Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Những con số không phải ai cũng biết

Thứ Tư 26/06/2019 | 09:47 GMT+7

VHO- Thời gian gần đây, dư luận xôn xao xung quanh chuyện mức lương mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trả cho HLV Park Hang Seo chỉ là... 20.000 USD/tháng, chưa tương xứng với những thành tích mà ông Park đã mang lại cho bóng đá Việt Nam.

 Hãy để cuộc thương thảo hợp đồng giữa VFF và HLV Park Hang Seo diễn ra tốt đẹp Ảnh: LÊ HẢI

Vậy sự thật là như thế nào và dưới đây sẽ là những con số mà không phải ai cũng biết để thấy rằng VFF cũng đã làm hết mình để ông Park có thể yên tâm cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

VFF phải trả bao nhiêu cho ê kíp của thầy Park?

Lâu nay người ta vẫn cứ cho rằng ông Park chỉ được hưởng lương 20.000 USD/tháng, không bằng mức lương mà HLV Henrique Calisto được hưởng trước đây (khoảng 25.000 USD/tháng). Nhưng thực chất 20.000 USD/tháng là khoản lương mà ông Park được bỏ túi, trong khi bóng đá Việt Nam vẫn phải chi trả hàng loạt chi phí khác như thuế thu nhập với khoảng hơn 10.700 USD cùng thêm vài nghìn USD liên quan đến các chi phí gồm nhà ở, các phương tiện di chuyển... Tổng các khoản thu nhập này cũng lên đến 34.000 USD.

Ở thời điểm VFF ký hợp đồng với HLV Park Hang Seo, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đang tại vị ở VFF trên cương vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ nên khoản lương của HLV Park Hang Seo được bầu Đức chi trả. Và theo tiết lộ của bầu Đức, hằng tháng ông chuyển khoảng 800 triệu đồng (tương đương với khoảng 34.000 USD) cho VFF, để VFF trả lương cho ông Park. Đây có lẽ cũng là mức chi không nhỏ dành cho một HLV ngoại mà bóng đá Việt Nam đã chi trả từ trước đến nay. Nhưng nên nhớ rằng, thời của HLV Calisto và các HLV ngoại trước đây, VFF chỉ phải chi trả lương cho một mình HLV trưởng, còn lại hầu hết là các trợ lý người Việt hoặc trợ lý người nước ngoài thì chi phí không quá cao và ê kíp trợ lý của các đời HLV ngoại trước đó cũng không dày đặc như thời ông Park.

Ở thời cao điểm, đội ngũ trợ lý của ông Park lên tới hơn 10 người trong đó có nhiều trợ lý người Hàn. Danh sách Ban huấn luyện tuyển Việt Nam được VFF công bố trước thềm Asian Cup 2019 là 9 người. Cộng thêm một cán bộ truyền thông, một cán bộ hậu cần và trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển, đội ngũ của ông Park Hang Seo có tổng cộng 12 cái tên. Bình thường ê kíp của ông Park có khoảng 5 trợ lý. Ngoài các trợ lý người Việt do VFF trả lương, Tổng cục TDTT hỗ trợ cho VFF khoảng 12.000 USD/tháng để trả lương cho các trợ lý. Nếu đội ngũ trợ lý người Hàn tăng lên thì VFF sẽ phải lo thêm khoản chi phí này. Như vậy chỉ tính sơ qua, tổng các chi phí trả lương cho HLV Park Hang Seo và các trợ lý đã có thể rơi vào khoảng 46.000 USD/tháng. Đây là con số tạo nên kỷ lục của bóng đá Việt Nam cho đến thời điểm này khi chi trả lương cho một ê kíp HLV ngoại.

Cùng với đó VFF cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi, đáp ứng hầu hết các yêu cầu để ông Park và các trợ lý yên tâm làm việc. Những điều đó cùng với thế hệ vàng của những Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng... đã giúp bóng đá Việt Nam đạt được những kỳ tích chưa từng có từ trước tới nay.

Mang hơi hướng với “chiêu trò đẩy giá”?

Giữa tháng 6 vừa qua, báo chí Hàn Quốc đăng tin HLV Park Hang Seo được phía Thái Lan mời về với mức lương 100.000 USD/tháng. Nguồn tin này cũng tiết lộ ông thầy người Hàn Quốc nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…

Trước thông tin này, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung tỏ ra rất bất ngờ khi trả lời phỏng vấn của truyền thông Thái Lan: “Chúng tôi chưa bao giờ có ý tưởng này, vì HLV Park vẫn còn hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”. Người đứng đầu bóng đá Thái Lan cũng tiết lộ rằng, việc chọn HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia nước này phải được xem xét dựa trên tâm tư nguyện vọng của các CĐV Thái Lan. Hiện có rất nhiều HLV lành nghề đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào chiếc ghế nóng của các đội tuyển Thái Lan. Ông Somyot Poompanmoung cũng ngạc nhiên trước thông tin từ báo chí Việt Nam về việc FAT muốn chiêu mộ HLV Park Hang Seo trong khi thông tin này lại xuất phát từ truyền thông Hàn Quốc?

