Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xã hội hóa và nỗi lo “ép duyên” nghệ thuật

Thứ Hai 01/07/2019 | 09:46 GMT+7

VHO-  Theo lộ trình, đến năm 2020, hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế Nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều bất cập và đang cần những cơ chế phù hợp.

Vở “Sông trăng” của Liên đoàn Xiếc VN, tác phẩm do Nhà nước đặt hàng đang xuất ngoại biểu diễn thành công hơn nửa năm nay tại Đức

Nỗi lo còn đó… 

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có khoảng hơn 110 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, còn lại là các tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VHTTDL, Sở VHTT. Trong đó, phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã bộc lộ rất nhiều bất cập từ các đơn vị nghệ thuật trung ương tới địa phương. Chủ trương mỗi địa phương chỉ giữ lại một đơn vị nghệ thuật của nhà nước bắt đầu từ năm 2017 khiến cho các địa phương lúng túng trong việc định hướng nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ cho rằng đó là cuộc “ép duyên” khi cho tất cả các loại hình sân khấu truyền thống vào chung một “rọ”… Đối với các đơn vị nghệ thuật ở trung ương và các thành phố lớn thì cũng có một số đơn vị đã dần khẳng định được năng lực độc lập của mình, trở thành điểm sáng về tự chủ tài chính. Đơn cử như Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam... Tuy nhiên với khu vực các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống thì việc tự chủ lại gặp vô vàn những khó khăn, thậm chí là “bất khả thi” nếu tiến hành cắt giảm ngân sách một cách cơ học như nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. 

   Tự chủ là không thể trong lúc này... 

Sự khủng hoảng của một số đơn vị sân khấu xã hội hóa được coi là điểm sáng về xã hội hóa ở TP.HCM cho thấy Nhà nước cần có sự hỗ trợ không chỉ với các đơn vị nghệ thuật công lập mà cả với khu vực xã hội hóa. Đấu thầu đặt hàng tác phẩm chất lượng cao là một biện pháp hiệu quả thúc đẩy cho sân khấu phát triển theo chiều hướng tích cực. Nhà nước đặt hàng, mua sản phẩm tốt qua việc kiểm định chất lượng. Dĩ nhiên, việc kiểm định phải được giao cho những người thật sự có tâm, có tầm. (NSƯT TRIỆU TRUNG KIÊN, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN)

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN cho biết: “Với những đơn vị như Nhà hát Lớn, Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam… có thuận lợi hơn về địa điểm cũng như sức hấp dẫn của loại hình. Cơ chế và mô hình hoạt động của các đơn vị này không đòi hỏi một bộ máy con người cồng kềnh như xiếc hay các loại hình như tuồng, chèo, cải lương. Các nhà hát có thể chỉ cần giữ lại bộ khung, có thể sa thải những người làm không được việc, ngay cả diễn viên biểu diễn có thể mượn, thuê người của các đơn vị khác như trường múa, nhạc viện… làm theo thời vụ, theo chương trình. Nhưng với xiếc, tuồng, chèo… thì không thể thực hiện theo cơ chế này khi mà ngay từ đầu vào đào tạo đã luôn gặp khó khăn và dàn kịch mục thì phải duy trì biểu diễn thường xuyên khó có thể thuê người làm thời vụ được”. Điều bất cập nhất mà Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN chia sẻ đó là hiện nay trong số 260 cán bộ, nghệ sĩ thì có 80 người thuộc diện hợp đồng, éo le là số 80 người hợp đồng này lại là những lao động chủ lực, là những người kiếm ra tiền. “Nếu phải tự chủ chúng tôi sẽ không biết làm sao để nuôi nổi số lượng người biên chế nhưng không còn khả năng làm được việc? Nghề xiếc là nghề đặc thù và vô cùng khắc nghiệt. Những nghệ sĩ trong biên chế đều là những người đã cống hiến, đã lao động nghệ thuật nhưng tuổi nghề ngắn. Không thể tính chuyện giảm biên chế, sa thải một cách cơ học như các lĩnh vực ngành nghề khác. Mà giữ họ lại thì chúng tôi sẽ lấy tiền ở đâu để nuôi họ nếu không có ngân sách ?”, NSND Tạ Duy Ánh đặt ra câu hỏi. 

Vở “Trung thần” của Nhà hát Tuồng VN có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ và để giữ chân các nghệ sĩ trẻ rất cần có những cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù

Mới đây, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN Phạm Ngọc Tuấn vô cùng hào hứng kể về năng lực của lớp diễn viên trẻ được đào tạo theo Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công của Bộ từ 2014 đến 2018, nhưng giờ lại lo lắng chia sẻ: “Kết thúc khóa đào tạo, chúng tôi tuyển được 36 em. Chúng tôi đã rất cố gắng để các em có việc làm, tiền bồi dưỡng biểu diễn, có nhà công vụ để ở miễn phí. 6 tháng đầu năm 2019 nhà hát đã diễn tới 140 buổi, diễn có tiền. Tuy nhiên, dẫu thế nào thì thu nhập của diễn viên tuồng quá là thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Vì vậy, ngay ở quá trình tập sự thì có tới 9 em bỏ nghề đi làm kinh doanh hoặc đi hát tự do. Con số này còn có thể tiếp tục”. Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết thêm: “Theo quy định của Nhà nước thì các đơn vị không được hợp đồng chuyên môn, hợp đồng lao động, không cho được ký hợp đồng thì lấy đâu căn cứ để trả tiền cho lớp diễn viên trẻ hợp đồng này. Nhà hát đang chấp nhận làm sai để giữ người. Việc áp dụng cơ chế, chính sách giống như các đối tượng ngành nghề khác trong xã hội đang là những bất cập lớn đối với các đơn vị nghệ thuật chúng tôi”. 

   Mỗi đêm diễn bán được vài vé sao có thể tự chủ? 

Nếu chương trình biểu diễn thiên về hướng bảo tồn, giữ nguyên vẹn những gì vốn có của truyền thống như các trích đoạn, vở diễn, làn điệu thì không dễ thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Mỗi đêm diễn, nhà hát chỉ bán được vài vé. Chèo hay cải lương cũng đang phải chịu chung cảnh ngộ đó, trong thời buổi sân khấu nghệ thuật truyền thống thưa vắng khán giả. Hầu hết lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật công lập thuộc loại hình sân khấu truyền thống đều mong muốn Nhà nước có cơ chế phù hợp hơn dành cho họ, bởi nhiệm vụ của các đơn vị này ngoài việc tự chủ về tài chính còn là giữ gìn, bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống. (Giám đốc Nhà hát Tuồng VN PHẠM NGỌC TUẤN)

Không thể “tự chủ” nửa vời… 

Đã có nhiều cuộc hội thảo cũng như trao đổi về vấn đề tự chủ đối với nghệ thuật nói chung, sân khấu truyền thống nói riêng và đều cho thấy những bất cập trong bài toán tự chủ của nghệ thuật hiện nay trong cơ chế thị trường. NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Trên thực tế chỉ có những chương trình phục vụ thiếu nhi, khách du lịch hoặc chương trình mang tính sự kiện là có khán giả. Còn đa phần các chương trình nghệ thuật được dàn dựng biểu diễn thường xuyên của các đơn vị, đặc biệt là truyền thống thì đang gặp khó ngay từ việc tiếp cận khán giả. Có ý kiến là có những tác phẩm chưa tốt nên khán giả không tới nhưng có nhiều tác phẩm hay, có chất lượng được đồng nghiệp thừa nhận cũng không có khán giả”. Ban giám đốc Nhà hát Cải lương VN đang phải đối diện với bài toán là hiện nay Nhà hát vẫn đang được Nhà nước cấp 90% kinh phí hoạt động mà hoạt động biểu diễn vẫn đang rất khó khăn, nếu cắt giảm hết theo đúng lộ trình xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật vào năm 2020 cầm chắc là cải lương cũng như các đơn vị tuồng, chèo… phải đầu hàng. “Sân khấu TP.HCM đã từng có một thời được coi là điểm sáng về xã hội hóa thì hiện nay các mô hình sân khấu xã hội hóa đều đang gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ bị giải thể. Sân khấu TP.HCM có thị trường biểu diễn, có khán giả mà còn như vậy huống hồ sân khấu phía Bắc, người xem hầu như không có, không bán được vé biểu diễn để có doanh thu. “Cầu” không có thì làm sao có thể xã hội hóa được?”, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ. 

Mới chỉ thực hiện tự chủ với việc cắt giảm từ 15% cho đến 30% ở một số nhà hát thuộc Bộ VHTTDL. Kinh phí hoạt động vẫn phụ thuộc vào kinh phí từ ngân sách mà đã thấy biết bao những bất cập khó khăn ngay từ cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật. Nếu thả nổi, để mặc các đơn vị nghệ thuật tự chủ thì con đường phát triển của nghệ thuật nước nhà sẽ đi tới đâu? Rõ ràng với những đơn vị nghệ thuật truyền thống không phải là những loại hình nghệ thuật ăn khách, thời thượng, cần phải có sự tính toán lại trong chủ trương thực hiện tự chủ đối với họ. Đây là mong muốn chung của các cán bộ, nghệ sĩ đang hoạt động chuyên nghiệp hiện nay. 

  Đặt hàng là một lối đi của tự chủ cần có 

Sự đổi mới trong tự chủ đối với nghệ thuật hiện nay theo đại diện của các nhà hát thì được ghi nhận lớn nhất chính là việc Bộ VHTTDL đặt hàng đối với các tác phẩm nghệ thuật. Việc đặt hàng chương trình và tiết mục chất lượng cao, nếu chương trình không có chất lượng sẽ không được chấp nhận đầu tư, điều này đòi hỏi các nhà hát phải rất năng động, tự chủ trong việc quyết định và dàn dựng chương trình đáp ứng yêu cầu đầu tư của Nhà nước. Việc đặt hàng đầu tư không “cào bằng” về kinh phí giúp cho các nhà hát có nguồn kinh phí dồi dào để xây dựng những tiết mục, chương trình quy mô và thật sự hấp dẫn. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước đặt hàng thì Liên đoàn Xiếc VN khó có thể có được những tiết mục tập thể lớn như Cầu bật, Đu bay hoặc chương trình như Sông trăng… Nếu không được Nhà nước đặt hàng thì nghệ sĩ sẽ chỉ đầu tư vào các tiết mục xiếc mang tính cá nhân nhỏ lẻ để dễ đi kiếm tiền, chạy show bên ngoài. (NSND TẠ DUY ÁNH, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN)

THÚY HIỀN


 

 

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top