Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đừng để du khách quay lưng vì rác thải

Thứ Hai 15/07/2019 | 10:42 GMT+7

VHO- Mặc dù được xác định là ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng việc phát triển với tốc độ cao của ngành Du lịch cũng đang tạo ra sức ép lớn đến môi trường, đặc biệt là tại các điểm du lịch trên cả nước.

 Tập kết rác ngay cửa hàng loạt khách sạn ở Sa Pa

Nếu không thực hiện ngay những giải pháp để hạn chế tối đa rác thải nhựa, giữ gìn cảnh quan môi trường, rất có thể khách du lịch sẽ quay lưng với các điểm đến của Việt Nam.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (đánh giá 2 năm 1 lần), vị trí của Du lịch Việt Nam đã có cải thiện, từ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch, trong thời gian tới Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa các chỉ số đang được đánh giá ở gần cuối bảng xếp hạng, như: Mức độ bền vững về môi trường (hạng 129); Các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115); Mức độ chất thải (hạng 128); Nạn phá rừng (hạng 103) và hạn chế về xử lý nước (hạng 107).

Người làm du lịch phải đi tiên phong

Nhận thấy việc rác thải nhựa là nguy cơ làm giảm sức hấp dẫn của điểm tham quan du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành chương trình hành động Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xả rác, làm ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc, góp phần vào việc bảo vệ môi trường ở các điểm du lịch tại Việt Nam. Theo chương trình này, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương phối hợp với chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn xây dựng quy chế bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa trong các cơ quan, doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Hiệp hội và các doanh nghiệp du lịch sẽ nỗ lực xây dựng các mô hình, điểm đến được công nhận bền vững về môi trường, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ quản lý du lịch theo hướng bền vững, thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch theo đúng quy định. Chất thải rắn, chất thải nhựa phải được thu gom và phân loại tại chỗ”.

Mở đầu cho Chương trình hành động này, trong 3 ngày (từ ngày 15-17.7), dưới hình thức du lịch bằng xe tự lái (caravan), Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La và các doanh nghiệp du lịch tổ chức phát động chương trình. Tại Trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ sẽ diễn ra hoạt động diễu hành, tuyên truyền du lịch bảo vệ môi trường. Tại Hòa Bình sẽ diễn ra tuyên truyền hạn chế rác thải nhựa, gắn áp phích ở các cơ sở kinh doanh du lịch. Tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La sẽ là phần phát động du lịch vì môi trường xanh, sạch và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi nylon... Doanh nghiệp du lịch, những người làm du lịch, hơn ai hết phải là những người đi đầu trong phong trào bảo vệ môi trường, phát triển đi đôi với bảo tồn để thu hút khách du lịch. Chúng ta phải tự cứu chúng ta trước”, ông Vũ Thế Bình nói.

Chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn

Theo các chuyên gia về môi trường, hiện nay, chất thải rắn phát sinh trong lĩnh vực du lịch chưa được thu gom và xử lý kịp thời theo quy định, nhất là rác thải. Phần lớn rác thải từ các khu, điểm du lịch vẫn được chuyển về bãi chôn lấp tập trung và hầu hết chưa có khu xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được thực hiện đồng bộ, hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên tại các điểm, khu du lịch. Nước thải từ các cơ sở du lịch phần lớn chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường, ngoại trừ các cơ sở lưu trú, nhà hàng cao cấp, các cơ sở dịch vụ du lịch còn lại, hoặc chỉ xử lý sơ bộ qua bể lắng, hoặc xả thẳng ra môi trường gây ra tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi mọc lên nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nhưng hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành chưa theo kịp nên nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ xây dựng mới vẫn thiếu hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường, khiến quá trình suy thoái môi trường diễn ra nhanh hơn.

Ở một số nơi, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch vì lợi ích trước mắt đã khai thác kiểu tận diệt các rặng san hô, hải sản, đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, kích điện… dẫn tới cạn kiệt nguồn lợi trên biển. Ý thức của người dân và khách nói chung cũng chưa cao, rác thải vứt bừa bãi, nhất là sau mỗi dịp lễ tết, tình trạng rác thải ngập các khu, điểm du lịch đã bị dư luận lên án nhiều lần nhưng chưa thay đổi. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn, giảm chất lượng các dịch vụ du lịch và khiến du khách có ấn tượng không tốt về hình ảnh du lịch Việt Nam.

Rất nhiều ý kiến được đưa ra nhằm cải thiện môi trường ở Việt Nam, trong đó có ý kiến cho rằng chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn: UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan lập quy hoạch, bố trí mặt bằng cho việc tập kết chất thải rắn sinh hoạt trong các khu du lịch, khu di tích lịch sử văn hóa và cơ sở lưu trú du lịch; điều tra, xác lập khu vực môi trường du lịch bị ô nhiễm trên địa bàn. Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, an ninh trật tự, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn mình phụ trách.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn. Người dân và du khách cũng cần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay từ bây giờ. 

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top