Có hai yếu tố cho thấy thông tin này mang hơi hướng của một “chiêu trò đẩy giá” trước cuộc đàm phán giữa VFF và HLV Park chăng? Thời điểm đăng tin đến ngay sau khi tuyển Việt Nam giành thắng lợi trước Thái Lan trên sân khách ở King’s Cup, chiến thắng đẩy uy tín ông thầy người Hàn lên cao. Nhìn nhận từ góc độ thương mại, đây là thời điểm vàng để tiến hành đàm phán hợp đồng, thay vì để mọi việc diễn ra vào tháng 10 đúng như lịch trình. Khi đó, dư âm chiến thắng đã giảm và thời cơ vàng để đàm phán được giá tốt cũng sẽ trôi qua. Đó cũng là thời điểm ông Park tập trung cho chiến dịch quan trọng nhất trong năm là giành HCV ở SEA Games. Nếu lộ trình đó có gì không bằng phẳng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả.

Tiếp theo, thông tin này đến từ Hàn Quốc, nơi mà công ty quản lý ông Park có mối quan hệ rất thân thiết, chứ không phải từ Thái Lan hay Trung Quốc nên mức độ khách quan giảm khá nhiều. Ngay lập tức, thông tin này trở thành “mồi ngon” cho truyền thông và mạng xã hội khiến VFF phải chịu áp lực trong việc tăng lương cao để giữ chân bằng được ông thầy đang có nhiều cảm tình từ CĐV Việt Nam.

Chắc chắn, khi phải chịu áp lực đó, VFF sẽ không rộng đường tính toán trong cuộc đàm phán lương dự kiến lên tới hàng chục tỉ đồng với công ty đại diện của HLV Park Hang Seo. Tăng lương cho HLV Park là đúng và xứng đáng với sự đóng góp của ông, nhưng tăng bao nhiêu cho phù hợp lại là điều cần phải tính toán. Bởi với khoản ngân sách hạn hẹp của VFF, nếu dốc lương vào một bản hợp đồng thì sau đó ngân sách chi cho đào tạo trẻ, bóng đá nữ và rất nhiều thứ khác nữa sẽ bị giảm đi. Đó không phải là lựa chọn đúng đắn.

Vậy thì hãy để cho người làm bóng đá lo chuyện của bóng đá thay vì tạo nên những sức ép vô tình đẩy chính chúng ta vào thế khó. Bóng đá Việt Nam cần HLV Park Hang Seo và ở chiều ngược lại, ông Park đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai.

 Không ảnh hưởng đến hoạt động của VFF

Trưa 25.6, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Khánh Hải cho biết, tại cuộc họp của thường trực VFF vào buổi sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF Cấn Văn Nghĩa đã nộp đơn xin thôi không đảm nhận chức vụ hiện tại. Không chỉ từ chức phó chủ tịch, ông Nghĩa còn xin rút khỏi Ban chấp hành VFF khóa 8 nhiệm kỳ 2018- 2022.

“Tôi có nghe hiện đang có dư luận cho rằng do khó khăn trong vấn đề vận động tài chính trong việc đàm phán gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang Seo nên ông Cấn Văn Nghĩa rút lui, tôi khẳng định hoàn toàn không có việc đó. Hoạt động của bóng đá Việt Nam được vận hành bởi cả một bộ máy, không phải phụ thuộc vào cá nhân nào. Do vậy, việc rút lui của ông Cấn Văn Nghĩa không phải là vấn đề gây ảnh hưởng lớn”, Chủ tịch Lê Khánh Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, trước mắt thường trực VFF sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, phân công các thành viên phụ trách công việc do ông Cấn Văn Nghĩa để lại, đảm bảo không ảnh hưởng đến bất kỳ hoạt động nào của VFF. Về dài hạn, Ban chấp hành VFF sẽ tiến hành thảo luận, xem xét và đề xuất các giải pháp cụ thể đối với nhân sự phụ trách công tác tài chính và vận động tài trợ của VFF tại Hội nghị lần thứ 3 - 2019, dự kiến tổ chức vào ngày 3.7.

 

 THU SÂM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top