Quanh chuyện đặt tên sau sát nhập (Bài 3):

Trong mỗi trái tim đều ấp ủ một tên làng

PHƯƠNG ANH - QUỲNH HOA

VHO - Trên những miền quê đang đau đáu câu chuyện tên xã, tên làng, rất nhiều con người chúng tôi đã gặp, vô vàn tâm tư chúng tôi đã được lắng nghe. Từ nỗi tiếc nuối khi mất tên gọi của làng nghề truyền thống, đến tâm tư danh xưng của làng gắn với chiến thắng lịch sử, nay đều bị “đẽo gọt, gán ghép” đầy vô cảm.

Trong mỗi trái tim đều ấp ủ một tên làng - ảnh 1

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình làng Hà Hồi

Đặt tên sau sáp nhập là bài toán khó. Vấn đề này cần các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trách nhiệm, thẳng thắn đặt lên “bàn cân” để tìm giải pháp hài hòa. Trong đó, một điều quan trọng cần được chính quyền các địa phương chú trọng nhiều hơn, đó là hãy lắng nghe tiếng nói của người dân (?!).

Chúng tôi mong muốn được lắng nghe (!)

Trong bóng nắng ban trưa thẳng đứng, ông Nguyễn Văn Hội, thủ từ đình làng Hà Hồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) vội vàng bữa cơm để kịp ra đình, chuẩn bị cho lễ hội truyền thống của làng vào ngày Rằm tháng 3 tới. Ông bảo, ngược xuôi thế nào thì đến ngày lễ hội, người dân làng Hà Hồi cũng đều trở về và chung tay chuẩn bị. Những phong tục văn hóa cổ truyền đã trở thành một phần máu thịt trong mỗi người con của làng. “Tên làng cũng thế. Xã Hà Hồi nay mang tên gọi của tổng Hà Hồi xưa. Truyền thống của làng có từ lâu đời, với ngôi đình cổ nằm ở trung tâm, có tuổi đời đã hơn 400 năm. Việc người ta nói xóa bỏ tên làng, gọi bằng tên mới. Dân chúng tôi buồn lắm!”, ông Hội ngồi lặng khi nhắc câu chuyện tên xã, tên làng.

Xã Hà Hồi, trung tâm là ngôi đình cổ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia chính là “tấm căn cước”, là niềm tự hào mà dân làng luôn mang theo trong hành trình mưu sinh trên mọi ngả đường. Ông Hội kể chuyện, ngôi đình cổ và cái tên Hà Hồi gắn với mốc son lịch sử chiến thắng của vua Quang Trung vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. “Cái tên Hà Hồi đã đi vào lịch sử dân tộc trên đất Thăng Long. Các thế hệ người dân trong làng đều luôn tự hào về truyền thống ấy. Không chỉ được ghi trong giấy tờ, Hà Hồi còn là cái tên mà chúng tôi luôn ấp ủ, hướng về…”, ông Hội bộc bạch.

Người phụ nữ tuổi chớm xế chiều, ngồi trong quầy hàng tạp hóa cạnh đình Hà Hồi, nghe chúng tôi hỏi chuyện đổi tên xã liền thở dài: “Người ta chỉ đưa cho chúng tôi tờ giấy xin ý kiến rồi bảo ký, cũng không nói rõ về chuyện sáp nhập và đổi tên làng. Hà Hồi giờ không còn được giữ tên truyền thống mà thành Hà Liên, nghe xa xôi như tận phương nào…”.

Khắp xóm Quang Trung, xã Hà Hồi san sát hàng trăm hộ dân, gặp ai chúng tôi cũng đều nhận được cái lắc đầu đầy tiếc nuối. Ông Nguyễn Trung Vinh, người dân trong xóm chia sẻ, từ nhỏ ông đã được ông bà, cha mẹ kể chuyện về lịch sử, được răn dạy về truyền thống văn hóa của làng. “Tất cả đều hun đúc trong các thế hệ gia đình tôi cũng như trong mỗi người dân niềm tự hào truyền thống. Nghe tên xã Hà Hồi sẽ không còn nữa mà sáp nhập với xã Liên Phương thành Hà Liên, tôi hoàn toàn không mong muốn điều đó…”, ông Vinh nói.

