Quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu: Quyền phải gắn liền với trách nhiệm

VHO- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu. Đây là động thái tiếp theo, thể hiện tinh thần vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát và kịp thời chấn chỉnh biểu hiện “lệch chuẩn” trong việc tổ chức một số cuộc thi người đẹp, người mẫu tại các địa phương.

Quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu: Quyền phải gắn liền với trách nhiệm - Anh 1

Hội nghị phổ biến Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tại TP.HCM Ảnh: B.THỦY

 Địa phương cần thể hiện vai trò việc thẩm định, cấp phép và giám sát

Sau khi Bộ trưởng có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia truyền thông, nhà quản lý văn hóa đã bày tỏ sự đồng tình và cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, phối hợp quản lý nhà nước đối với các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu hiện nay.

Các ý kiến đều cho rằng, tinh thần chung của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực từ ngày 1.2.2021) không quy định việc giới hạn số lượng cuộc thi người đẹp, với mục đích tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân, không phải là “thả nổi” mà là hạn chế tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, thi chui, trái phép trong hoạt động tổ chức thi sắc đẹp. Hơn nữa, các cuộc thi nhan sắc không cần phải xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) mà chỉ cần UBND tỉnh, thành phố hoặc Sở VHTTDL, Sở VHTT… nơi diễn ra cuộc thi chấp thuận đã tạo môi trường thông thoáng, cởi mở, một vấn đề mà xã hội luôn đòi hỏi.

Điều 29 của Nghị định 144 quy định rất rõ: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn; Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về văn hóa, cơ quan trực thuộc và UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan; Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn…

Như vậy, cùng với việc được quyền cấp phép, thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn… Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều địa phương chỉ quan tâm nửa vế, tức là cấp phép, còn vế thứ hai “thực hiện quản lý nhà nước” chưa sát sao, nếu không muốn nói có lúc, có nơi gần như thả nổi.

Đó cũng là lý do vì sao trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, đồng thời chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm tra, giám sát việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Chia sẻ với Văn Hóa, ThS Lê Thị Thoa, giảng viên ngành Truyền thông (Trường ĐH FPT) bày tỏ: “Tôi đánh giá cao động thái của Bộ trưởng Bộ VHTTDL trong việc kịp thời thông tin đến các Đoàn đại biểu Quốc hội về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nói chung, hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu nói riêng”.

Theo chuyên gia này, Bộ VHTTDL đã có những cải cách rất quan trọng, thể hiện qua việc ban hành hàng loạt văn bản, chính sách mang tính đột phá. Các chính sách này đều hướng đến đẩy mạnh phân cấp từ Trung ương về địa phương; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm thích hợp, góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thúc đẩy sáng tạo và tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn; bảo đảm quyền tiếp cận và cơ hội để công chúng thưởng thức nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Như vậy, các địa phương cần thể hiện vai trò của mình trong việc thẩm định, cấp phép và giám sát các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, để vừa góp phần nâng cao chất lượng các cuộc thi, tôn vinh nhan sắc và trí tuệ Việt, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa - du lịch tại địa phương; đặc biệt chú ý nâng cao năng lực đội ngũ chuyên trách để tương xứng với chức năng này.

Quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu: Quyền phải gắn liền với trách nhiệm - Anh 2

 Thời gian qua Văn Hóa liên tục có nhiều bài phản ánh về công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tổ chức cuộc thi người đẹp và người mẫu, trong đó luôn nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương

Chẳng lẽ chỉ cấp phép, khi có sự cố lại đổ… lên trên?

