Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Vì sao môn Sử luôn giữ "quán quân" điểm thấp

Thứ Hai 15/07/2019 | 10:22 GMT+7

VHO-  Hôm qua 14.7, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019. Cũng như nhiều năm trước, năm nay môn Lịch sử lại giữ ngôi “quán quân” về điểm dưới trung bình, trong đó điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75.

Trước vấn đề này, cô Lê Thị Hồng, Tổ trưởng Tổ Bộ môn Sử - Địa – Giáo dục công dân, Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Thanh Hóa) cho biết: Với môn thi Lịch sử thì thường năm nào cũng thấp, chỉ đứng sau môn tiếng Anh. Là giáo viên dạy Lịch sử, tôi cũng rất buồn và trăn trở. Có thể thấy nhiều lý do. Thứ nhất nhóm học sinh lựa chọn môn thi Lịch sử, phần lớn chỉ để xét tốt nghiệp, có lực học trung bình và yếu. So với môn xã hội khác, Sử phải học, hiểu và cần đầu tư cả thời gian để nhớ nữa nên cũng khó hơn so với những môn có kiến thức thực tế, vận dụng cao như Giáo dục công dân, Địa lý.

Thứ hai, về đề thi: Đề thi có tính chất quyết định đến phổ điểm. Đề thi năm nay không quá khó nhưng nhìn chung đề thi Sử năm nào cũng khó hơn đề thi các môn khác. Một đề thi hợp lý là phải có mức độ phân hóa cao, trong đó phải có 20-25 câu nằm ở vùng kiến thức cơ bản, để học sinh có thể làm được. Câu hỏi phải tường minh, không nên đánh đố, phương án trả lời phải rõ ràng để học sinh bình thường sẽ nhận ra ngay còn những câu sau tăng độ khó để hạn chế điểm 10. Cái khó của đề Sử năm nay là ngay cả câu được cho là dễ thì cũng làm phương án trả lời có độ nhiễu cao khiến học sinh dễ nhầm.

Đối với học sinh nói chung, thì môn Sử lâu nay không phải là môn yêu thích. Nội dung thi cử môn Sử vẫn quá chi tiết cần nhớ máy móc khiến học sinh thấy nản, ngại học. Bên cạnh đó, số học sinh lựa chọn tổ hợp có môn Sử không nhiều nên không cần đầu tư học. Các em chỉ học chống liệt, để đủ điểm xét tốt nghiệp. So sánh với các môn khác như để thấy mức đầu tư cho học môn Sử thế nào: Nói đơn giản, môn Văn, Toán, Anh học sinh đầu tư học liên tục cả ở trường lẫn ở nhà nhưng Sử thì được mấy em đầu tư như thế. Còn với môn Giáo dục công dân, kiến thức chủ yếu thực tế về đời sống nên học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng, đề thi cũng nhẹ nhàng hơn nên học sinh đạt điểm cao nhiều.

Để cải thiện tình trạng điểm thấp của môn Sử, theo tôi trước mắt nên xem lại khâu ra đề thi, đề phải xây dựng sao cho phù hợp với khả năng thực tế của học sinh. Nhưng cái quan trọng hơn là học sinh phải có mục tiêu trong việc học Sử. Thực tế cho thấy, nếu các em lựa chọn Lịch sử là môn thi để xét tuyển đại học thì giáo viên vẫn đào tạo các em đều đạt từ điểm 7 trở lên. Về tình trạng dạy và học, học sinh cũng không hẳn không yêu thích môn Lịch sử mà là các em chưa đầu tư cho bộ môn nên nhiều khi giáo viên có say mê cũng không mang lại hiệu quả gì nhiều. Học sinh không chú ý học, thậm chí giờ Sử thì lôi môn khác ra ôn, cũng khiến giáo viên “nản”. Chính kiểu học thực dụng, học chỉ để thi, khiến học sinh chỉ đầu tư cho những môn cần thi đại học, đang khiến môn Sử ngày càng bị sao nhãng.