Có một điều khiến chúng tôi trăn trở, đó là trong những câu chuyện, tâm tư mà người dân làng thổ lộ lại không hề có bóng dáng của sự đồng thuận về việc thay đổi, xóa bỏ tên xã, tên làng. Thủ từ đình Hà Hồi cho biết, người dân sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. “Nhưng bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn chính quyền địa phương khi đặt tên mới, hãy lắng nghe tiếng dân. Đừng tạo nên những “phép cộng” cho tên xã, tên làng khiến người dân bị tổn thương. Chúng tôi mong muốn truyền thống lịch sử, văn hóa đã được gìn giữ qua gần 5 thế kỷ sẽ được trân trọng bằng những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân”, ông Hội bày tỏ.

Nhưng dường như, những tâm tư ấy chưa được lắng nghe, hoặc đúng hơn là chưa vì thế mà chính quyền địa phương có những cân nhắc, tính toán phù hợp. Một vài cán bộ ở huyện Thường Tín mà chúng tôi hỏi chuyện lại thản nhiên cho rằng: “Có nhiều ý kiến là rất bình thường!”…

Báo cáo của Phòng Nội vụ (huyện Thường Tín) cho biết, việc rà soát, xây dựng phương án, lộ trình thời gian sắp xếp các đơn vị hành chính được thực hiện đảm bảo tổng thể, đồng bộ, có trọng tâm, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, không gây xáo trộn lớn… Huyện sắp xếp 10 đơn vị hành chính thành 5 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn: Xã Văn Phú và thị trấn Thường Tín dự kiến lấy tên thị trấn Thượng Phúc; xã Hòa Bình và xã Hiền Giang dự kiến lấy tên xã Bình Giang; xã Thư Phú và xã Chương Dương dự kiến lấy tên xã Chương Dương; xã Hà Hồi và xã Liên Phương dự kiến lấy tên xã Hà Liên; xã Vạn Điểm và xã Thống Nhất lấy tên xã Vạn Nhất.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Thường Tín Lê Mạnh Cường cho biết, quan điểm của địa phương trong quá trình sáp nhập là lắng nghe, tôn trọng ý kiến người dân, đặc biệt với những ngôi làng giữ tên cổ từ xa xưa. “Nhiều trường hợp chúng tôi đã cân nhắc, nhưng giữ tên xã này mà xã bên cạnh cũng muốn giữ thì giải quyết vấn đề như thế nào. Có cái thuận, như xã Thư Phú và xã Chương Dương dự kiến sáp nhập lấy tên xã Chương Dương, cả hai bên đều đồng thuận bởi những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời gắn liền với tên gọi Chương Dương. Nhưng trường hợp xã Hà Hồi lại không phải là tên gọi cổ, từ xa xưa. Người dân ý kiến nhưng bỏ phiếu cử tri đã quá bán, thông qua rồi, không thể chạy theo những ý kiến chưa đồng thuận…”, ông Cường nói.

Trong mỗi trái tim đều ấp ủ một tên làng - ảnh 2

Ông Phí Đình Thắng (70 tuổi), thủ từ đình Chàng Sơn

Lắng nghe dân để tìm được tên gọi phù hợp

Đến xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) những ngày này, nếp sinh hoạt của người dân vẫn bình lặng. Giữa làng, di tích lịch sử đình Chàng Sơn (đình Cả) im lìm trầm mặc. Bề ngoài là như vậy, nhưng đi sâu vào cuộc sống ở đây vẫn ồn ào câu chuyện sáp nhập xã, nguy cơ cái tên Chàng Sơn - niềm tự hào của người dân về làng nghề, về những truyền thống văn hóa lâu đời sẽ không còn nữa. Dự kiến, xã Thạch Xá và Chàng Sơn sẽ sáp nhập và có tên mới là Thạch Xá.

