Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Bệnh” đang phát triển quá mạnh

Thứ Sáu 12/07/2019 | 10:45 GMT+7

VHO- Rộ lên trong những ngày qua trên các diễn đàn, báo chí và mạng xã hội là sự xuất hiện ngang tàng và lố bịch của không ít danh hiệu tự phong kiểu... bá đạo: Nữ hoàng văn hóa tâm linh, Nữ hoàng ngành thép, Nữ hoàng thực phẩm... Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (ảnh), chuyên gia, cố vấn cao cấp chương trình Thương hiệu Quốc gia thở dài: “Ngộ thật! Loạn thật”. Theo chuyên gia này, việc xuất hiện quá nhiều các danh hiệu tự phong cho thấy bệnh hình thức, háo danh đang phát triển quá mạnh tại Việt Nam và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi đâu cũng gặp... nữ hoàng.

P.V: Là một chuyên gia về thương hiệu, ông có bình luận gì trước thực trạng “loạn” danh hiệu tự phong, tự xưng đang diễn ra rất phổ biến tại Việt Nam trong thời gian qua?

- PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh: Ngộ thật! Loạn thật!

Việc các danh hiệu tự phong cho thấy căn bệnh hình thức, háo danh đang phát triển quá mạnh tại Việt Nam. Cứ thế này thì đi đâu cũng gặp... nữ hoàng. Tôi cũng nghi ngờ rằng, đó là cách mà nhiều cá nhân, tổ chức nghĩ ra để kiếm tiền, bất chấp hậu quả của nó. Bởi các danh hiệu đó không chỉ “phong” cho vui, mà đằng sau nó rất có thể sẽ có một “cỗ máy” được vận hành để kiếm tiền cho một cá nhân hay tổ chức nào đó.

Danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” hay những “Ông hoàng...”, “Nữ hoàng...” nào đó được báo chí, dư luận đề cập trong những ngày qua cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện những danh xưng được bịa đặt một cách mơ hồ, khó hiểu. Trên thực tế, những danh hiệu kiểu này thường do các Hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tự phong.

Theo ông, từ đâu xuất hiện tình trạng các Hội, các tổ chức và kể cả các đơn vị kinh doanh có thể tùy tiện tổ chức những cuộc thi và tự phong vô số những danh hiệu bất bình thường như vậy?

- Theo những kinh nghiệm mà tôi biết và có được, để tổ chức được một cuộc “phong danh hiệu” như vậy, kinh phí sẽ tốn kém tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng. Trong khi các Hội nghề nghiệp hay các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, về thực chất thì kinh phí hoạt động dựa chủ yếu vào sự đóng góp của các hội viên và thường là không nhiều. Bởi vậy, hình như đang có điều gì đó “bất thường” ở chỗ này. Bất thường đó ít nhiều cũng có liên quan đến lợi ích kinh tế chăng?

 Nạn loạn danh, bệnh háo danh đang là vấn nạn gây nhức nhối xã hội

Nhân vụ “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam”, dư luận những ngày qua cũng đề cập khá nhiều đến những giả thiết về các trường hợp mua- bán danh hiệu, dẫn đến tình trạng “loạn” các danh hiệu như chúng ta đang thấy? Là chuyên gia trong lĩnh vực quản lý thương hiệu, ông suy nghĩ sao về câu chuyện này?

- Phải nói rằng người tiêu dùng Việt Nam đang bị “khai thác lòng tin” quá mức từ một số cá nhân kết hợp với một số hội, tổ chức… thông qua các cuộc “phong tặng”, “trao giải” như thế này.

Một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đang nhiễm nặng bệnh hình thức, cố tình kiếm cho mình một “giải thưởng” nào đấy để hy vọng chứng minh với người tiêu dùng về uy tín của sản phẩm, trong khi họ không có khả năng và cơ hội để phân biệt về độ tin cậy và uy tín của giải thưởng đó. Vì vậy, không ít doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền cho đơn vị tổ chức để được nhận “giải thưởng”.

Chưa bao giờ câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh được đề cập đến nhiều như giai đoạn hiện nay. Để tạo dựng và củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, doanh nghiệp cần hướng đến những hoạt động đích thực như hoàn thiện sản phẩm, gia tăng các tiếp xúc thương hiệu, tổ chức tốt quá trình cung ứng sản phẩm, ứng xử có văn hóa và có trách nhiệm với người tiêu dùng… Và nếu có tham gia các chương trình trao giải, vinh danh thì mỗi doanh nghiệp hay từng cá nhân cũng cần nghiên cứu kỹ càng về điều kiện cũng như uy tín của đơn vị trao giải, tránh để xảy ra tình trạng có quá nhiều danh hiệu được phong kiểu háo danh, bất bình thường và khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi lớn như trong những ngày qua.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

 

 Hà Nội đề nghị rà soát việc tổ chức chương trình tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu 2019

Hôm qua 11.7, Sở VHTT Hà Nội đã có văn bản gửi Sở VHTTDL Vĩnh Phúc về việc biểu diễn nghệ thuật trong chương trình tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu 2019.

Văn bản nêu rõ, ngày 1.7.2019, Sở VHTT Hà Nội đã tiếp nhận thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong chương trình "Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu 2019" tại Hà Nội theo nội dung Giấy phép số 551/GP SVHTTDL do Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cấp ngày 13.6.2019 cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh tổ chức. Tuy nhiên, quy trình triển khai thực hiện chương trình đã gây phản ứng và thông tin khác nhau trong dư luận như báo chí đã nêu.

Sở VHTT Hà Nội đề nghị Sở VHTTDL Vĩnh Phúc rà soát lại việc thẩm định hồ sơ, nội dung chương trình đảm bảo việc cấp Giấy phép tổ chức chương trình đúng các quy định pháp luật; tiến hành tổng duyệt chương trình trước khi biểu diễn, xử lý theo thẩm quyền nếu phát hiện sai phạm; phối hợp thông tin với Sở VHTT Hà Nội trước ngày 13.7.2019. Sở VHTT Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Sở VHTTDL Vĩnh Phúc, đảm bảo công tác quản lý tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang theo đúng quy định của pháp luật.

Sở VHTT Hà Nội cũng gửi văn bản tới Cung Hữu nghị đề nghị Ban giám đốc yêu cầu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh nếu có hoạt động khác ngoài chương trình biểu diễn nghệ thuật thì phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức chương trình này theo đúng quy định.

Liên quan đến việc này, trả lời báo chí, ông Ngô Duy Đông, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cho biết, Sở chỉ cấp phép chương trình biểu diễn gồm hai bài hát ở trong chương trình chứ không phê duyệt đề án tổ chức cả chương trình vinh danh như những ngày qua báo chí đã đưa. Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động cho hay, sau những dư luận vừa qua, Sở đã cho người giám sát chương trình này đúng như những gì mà Sở nhận được từ Vĩnh Phúc về văn bản đề nghị tiếp nhận biểu diễn. Vĩnh Phúc cấp phép hai bài hát thì Sở VHTT Hà Nội sẽ giám sát việc đó.

 


 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top