Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại

Thứ Hai 12/11/2018 | 09:39 GMT+7

VHO- Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dưới sự bảo trợ của UNESCO và Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam vừa tổ chức ra mắt cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại. 

 Bìa cuốn sách

Sách được in 400 cuốn gồm 200 bản tiếng Việt và 200 bản tiếng Anh sẽ được gửi đến cho cộng đồng chủ thể di sản, các thư viện, trung tâm nghiên cứu, trường học ở Việt Nam và nhiều nước trên quốc tế.
Cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại, là sản phẩm của một dự án nhằm hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu về các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) ở các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICHCAP), dưới sự bảo trợ của UNESCO. Cuốn sách là sản phẩm tiếp theo trong chiến lược của ICHCAP về xây dựng cơ sở dữ liêu và quảng bá thông tin DSVHPVT khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó ICHCAP đã tài trợ xuất bản các cuốn: “Di sản văn hoá phi vật thể Bhutan”, “Di sản văn hoá phi vật thể Tajikistan”, “Di sản văn hoá phi vật thể Uzbekistan”. “Di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại”, là cuốn sách đầu tiên về di sản văn hóa phi vật thể của riêng một thành phố mà ICHCAP đồng ý tài trợ theo đề xuất của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá (CCH), thuộc Hội Di sản văn hoá Việt Nam. 

 Lễ ra mắt cuốn sách

Ông Kwon Huh, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận: “Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Mỗi dân tộc có tập quán, bản sắc văn hóa, ngôn ngữ hoặc phương ngữ riêng. Việc thu thập và soạn thảo kỹ lưỡng những thông tin về DSVHPVT của các nhóm tộc người khác nhau và xuất bản thông tin đã được tích lũy trong một cuốn sách sẽ giúp nâng cao tầm nhìn của DSVHPVT và xác định sự đa dạng văn hóa của Việt Nam”. Nội dung cuốn sách được lấy ý tưởng và xây dựng dựa trên kết quả kiểm kê DSVHPVT Hà Nội từ 2013 - 2016, một công trình nghiên cứu khoa học thực tiễn theo tinh thần của Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, đây cũng là quá trình tiếp tục nghiên cứu điền dã dựa vào cộng đồng của CCH trong hai năm 2016 và 2017. Cùng cộng đồng nhận diện đúng giá trị, sức sống của DSVHPVT để bảo vệ và phát huy, đó là thông điệp chính mà cuốn sách muốn gửi tới độc giả.
Đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về 24 di sản trong Danh mục các di sản cần ưu tiên bảo vệ của Hà Nội. Biên soạn nội dung là bốn tác giả: PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học; TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; ThS Phạm Kim Ngân, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa và nhà báo Nguyễn Phúc Anh, Báo Văn Hóa. Bên cạnh 22 bài viết chuyên sâu, sách quy tụ nhiều bức ảnh đẹp, có giá trị tư liệu, điền dã của các tác giả như: Đặng Hoành Loan, Lương Hồng Quang, Nguyễn Á, Cao Trung Vinh… Nhà báo Nguyễn Phúc Anh, Báo Văn Hóa, người tham gia biên tập và hiệu đính sách, là thành viên Ban soạn thảo sách bộc bạch: “DSVHPVT của Hà Nội phong phú, đa dạng nhưng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, biến đổi trong môi trường đô thị hóa. Tôn trọng những tri thức, những nhận thức và nhận diện về giá trị của cộng đồng di sản, những người chủ thể di sản chính là cách bảo tồn, giữ gìn DSVHPVT một cách chân thực, sống động nhất”.

 Tập thể tác giả và cộng đồng chủ thể di sản trong cuốn sách

Xuất bản 200 bản in bằng tiếng Việt và 200 bản in bằng tiếng Anh, cuốn sách Di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại sẽ được gửi đến cho cộng đồng chủ thể di sản, các thư viện, trung tâm nghiên cứu, trường học ở Việt Nam và nhiều nước trên quốc tế. Ông Toshiyuki Masumoto, cán bộ Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhìn nhận việc bảo vệ DSVHPVT cho các thế hệ trẻ ngày nay thực sự bức thiết. 
Cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại chính là một thành quả của Việt Nam trong nỗ lực giữ gìn, chuyển giao kiến thức, kỹ năng và giá trị di sản đương đại cho các thế hệ trẻ. Thông qua cuốn sách, những giá trị và cả những biểu hiện để nhận diện DSVHPVT được hiện qua các bài viết như: Tiếng lóng Đa Chất, “Thùng thùng thình” hát Trống quân Hà Nội, Hát và múa Ải Lao, Nghi lễ bơi chải trong hội làng Lưu Xá, Tinh xảo nghề khảm trai Chuôn Ngọ, Tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì, Lối thêu xưa ở làng nghề Đông Cứu…

 TUẤN PHONG
 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top