Là người sống nhiều thế hệ, tổ tiên đều gắn với đất Chàng Sơn từ mấy trăm năm trước, ông Phí Đình Thắng (70 tuổi), thủ từ đình Chàng Sơn chia sẻ, nếu mất hẳn hai tiếng Chàng Sơn thì rất buồn. “Nếu không được trọn vẹn, dân làng chúng tôi mong mỏi giữ được… một từ trong tên mới”, ông nói.

Đất Chàng Sơn là đất nghề truyền thống mà chủ yếu là nghề mộc, gắn với giai thoại về cụ Phó Sần cùng nhóm thợ mộc trong làng được mời lên núi Tản Viên Sơn sửa đền, đến nay tại đền thờ Tản Viên Sơn cũng ghi tên cụ Phó Sần. Vì thế, các cụ ngày xưa đã lấy dấu chân nơi này để lập lên đình Cả (đình Chàng Sơn) thờ Thánh Tản Viên. Câu chuyện cụ Phó Sần từng được nhà văn Nguyễn Tuân viết trong Vang bóng một thời. Trong Dư địa chí của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi viết giữa thế kỷ XV cũng đã nhắc đến nghề mộc Chàng Sơn. Vào thế kỷ XVI, một số nghệ nhân của làng được mời sang Trung Quốc tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm cho nhà Minh, nhà Thanh... Đây chính là niềm tự hào của người Chàng Sơn.

Theo ông Thắng, đáng nói hơn cả là việc sáp nhập, đổi tên này người dân không được xin ý kiến, không được bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Cái tên Chàng Sơn không chỉ là niềm tự hào mà đã trở thành “thương hiệu”. “Nếu thành tên Thạch Xá thì lâu rồi sẽ không còn ai biết đến xã Chàng Sơn nữa. Già trẻ, lớn bé trong làng đều muốn giữ lại tên gọi Chàng Sơn bởi ở đó có biết bao tâm sức của nhiều đời ông cha. Nhưng chúng tôi cũng hiểu, việc giữ trọn vẹn tên làng sẽ là rất khó…”, thủ nhang đình Chàng Sơn bày tỏ.

 Việc phép nước thì phải theo, nhưng nguyện vọng của người dân không được bày tỏ, chỉ phát phiếu để lấy chữ ký của người dân. Có người ký, người không. Có được bao nhiêu chữ ký đồng ý, bao nhiêu chữ ký không đồng ý chúng tôi cũng không biết…

(Cụ NGUYỄN VĂN NHO, 94 tuổi, có 8 đời sinh sống tại Chàng Sơn)

 

Tự hào với 8 đời sinh sống tại Chàng Sơn, cụ Nguyễn Văn Nho năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn cho rằng, đa số người dân Chàng Sơn không tán thành việc sáp nhập xã mà không còn tên Chàng Sơn. “Việc phép nước thì phải theo, nhưng nguyện vọng của người dân không được bày tỏ, chỉ phát phiếu để lấy chữ ký của người dân. Có người ký, người không. Có được bao nhiêu chữ ký đồng ý, bao nhiêu chữ ký không đồng ý chúng tôi cũng không biết…”, cụ Nguyễn Văn Nho bày tỏ.

Trong mỗi trái tim đều ấp ủ một tên làng - ảnh 3

Cụ Nguyễn Văn Nho

Những câu chuyện dọc đường làng Chàng Sơn tiếp tục khiến chúng tôi trăn trở và đặt ra câu hỏi vì sao. Cũng như ở Hà Hồi, người dân Chàng Sơn sống trên địa bàn khu dân cư rộng, trên 10 ngàn nhân khẩu, chỉ mong muốn nguyện vọng của mình được lắng nghe. Thiết nghĩ, đó đều là nguyện vọng chính đáng. Thế nhưng, nhiều lần liên hệ với lãnh đạo huyện Thạch Thất, chúng tôi vẫn không thể được trao đổi, lắng nghe trực tiếp ý kiến của những người có trách nhiệm, kể cả với bộ phận chuyên môn phụ trách công tác sáp nhập trên địa bàn huyện.