Ở góc độ người đã từng làm công tác quản lý văn hóa - nghệ thuật và trực tiếp tổ chức cuộc thi hoa hậu, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhận định, hiện đang có tình trạng “lạm phát” các cuộc thi hoa hậu nhưng chất lượng dường như không tỷ lệ thuận, dẫn đến lãng phí tiền của, ý nghĩa xã hội ít và sự đóng góp cho văn hóa cũng kém đi. Vì thế, không thể trách dư luận đã phản ứng mạnh, bởi một số đơn vị, doanh nghiệp xem việc tổ chức thi hoa hậu, người mẫu là cơ hội để quảng bá thương hiệu, thương mại là chính…

Nguyên Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM bày tỏ: “Tôi không khuyến khích phải tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu. Tôi cũng không đồng tình việc mỗi tỉnh dù khó khăn đến mấy cũng cố tổ chức cho được, cho có một cuộc thi hoa hậu, trong khi lại không đủ năng lực, thế là mời đơn vị khác đến thực hiện cho mình và mang tên mình đứng ra tổ chức. Cách làm này dẫn đến chuyện, vì không quản lý được nên đã có những lùm xùm tất yếu trong chất lượng các cuộc thi”.

Bày tỏ quan điểm về việc phân cấp cho các địa phương, một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý văn hóa cho rằng, để hoạt động này được đi vào nề nếp, nên chăng các địa phương không chỉ làm mỗi việc thẩm định, cấp phép mà cần phải phối hợp triển khai, không thể buông lỏng để các đơn vị tự do tổ chức; đồng thời giám sát, kiểm soát chất lượng và chịu trách nhiệm. “Cũng giống các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác như múa, sân khấu, điện ảnh… đều phải do cơ quan quản lý nhà nước, thấp nhất là cấp Sở hoặc các Hội nghề nghiệp có đủ chuyên môn phối hợp tổ chức, nói nôm na là theo hình thức PPP (đối tác công tư trong văn hóa - xã hội). Việc tổ chức như vậy để hướng cuộc thi chất lượng hơn, tránh những lùm xùm không đáng có”, vị này nhận định.

Còn theo bà Nguyễn Thế Thanh: “Số lượng các cuộc thi hoa hậu hiện nay đang quá nhiều nhưng lại thiếu cuộc thi chất lượng. Chúng ta đang cần những người không chỉ đẹp mà còn có trí tuệ, kiến thức, có thể đối thoại và đại diện cho thế hệ trẻ tự tin, năng động bước ra thế giới. Do vậy, việc tổ chức thi hoa hậu nên hướng đến tiêu chí tôn vinh bản sắc văn hóa hoặc quảng bá hình ảnh địa phương, sản vật các vùng miền”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi đã phân cấp, phân quyền thì địa phương phải gắn với tinh thần trách nhiệm. Không thể như hiện nay, địa phương được cấp phép, địa phương đứng ra tổ chức, địa phương hưởng các quyền lợi… nhưng khi có sự cố lại đổ lên trên. Như thế là không công bằng. Tất nhiên, trong vai trò quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kể cả việc tham mưu, đề nghị sửa đổi Nghị định nếu không còn phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước đã rất trách nhiệm và nỗ lực, vấn đề còn lại là cần sự vào cuộc quyết liệt của chính các địa phương. 

Cùng với việc được quyền cấp phép, thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn… Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều địa phương chỉ quan tâm nửa vế, tức là cấp phép, còn vế thứ hai “thực hiện quản lý nhà nước” thì chưa sát sao, nếu không muốn nói có lúc, có nơi gần như thả nổi. Đó cũng là lý do vì sao trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, đồng thời chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm tra, giám sát việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

 Tôi đánh giá cao động thái của Bộ trưởng Bộ VHTTDL trong việc kịp thời thông tin đến các Đoàn đại biểu Quốc hội về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nói chung, hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu nói riêng.

Bộ VHTTDL đã có những cải cách rất quan trọng, thể hiện qua việc ban hành hàng loạt văn bản, chính sách mang tính đột phá. Các chính sách này đều hướng đến đẩy mạnh phân cấp từ Trung ương về địa phương; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm thích hợp, góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thúc đẩy sáng tạo và tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn; bảo đảm quyền tiếp cận và cơ hội để công chúng thưởng thức nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…

(Giảng viên LÊ THỊ THOA, Trường ĐH FPT)

THÙY TRANG - NGỌC NHIÊN

Ý kiến bạn đọc