Chuyện cảm động ở “Bảo tàng uống nước nhớ nguồn”

VHO- Đã ngoài 80 tuổi nhưng ngày ngày ông vẫn cần mẫn chăm sóc bảo tàng Bác Hồ tại tư gia của mình. Khu bảo tàng được ông tự xây dựng vào năm 1994 và hiện có hơn 130 hiện vật, kỷ vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ do ông bền bỉ sưu tập trong gần 50 năm qua.

 Ông là Bùi Xuân Phước ở thôn Phước Điền, xã Phước Đồng TP Nha Trang (Khánh Hòa). Rời quân ngũ đã bao năm, thế nhưng nhắc đến chuyện năm xưa ông Phước lại rưng rưng xúc động. Ông Phước kể: Thời niên thiếu, 15 tuổi tham gia thiếu sinh quân, sau đó vào bộ đội, từng nhiều năm chiến đấu tại Sư đoàn đặc công 385. Xuất ngũ, ông chuyển sang làm công tác bảo tàng, nhiều năm liền giữ chức vụ Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa hiện nay). Gần 50 năm làm công tác bảo tàng, ông càng hiểu sâu sắc hơn về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Ngưỡng mộ công lao trời biển của Bác nên ông quyết dành hết tâm lực sưu tầm những tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Người. “Dù bận rộn hoặc đang làm bất cứ việc gì nhưng nghe tin một nơi xa xôi nào đó có ảnh tư liệu mới về Bác Hồ, ngay lập tức tôi bỏ lại tất cả công việc lặn lội đến tận nơi đó xin sao chụp tài liệu đó ngay. Cứ thế hơn 50 năm qua tôi đã thu thập được khoảng 130 tư liệu quý về Bác”, ông Phước tâm sự.

Chuyện cảm động ở “Bảo tàng uống nước nhớ nguồn” - Anh 1

Chuyện cảm động ở “Bảo tàng uống nước nhớ nguồn” - Anh 2

 Ông Phước bên những hiện vật trong Bảo tàng

Cũng theo ông Phước, “Bác Hồ đã vĩnh viễn đi xa, các thế hệ muôn đời sau biết đến Bác Hồ không có gì khác đó là những hình ảnh, hiện vật, thế nên phải giữ gìn lại dù là những hiện vật nhỏ nhất”. Với suy nghĩ đó, năm 1994 khi nghỉ hưu, không lựa chọn ở nơi phố thị ồn ào, ông lui về giữa vùng quê xã Phước Đồng, mua lô đất rộng hơn 2.000m2 để thực hiện ước mong của mình xây khu bảo tàng Bác Hồ với tên gọi “Bảo tàng uống nước nhớ nguồn”. Bảo tàng gồm phòng trưng bày chính và tượng đài Bác Hồ, ở đấy hình ảnh Bác Hồ được trưng bày ở vị trí trang trọng nhất, xung quanh là trăm kỷ vật bao gồm: mũ cát bi, dép cao su, chiếc áo ka-ki bạc màu, tư liệu, hình ảnh về Bác. Đối điện với bảo tàng, ông Phước còn xây tượng đài liệt sĩ để tưởng nhớ đến những đồng đội chiến đấu ở Sư đoàn đặc công 385 đã hy sinh với lòng tiếc nhớ tri ân.

Từ ngày có Bảo tàng, mỗi năm có hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, các cựu chiến binh, người dân, đặc biệt là các em nhỏ, học sinh sinh viên trên địa bàn đến đây để viếng thăm, thắp hương tưởng nhớ Bác. Các đồng đội năm xưa của ông còn sống cũng tụ về thắp nhang tưởng nhớ Bác, tưởng nhớ đồng đội… Anh Nguyễn Trọng Long, một người dân địa phương cho biết: “Đã sống ở xã Phước Đồng nhiều năm, tôi cũng đã đi nhiều nơi nhưng thật hiếm thấy người nào có tấm lòng nhân ái như bác Phước. Mỗi khi đến thăm bảo tàng chúng tôi thực sự xúc động khi thấy hình ảnh, kỷ vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, nhờ đó chúng tôi càng thấm thía hơn lời dạy của Bác”.

Nhắc đến ước mong về sự phát triển của bảo tàng, ông Phước cho biết: “Tất cả khu bảo tàng, tượng đài và khuôn viên hàng ngàn mét vuông này khi tôi qua đời sẽ giao lại cho con quản lý, ý nguyện của tôi là mọi người dân đều có quyền tới đây tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, và tất cả đều được phục vụ miễn phí”.

Chia tay ông Phước trong cái xiết tay thật chặt, hình ảnh về cựu cán bộ bảo tàng với việc làm cao đẹp cứ luôn in đậm trong tâm trí tôi. 

 Đã sống ở xã Phước Đồng nhiều năm, tôi cũng đã đi nhiều nơi nhưng thật hiếm thấy người nào có tấm lòng nhân ái như bác Phước. Mỗi khi đến thăm bảo tàng chúng tôi thực sự xúc động khi thấy hình ảnh, kỷ vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, nhờ đó chúng tôi càng thấm thía hơn lời dạy của Bác.

(Anh Nguyễn Trọng Long, một người dân địa phương)

 Tất cả khu bảo tàng, tượng đài và khuôn viên hàng ngàn mét vuông này khi tôi qua đời sẽ giao lại cho con quản lý, ý nguyện của tôi là mọi người dân đều có quyền tới đây tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, và tất cả đều được phục vụ miễn phí.


 

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc