh. Ông Cường đánh giá cao việc tổ chức hội thảo khoa học lần này đồng thời mong muốn Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế có phương án “nâng cấp” những tham luận trong kỷ yếu để sớm công bố rộng rãi, góp phần bổ sung kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ: Trải qua các thời kỳ lịch sử, quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất. Sự ra đời của quốc hiệu Việt Nam dưới triều Nguyễn là một dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc để rồi từ đó hai tiếng Việt Nam đã trở thành tên gọi thiêng liêng, quen thuộc ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt của mỗi người dân đất Việt hôm nay. Đây là niềm tự hào trên mỗi chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ý kiến bạn đọc