Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đưa nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy tại trường học: Sao lại không?

Thứ Sáu 12/07/2019 | 11:19 GMT+7

VHO- “Để nghệ thuật tuồng đi vào lòng giới trẻ thì cần một thời gian rất dài, bởi giữa khán giả và sân khấu tuồng đã bị ngắt quãng quá lâu, những người làm nghề chúng tôi đã và đang tiếp tục xác định “chiến dịch mưa dầm thấm lâu”, từng bước đưa văn hóa xem tuồng đến với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ” - NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ.

 Diễn trích đoạn tuồng "Trần Quốc Toản" tới khán giả học đường

 “Nếu được học chắc chắn cháu sẽ biết tuồng là gì!”

Trong một buổi nói chuyện về nghệ thuật Tuồng với các em học sinh ở xã Duy Xuyên, NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhớ lại, khi được hỏi, có biết nghệ thuật tuồng là gì không, không có ai giơ tay, có mỗi một cháu bé giơ tay và nói rằng cháu không biết, nhưng nếu được học thì chắc chắn cháu sẽ biết tuồng là gì! “Có thể nói chính vì câu trả lời thật thà đó mà những người làm nghề như chúng tôi quyết tâm hơn hết, sau này, mỗi khi nghĩ lại, kỷ niệm đó cứ thôi thúc trong tôi và là động lực để tôi tìm mọi cách mở rộng hoạt động của nghệ thuật Tuồng đến với công chúng, đặc biệt là các em học sinh”, ông Trần Ngọc Tuấn nói.

Nhận thấy giới trẻ ngày càng ít được tiếp cận và thiếu hiểu biết về các loại hình nghệ thuật truyền thống, mong muốn truyền giảng những giá trị của nghệ thuật tuồng tới thế hệ trẻ, từ năm 2011, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh bắt đầu từ việc tự tìm địa bàn các trường, tích cực xây dựng các chương trình, trích đoạn hấp dẫn về lịch sử, các anh hùng dân tộc để công diễn tại các trường học. Đến nay, mỗi năm nhà hát diễn khoảng 30 buổi tại các trường học, có năm diễn nhiều hơn tùy theo kinh phí. Nhà hát đã khéo léo chọn những trích đoạn tuồng lịch sử phù hợp với từng trường, vừa giúp các em hiểu về tuồng, vừa là cách để nhớ lịch sử của dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, như Trưng Vương, Lê Lợi, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo…, phản ứng của học sinh rất tích cực và thích thú.

Diễn viên Nguyễn Thị Bích Phượng (chuyên diễn vai anh hùng lịch sử thiếu niên Trần Quốc Toản) cho biết, khi đoàn đi diễn tại các trường học, các em thích lắm, lúc diễn thì ngồi xem chăm chú, lúc “Trần Quốc Toản” múa kiếm các em đều vỗ tay rất to để hưởng ứng. Khi các diễn viên kết thúc, nhiều em không kìm được chạy ào lên sân khấu, sờ áo, sờ kiếm và hỏi rất nhiều… Những lúc như thế những diễn viên như chị cảm thấy rất hạnh phúc vì biết ít nhiều các em sẽ ấn tượng với vai diễn, với vở diễn vừa xem, vui hơn vì ấn tượng đó phần nào sẽ giúp tuồng không bị quên lãng trong thế hệ trẻ.

“Có những trường học mà khi diễn viên nhà hát hỏi câu nào các em cũng trả lời được, chứng tỏ nhà trường đã rất quan tâm chuẩn bị cho chương trình, BGH các trường đều đánh giá đây là việc làm hữu ích và mong muốn được duy trì. Thậm chí khi các diễn viên đi biểu diễn ở vùng ven như Mân Thái, Sơn Trà, Thọ Quang thì khán giả trẻ chiếm khá đông”, ông Tuấn cho biết.

 Các trường học phối hợp với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giới thiệu về nghệ thuật tuồng tới các em học sinh

Cần lắm đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường

Những năm gần đây, không chỉ các trường THCS, THPT quan tâm đến việc đưa nghệ thuật tuồng vào trường học mà một số trường ĐH trên địa bàn TP Đà Nẵng như ĐH Duy Tân, ĐH Ngoại ngữ… cũng mời nhà hát đến nói chuyện về các chuyên đề sân khấu dân tộc, vai trò của sân khấu trong nghệ thuật dân gian. Tháng 6.2019, Sở KHCN Đà Nẵng cũng tổ chức chương trình cho thiếu nhi đến Nhà hát Tuồng xem múa rối, đồng thời đề nghị nhà hát diễn thêm các tiết mục tuồng để cho bố mẹ và các em nhỏ cùng xem.

Nhận thấy giá trị của việc lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống đối với thế hệ trẻ, vừa qua Trường Mầm non và Tiểu học Maple Bear Canada đã liên kết với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa học sinh đến nhà hát tìm hiểu về nghệ thuật tuồng. Anh Kiều Bảo Hiếu - quản lý khối học sinh cho biết: Nhiều học sinh và giáo viên nước ngoài rất mong muốn tìm hiểu về nghệ thuật tuồng Việt Nam, nên đây là một dịp giới thiệu văn hóa truyền thống đặc trưng của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Học sinh hiện nay không được tiếp xúc nhiều với tuồng, không hiểu nghệ thuật tuồng là gì, nên việc giới thiệu tuồng đến với các em là một cách làm rất tốt để bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Thường thì có hiểu mới yêu, nhưng lần đầu tiên được xem diễn tuồng, tuy không hiểu tường tận về các trích đoạn nhưng ông Rowan (giáo viên) rất hứng thú khi xem phần trích đoạn vở diễn Trần Quốc Toản: “Tôi thấy nghệ thuật tuồng rất đặc biệt, có lẽ các diễn viên đã phải chuẩn bị và tập luyện rất công phu về hóa trang, phục trang. Tôi nghĩ loại hình nghệ thuật này nên được giữ gìn và giới thiệu đến các nước khác”.

Nhận thấy những hiệu ứng tích cực từ xã hội đối với nghệ thuật tuồng, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND TP thành lập Đề án đưa nghệ thuật Tuồng và Bài chòi vào giới thiệu trong các trường học. Nhưng theo Giám đốc Nhà hát Tuồng Trần Ngọc Tuấn, khó khăn ở chỗ, trong Luật Giáo dục chưa có điều khoản nào đưa nghệ thuật truyền thống vào dạy chính khóa. Thành phố Đà Nẵng muốn làm riêng vẫn phải cần xem xét cân nhắc kỹ càng, bởi khi đã đưa nghệ thuật truyền thống vào trong chương trình giảng dạy thì đội ngũ giáo viên đứng lớp cần phải có quy chuẩn nhất định. Một số cán bộ Nhà hát Tuồng có đầy đủ kiến thức để giảng về nghệ thuật tuồng nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ sư phạm… thì vẫn coi như chưa đủ tiêu chí. Do vậy trong điều kiện hiện nay thì nghệ thuật tuồng truyền thống chỉ có thể đưa vào giờ học ngoại khóa chứ chưa thể đưa vào chương trình học. 

  Trên thực tế, rất nhiều trường phổ thông cũng như cao đẳng, đại học mong muốn không chỉ tuồng mà nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác cũng cần được đưa vào trường học, bồi đắp nghệ thuật, văn hóa dân tộc cho các em. Đây là một nhu cầu chính đáng, sao lại không?

NGỌC HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top