Kết nối với ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, chúng tôi được thông tin, đến nay, công tác sáp nhập xã cơ bản thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch, đạt kết quả theo quy định. Về đặt tên xã, ông Vượng cho biết, theo dư địa chí của huyện Thạch Thất, xã Chàng Sơn và xã Thạch Xá có nhiều điểm tương đồng về nguồn gốc lịch sử, quá trình hình thành, phát triển. Tên Thạch Xá có từ thời phong kiến là xã Thạch Xá, tổng Thạch Xá, phủ Quốc Oai. Đến năm 1955 mới có quyết định hành chính tách thành xã Chàng Sơn và Thạch Xá.

Về công tác sáp nhập, lãnh đạo xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, trong đó có họp dân để tuyên truyền. Kết quả phiếu bầu thống nhất sáp nhập xã là 89,31%; thống nhất tên gọi xã Thạch Xá là 79,32%. Khi được chúng tôi hỏi liệu con số này có mâu thuẫn với tâm tư, nguyện vọng của người dân Chàng Sơn hiện nay, ông Vượng cho rằng địa phương rất lắng nghe, tôn trọng và tiếp thu, xem xét. “Chúng tôi đã đề xuất xin ý kiến chỉ đạo về việc đặt tên xã mới như thế nào. Nhưng sau khi cân nhắc, nghiên cứu các văn bản, sử liệu cũng như thực tiễn thì thấy rằng việc lấy tên gọi chung trước đây là phù hợp”, Chủ tịch xã Chàng Sơn cho hay.

Việc sáp nhập xã xét về công tác quản lý là quy hoạch, thu gọn một số đơn vị hành chính. Nhưng với người dân, những điều liên quan khác, như chuyện tên làng lại là một yếu tố rất thiêng liêng. Đáng buồn khi một cán bộ xã Chàng Sơn gặp chúng tôi lại thản nhiên nói rằng: “Mất tên là chuyện… bình thường. Người Chàng Sơn, làng Chàng Sơn có mất đi đâu đâu, vẫn ở đây” (?!).

Dự kiến, người Chàng Sơn sẽ không còn xã Chàng Sơn nữa. Ở giai đoạn tiếp theo, sau khi thành lập xã mới, tên gọi thôn Chàng Sơn, làng Chàng Sơn có còn nữa hay không sẽ do UBND TP Hà Nội quyết định. Ông Vượng cho rằng, đến đó sẽ cân nhắc để đề xuất, quyết định.

Tên làng gắn với lịch sử, văn hóa, đời sống tinh thần nhiều thế hệ của người dân. Tên làng không đơn thuần là địa chỉ định danh hay một đơn vị hành chính. Tại những ngôi làng chúng tôi tìm đến, lý lẽ được chính quyền địa phương đưa ra là sự nhất trí, đồng thuận cao của người dân. Trong khi đó, cũng chính lòng dân đang mong mỏi được lắng nghe, được xoa dịu. Hơn bao giờ hết, và chắc chắn, quan trọng hơn những con số được cho là đồng thuận kia, lắng nghe dân là một bước quan trọng trong việc đặt tên xã, tên làng sau sáp nhập. Lắng nghe dân cũng giúp các địa phương tìm được tên gọi phù hợp. Bởi hơn ai hết, “trong mỗi trái tim ta đều ấp ủ một tên làng…” (Lâm Thị Mỹ Dạ - P.V). Không ai yêu làng hơn chính những người con của làng. Họ cũng chính là những người đau đáu và hiểu rõ nhất về lịch sử, văn hóa, truyền thống của miền đất quê mình.

(Còn tiếp)

 

 

Ý kiến bạn đọc