Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tổ chức cuộc thi người đẹp trá hình bị xử lý thế nào?

Thứ Tư 10/07/2019 | 11:02 GMT+7

VHO-  Bà Bùi Thu (Hoàng Mai - Hà Nội) đề nghị quý Báo cho biết các tổ chức, cá nhân tự ý mở các cuộc thi nhan sắc, trao các danh hiệu người đẹp, nữ hoàng,... thì có vi phạm pháp luật không và bị xử lý thế nào?

 BTC trao vương miện "Nữ hoàng văn hóa tâm linh VN", nhưng cuộc thi này không được cấp phép

Về vấn đề bà Bùi Thu hỏi, Văn Hoá đã trao đổi với luật sư Lê Thu Hằng (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú). Theo luật sư Hằng, hiện nay, ngoài các cuộc thi sắc đẹp có uy tín trong và ngoài nước có xuất hiện ở địa phương các cuộc thi nhan sắc với nhiều tên gọi khác nhau và đặc biệt có những biểu hiện vi phạm pháp luật có liên quan như lĩnh vực quảng cáo, cấp phép biểu diễn nghệ thuật... có ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa Việt nam và mang tính chất thương mại, trục lợi của một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Theo quy định pháp luật hiện hành quy định đối với tổ chức, cá nhân phải đảm bảo các điều kiện nhất định mới được cấp phép tổ chức các cuộc thi liên quan đến tôn vinh nhan sắc phụ nữ như sau: “Hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện, thành phần theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP và Thông tư 1/2016, Tổ chức đề nghị cấp giấy phép chứng minh được năng lực, kinh nghiệm trong đề án tổ chức cuộc thi; Cuộc thi người đẹp, người mẫu phải phù hợp với quy định tại Điều 2 Nghị định số 79/2012/NĐ- CP”.

Nghị định 79/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016/NĐ-CP) đã quy định rất rõ ràng về số lượng các cuộc thi người đẹp tổ chức hằng năm ở trong nước. Theo đó, đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc, mỗi năm không tổ chức quá 2 lần; Cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể Trung ương, mỗi năm tổ chức không quá 3 lần; Cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, mỗi năm tổ chức không quá 1 lần... Các cuộc thi phải được cấp phép theo quy định. Cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép. Cuộc thi người đẹp có quy mô vùng, ngành, đoàn thể Trung ương do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp cho cuộc thi người đẹp trong phạm vi địa phương. Tổ chức đề nghị cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp phải gửi một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao.

Cũng theo tinh thần của Nghị định 79 có ghi rõ là “Khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, không phải ai muốn tổ chức thi người đẹp hoặc người mẫu đều có thể được cấp phép mà phải xem xét xem trong giấy phép kinh doanh, tổ chức đó có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hoá, nghệ thuật hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hoá, nghệ thuật hay không.

Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp/người mẫu cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu xem tổ chức đó có đủ năng lực tổ chức lĩnh vực đó hay không. Luật Doanh nghiệp hiện hành vẫn còn quá nhiều kẽ hở nên các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở đó mà lách luật. Có nhiều doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh đã đăng ký tới hàng chục chức năng kinh doanh khác nhau. Khe hở này sẽ tạo nên sự hỗn loạn về các cuộc thi sắc đẹp, loạn danh hiệu và làm khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra - giám sát. Dưới góc độ pháp lý, cần thiết phải xem xét việc tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn hoặc tổ chức cuộc thi người đẹp/người mẫu là một lĩnh vực đặc thù, là văn hóa chứ không thể đặt ngang hàng với kinh doanh dịch vụ với mục đích thương mại như hiện nay.Việc xem xét năng lực của đơn vị tổ chức phải có quy chế và quy trình rõ ràng. Và nếu có sai phạm cũng sẽ phải có hình thức xử lý cụ thể chứ không chung chung.

Hiện nay, với những cuộc thi người đẹp không được cấp phép theo kiểu “tự xưng danh hiệu”, đơn vị tổ chức có thể sẽ bị “phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng và phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam” (Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).

HOÀNG HƯƠNG (ghi)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top