Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật

VHO- Thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật về VHTTDL đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực; tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản ban hành chậm, chưa đáp ứng được thực tiễn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này có trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị. Đây là điểm hạn chế được nêu ra tại Hội nghị tăng cường tổ chức thi hành pháp luật về VHTTDL do Bộ VHTTDL tổ chức sáng qua 9.11 tại Hà Nội.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật - Anh 1

 Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, bổ sung kiến thức và nhận thức về luật pháp đối với đội ngũ làm công tác pháp chế phải được đặt lên hàng đầu

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị; tham dự có lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 9.11, đồng thời cũng là dịp rà soát lại các nhiệm vụ cũng như tình hình xây dựng Nghị định, Thông tư hiện nay của các đơn vị trực thuộc khối tham mưu quản lý nhà nước thuộc Bộ VHTTDL. Trong dịp này, một số đơn vị đã có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, đơn cử như Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến các quy chế, quy định, nghị định và các văn bản có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn Nhà hát.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Bộ VHTTDL xác định xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá hệ thống pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL là đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã rất nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả khả quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả triển khai.

Nhận định về công tác tổ chức thi hành pháp luật VHTTDL, Thứ trưởng cho rằng, ngành VHTTDL đã nỗ lực triển khai thực hiện rất bài bản, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Điều này thể hiện rất rõ trên thực tế, trong thi hành pháp luật của ngành VHTTDL không nảy sinh những vấn đề bất cập, nổi cộm. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, công tác kiểm tra cần được tăng cường và cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa.

Báo cáo về tình hình xây dựng Nghị định và Thông tư năm 2023, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái cho biết, theo kế hoạch có 13 nghị định, 10 thông tư được xây dựng năm 2023. Bộ VHTTDL đã hoàn thành được 8 nghị định, 3 thông tư; còn 5 nghị định và 7 thông tư đang tích cực được xây dựng. Bên cạnh những yếu tố khách quan khiến một số văn bản chưa bảo đảm tiến độ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng, bản thân các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng cần ý thức hơn về trách nhiệm này. Các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL cần quan tâm hơn nữa đến việc hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của ngành, phản hồi nhanh hơn về những vướng mắc từ cơ sở; đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn tới những người trực tiếp làm công tác xây dựng văn bản.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật - Anh 2

 Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến các quy chế, quy định, nghị định và các văn bản có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn Nhà hát

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu

Cục Văn hóa cơ sở là một trong những cơ quan quản lý nhà nước có khối lượng xây dựng văn bản pháp luật lớn, công tác xây dựng và hoàn thành luôn đảm bảo đúng tiến độ. Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, đơn vị đã nhận được sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn như Vụ Pháp chế cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

“Người đứng đầu các đơn vị có vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ nắm vững về mặt chuyên môn mà còn phải nắm vững công tác pháp chế để có thể chỉ đạo soạn thảo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những yếu tố quan trọng là cần tôn trọng ý kiến của các đơn vị phối hợp, phải nghiên cứu rất kỹ dựa trên lợi ích chung để có thể thể chế hóa các vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn, từ đó tìm cách thể hiện và xử lý văn bản cho phù hợp…”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nêu.

Cũng theo bà Hương, còn một vấn đề là có những văn bản chúng ta quá thận trọng dẫn tới rất nhiều Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật không được ban hành và triển khai, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng.

Một số đơn vị cũng bày tỏ những lý do dẫn tới việc “nợ” hay “chậm” văn bản, đó là hạn chế về nguồn lực cán bộ am hiểu pháp chế cũng như kinh phí xây dựng văn bản chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để tăng cường hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về VHTTDL, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các đơn vị tham mưu quản lý nhà nước trực thuộc Bộ cần nghiên cứu để có những giải pháp thiết thực nhằm triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật. Chú trọng nâng cao hiệu lực công tác tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật để đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả. Đồng thời, trong quá trình soạn thảo văn bản cần có sự phối hợp và thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ trưởng cho rằng, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế cũng cần quan tâm, nhưng với lĩnh vực đa ngành, đa nghề như VHTTDL thì vẫn phải dựa vào đội ngũ cán bộ giỏi, có kiến thức về chuyên ngành; tập huấn về công tác pháp chế để bổ sung kiến thức và nhận thức về luật pháp đối với đội ngũ làm công tác pháp chế phải được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về VHTTDL. Chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật, gây cản trở sự phát triển. 

 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc