Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Giá trị văn hóa hàm chứa sâu sắc trong Di chúc Bác Hồ

Thứ Hai 01/07/2019 | 09:00 GMT+7

VHO- Phân tích giá trị văn hóa của Di chúc Bác Hồ tại Hội thảo khoa học “50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 29.6, các nhà nghiên cứu khoa học khẳng định, Di chúc của Người là tài sản vô giá được xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam, vươn tới những mục tiêu vì con người, vì một thế giới nhân văn… 

Toàn cảnh Hội thảo

Đỉnh cao trong kho tàng văn hoá dân tộc 

Trong tham luận “Giá trị văn hóa của Di chúc Hồ Chí Minh”, Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định, không những là một văn kiện có giá trị lịch sử và có ý nghĩa thời đại sâu sắc, Di chúc Bác Hồ là tài sản vô giá được xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Giá trị văn hóa Việt Nam toát lên trong Di chúc Bác Hồ, đó là lòng yêu nước. Đây chính là nền tảng, là động lực của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trở thành hệ giá trị cốt lõi của cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây chính là một giá trị văn hóa của Di chúc, Bác muốn để lại cho thế hệ mai sau lời dặn dò về lòng yêu nước, hạt nhân cơ bản của văn hóa Việt Nam. Thực hiện lời dặn của Người, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ bao quát của sự nghiệp xây dựng văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa tiên tiến là một nền văn hóa yêu nước và tiến bộ…; bản sắc dân tộc của Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn… nên phải vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước, thi đua yêu nước. Trong Di chúc của Bác còn hàm chứa trọn vẹn chủ nghĩa nhân văn, một giá trị chuẩn mực của văn hóa Việt Nam. Tính nhân văn thể hiện trong Di chúc của Người là tình cảm thương yêu của Bác đối với tất cả các giới đồng bào, luôn đặt con người ở vị trí trước tiên, vị trí trung tâm. 

Cũng theo phân tích của Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Xuân Biên, một nội dung quan trọng về giá trị văn hóa của Di chúc Hồ Chí Minh là ở đó Bác Hồ đã căn dặn rất nhiều điều cơ bản về “xây dựng văn hóa trong chính trị”. Đặc biệt là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và các đoàn thể” mà gần đây, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã nhấn mạnh. Giá trị văn hóa của Di chúc còn ở chính tác phẩm như khẳng định của giáo sư Trần Thanh Đạm, “Đó là một tác phẩm văn chương đặc biệt trong văn học Việt Nam hiện đại (thế kỷ XX), một tác phẩm giản dị, trong sáng, sâu sắc, rộng lớn và vô cùng trọn vẹn, hoàn hảo. Trong lịch sử văn học dân tộc chưa từng có một tác phẩm như thế; và cũng hiếm có trong lịch sử văn học thế giới”. 

Thấm nhuần hơn lời dạy của Bác 

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM phân tích, yếu tố “văn hóa mới” cũng được thể hiện rõ trong bản Di chúc qua lời dặn dò “Về việc riêng” của Người. Đó là những lời dặn dò thấm đậm chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần nhân văn cao cả. Người quan tâm sâu sắc những vấn đề về xây dựng đời sống văn hóa mới như thực hành lối sống tiết kiệm, tránh lãng phí, chú trọng xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái… 
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Di chúc thể hiện phong cách Hồ Chí Minh tiếp thu nét truyền thống văn hóa của cả phương Đông và phương Tây. Hồ Chí Minh đã thấm nhuần những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, trên cơ sở đó xác lập những giá trị mới nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn, xác lập những giá trị mới nhằm mang đến nhiều lợi ích cho con người. Cùng quan điểm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM cho rằng, Di chúc Bác Hồ là tất cả sự trao gửi với biết bao ân tình sâu nặng, với những lời dặn dò và sự tin tưởng vô biên của Người trước lúc đi xa. Đã 50 năm trôi qua, bản Di chúc bất hủ vẫn thúc giục các thế hệ tiếp nối vươn tới những mục tiêu vì con người, vì một thế giới nhân văn, tươi đẹp hơn… 

Chủ trì hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thực hiện Di chúc của Người, TP.HCM đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị trí, vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội của thành phố đối với khu vực và cả nước tiếp tục được phát huy… Soi lại với những điều Bác Hồ hằng mong thì TP.HCM vẫn còn những hạn chế như kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí là đô thị đặc biệt của cả nước. Do đó, Đảng bộ TP.HCM phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, thấm nhuần hơn Di chúc của Bác Hồ kính yêu, để theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nội dung của Di chúc Bác Hồ, đặc biệt là giá trị văn hóa của Di chúc.

 HOÀNG HẢI 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top