Lan toả mạnh mẽ phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí

VHO – Chiều 5.10 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương.

Lan toả mạnh mẽ phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí - Anh 1

Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Trưởng Ban Công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam Vũ Thị Hà; Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An Trần Minh Ngọc  đồng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An; lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ); lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ TT&TT); lãnh đạo Hội Nhà báo VN; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, báo chí 19 tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo, đài trung ương và địa phương.

Hơn một năm trước đây, ngày 21.6.2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” công bố bản tiêu chí cơ bản gồm 12 điểm về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa (6 điểm) và văn hóa của người làm báo Việt Nam (6 tiêu chí) hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2025). Hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại và đánh giá sau một năm phát động và triển khai phong trào.

Phát biểu khai mạc Hội nghị,  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, bùng nổ thông tin, lực lượng Báo chí Cách mạng Việt Nam đông đảo hơn bao giờ hết; các cơ quan báo chí vươn lên một cách mạnh mẽ, hiện nay có hơn 40.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó phần lớn là nhà báo chuyên nghiệp đang có mặt ở khắp mọi miền của đất nước, đi sát mọi lĩnh vực của đời sống – xã hội để phản ánh kịp thời, sinh động, cổ vũ công tác đổi mới; phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, nhân tố điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó phải kể đến đội ngũ phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương thường trú tại địa phương.

Ngay sau lễ phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, thảo luận thống nhất tiêu chí trong đơn vị mình, quán triệt Phong trào thi đua, tổ chức Lễ ký Giao ước thi đua trong các cấp Hội trực thuộc; thống nhất đưa nội dung phong trào vào quy định xếp loại, xét khen thưởng hội viên, người làm báo hằng năm. Đồng thời, Ban Kiểm tra hướng dẫn các cấp Hội tự kiểm tra và tổ chức kiểm tra, giám sát trực tiếp công tác thi đua, khen thưởng tại một số cấp Hội.

Báo cáo kết quả một năm thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” cho biết,  việc xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí tiếp tục được đẩy mạnh và có sự tiếp nối những công việc, những thành quả từ những năm trước đó. Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; Ngay sau khi phong trào thi đua được triển khai, các cấp hội đã kịp thời cụ thể hóa, triển khai đến người làm báo, hội viên ở các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo. Các cấp ủy đảng, ban, bộ, ngành ở trung ương và địa phương quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng các cấp Hội, cơ quan báo chí trong việc hưởng ứng phong trào thi đua. Nội dung phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương.

Lan toả mạnh mẽ phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí - Anh 2

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc Hội nghị

Đội ngũ người làm báo, hội viên có tinh thần đoàn kết, có trách nhiệm với công việc, năng động, sẵn sàng cống hiến năng lực sáng tạo tác phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng người làm báo có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam luôn xác định nhất quán công tác xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí và tầm quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển của đất nước và sự phát triển của các cơ quan báo chí. Thúc đẩy và làm lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thời đại, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong thời gian qua, tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương đã tập trung chỉ đạo, quán triệt tổ chức thực hiện tốt “Phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; xây dựng kế hoạch và tổ chức ký kết cam kết thực hiện Tiêu chí cơ quan báo chí văn 8 hóa, cấp hội văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội triển khai thực hiện phong trào xây dựng môi trường văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam ở cơ sở, ngày 21.6.2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định số 70a/QĐ-HNBVN về Bộ Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Ngày 30.6.2022, Thường trực Hội ban hành Công văn số 161a/CV-HNBVN về việc hướng dẫn triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Trên cơ sở vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức Hội, Hội Nhà báo Việt Nam kịp thời xây dựng, định hướng mục tiêu phong trào xây dựng môi trường văn hóa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội, cơ quan báo chí. Với sự chỉ đạo, điều hành sát đúng của Thường trực Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp Hội, sự hưởng ứng mạnh mẽ của hội viên, người làm báo tạo nên sức mạnh đoàn kết, đồng thuận, đem lại giá trị hết sức to lớn trong hoạt động báo chí, hoạt động Hội.