Theo tôi, nếu cứ nhìn vào phổ điểm thấp để quy trách nhiệm cho chất lượng dạy và học Lịch sử là hơi thiếu công bằng. Nó phải là sự thay đổi đồng bộ từ quan niệm của xã hội về vai trò của bộ môn, từ chương trình, từ mục tiêu kiểm tra đánh giá về kiến thức, kỹ năng, từ sự tâm huyết của giáo viên và sự quan tâm đầu tư của học sinh. Dạy Lịch sử phải chăng chính là truyền cho học sinh cái hồn của dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn... và biết tạo dựng cuộc sống tốt hơn. Đó mới thực sự là giá trị của bộ môn Lịch sử.

 Chúng ta có quyền lo lắng nhưng đừng hoang mang

So với các môn thi khác thì phổ điểm thi môn Sử là đáng lo lắng nhất nhưng chúng ta đừng quá hoang mang. Nếu so với phổ điểm thi môn Sử năm 2018 thì năm nay có khả quan hơn. Điều này cho thấy rằng, sau nhiều nỗ lực của toàn xã hội thì tình hình đã có sự chuyến biến đáng ghi nhận. Tôi cho rằng sự chuyển biến này có lý do từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy của một bộ phận giáo viên, cùng với cách ra đề theo hình thức thi trắc nghiệm với bộ đề khá khoa học đã phản ánh đúng năng lực thực sự của học sinh. Với cách ra đề này, việc giảng dạy trong nhà trường phổ thông ngày nay không còn cứng nhắc, quan niệm xem sách giáo khoa là pháp lệnh đã dần thay đổi, học sinh cũng không còn “sợ hãi” môn Lịch sử như trước đây, các em có sự quan tâm hơn…

Với cách ra đề vừa qua, nhiều giáo viên cho rằng học sinh phải hiểu bài và có khả năng phân tích, tư tuy thì mới đạt điểm cao, điều đó là một xu hướng tích cực trong việc dạy và học. Từ cơ sở khả quan này, tôi cho rằng trong thời gian tới ngành giáo dục cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phải làm sao “lái” môn học này theo xu hướng gần gũi hơn nữa với học sinh, không để Lịch sử trở thành môn học khiến cho học sinh kinh sợ nữa.

(PGS.TS HÀ MINH HỒNG)

Nhiều học sinh chọn môn Sử để thi vì nghĩ có thể đánh “lụi” được

Với thực tế việc dạy và học như hiện nay tôi nhận thấy đa phần HS chưa yêu thích môn Sử bởi nhiều lý do. Việc học sinh không yêu thích môn Sử nhưng vẫn chọn thi phần vì Sử nằm chung trong tổ hợp môn KHXH hội nên buộc phải chọn, nhiều em nghĩ rằng có thể “đánh lụi” được vì đề thi theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, với đề thi vừa qua thì đòi hỏi thí sinh phải biết phân tích, suy luận mới có thể làm được, chứ không chỉ đơn giản “đánh lụi” mà được điểm cao. Nếu như đối với môn Địa lý, học sinh còn trông cậy vào Atlat nhưng môn Lịch sử thì từ hoàn toàn sử dụng kiến trức, kết hợp với tư duy, phân tích đào sâu thì mới làm bài được. Chính vì thế, những HS chọn môn Sử để xét tuyển tổ hợp vào đại học thì có sự chủ động trong học tập ngay từ đầu, còn những thí sinh chỉ “hợp thức hóa” môn Sử để xét tốt nghiệp thì kết quả như vậy là khách quan, không thể đạt điểm cao hơn được.

(Cô NGUYỄN THỊ KIM QUYÊN, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Nguyễn Du,TP.HCM)

T.TRANG (ghi)

 


HOÀNG HƯƠNG (ghi)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top