Lan toả mạnh mẽ phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí - Anh 3

Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị

Về công tác tuyên truyền Hội Nhà báo Việt Nam đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa báo chí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; nêu bật yêu cầu cấp thiết của thực tiễn trong việc tiếp tục đẩy mạnh tạo lập không gian văn hóa đối với hoạt động báo chí, trong đó, nhà báo là người làm văn hóa, lan tỏa những giá trị văn hóa; bảo vệ, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Cùng với đạo đức và pháp luật, văn hóa là công cụ để mỗi nhà báo tự soi chiếu chính mình.

Qua việc thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Nhiều cơ quan báo chí đã xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số rất ít nhà báo.

Cấp ủy, người đứng đầu cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đảm bảo dân chủ, đoàn kết, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo, xây dựng môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo, tòa soạn xanh – sạch - đẹp; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên và hội viên nhà báo, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, người làm báo; phát huy vai trò người làm báo trong xây dựng nền nếp làm việc 13 khoa học, trật tự, kỷ cương, phong cách ứng xử chuẩn mực, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí, hướng tới xây dựng cơ quan báo chí trở thành đơn vị kiểu mẫu về văn hóa; lấy kết quả việc thực hiện phong trào thi đua thành tiêu chí thi đua, đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân thuộc đơn vị; xây dựng kế hoạch thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhìn chung các báo đài nhất trí cao với 6 tiêu chí Cơ quan báo chí văn hóa, và xác định tuân thủ pháp luật, quy chế nội bộ nghiêm minh, tổ chức quy trình hoạt động chuyên nghiệp, quản lý sát sao hoạt động tác nghiệp, hành vi ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của người làm báo trong môi trường chuyển đổi số, làm báo thời công nghệ 4.0. Về 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo xác định nêu cao phẩm cách cao đẹp, ứng xử văn minh của người làm báo và coi trọng tính nhân văn trong tác phẩm, sản phẩm báo chí của người làm báo, người làm báo phải giữ gìn tư cách đạo đức nghề nghiệp; trong tiếp xúc với công chúng và đồng nghiệp phải thể hiện được phong cách văn minh, nền tảng văn hóa của người làm báo cách mạng Việt Nam. Đặc biệt thận trọng với việc phát ngôn, đăng tải hình ảnh trên không gian mạng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng môi trường văn hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Phong trào thi đua đã phát động song một số cấp Hội thực hiện chưa kịp thời, vẫn mang tính hình thức, chưa hiện thực hóa phong trào vào hoạt động của đơn vị.

Lan toả mạnh mẽ phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí - Anh 4

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, đại diện Hội Nhà báo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lâm Đồng, Phú Yên, Đắk Nông... đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trong đó bao gồm xây dựng quy chế nội bộ nghiêm minh, tổ chức quy trình hoạt động chuyên nghiệp, quản lý sát sao hoạt động tác nghiệp, hành vi ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp...

Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh  cho rằng, phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay, đồng thời tin tưởng thời gian tới phong trào sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí.

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, dù phong trào mới được phát động hơn một năm nhưng đã được các địa phương hưởng ứng, lan tỏa mạnh mẽ, đi vào thực chất của đời sống báo chí.

*Chiều cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 979-QĐ/HNBVN về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại các địa phương.

Quyết định 979 đã tạo thuận lợi cho Hội Nhà báo các địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú, tạo bước chuyển biến tích cực, đạt những kết quả rất quan trọng góp phần hạn chế các hoạt động ngoài tầm kiểm soát cũng như kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên; thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Qua 5 năm thực hiện, nhìn chung các văn phòng đại diện, hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương đã bám sát định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí địa phương; thực hiện tốt Luật Báo chí, tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí.

TIÊU CHÍ THỰC HIỆN CƠ QUAN BÁO CHÍ VĂN HOÁ VÀ VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI LÀM BÁO VIỆT NAM

Lan toả mạnh mẽ phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí - Anh 5

Ký kết tại Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí” (ngày 21.6.2022). Ảnh: Trần Thanh Hải

Đối với “Cơ quan báo chí văn hóa”:

1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan.

3. Tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung. Quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện.

4. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

5. Tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

6. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo; Hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Đối với văn hóa của người làm báo Việt Nam:

1. Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

2. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo.

3. Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức.

4. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

5. Ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.

6. Tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

THANH BÌNH

Ý kiến bạn đọc