Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đến lúc giảm giờ làm cho người lao động

Thứ Tư 17/07/2019 | 10:02 GMT+7

VHO- Theo xu thế tiến bộ, xã hội cần giảm giờ làm, tăng thời gian hưởng thụ để người lao động có thời gian tái tạo sức lao động, vừa góp phần nâng cao năng suất làm việc, vừa tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

 Đã đến lúc giảm giờ làm cho người lao động

 Nhận định trên được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghịlấy ý kiến về dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ,TB&XH và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 16.7.

Góp ý về thời giờ làm việc, làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH DOMEX (TP.HCM) cho rằng, không nên sửa đổi theo hướng tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/ năm so với Luật Lao động hiện hành), đồng thời không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trong điều kiện làm việc bình thường. Theo ông Phê, xu thế tiến bộ của xã hội là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi và hưởng thụ cho người lao động. Đằng này, dự thảo luật đề xuất tăng giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu là không hợp lý. Vì tăng giờ thêm, người lao động khó có khả năng tái tạo sức lao động. Cứ sau mỗi giờ tăng ca, công nhân tranh thủ ăn uống đơn sơ cho qua bữa, ăn uống thiếu chất, không có thời gian nghỉ ngơi thì làm sao đủ sức khỏe để làm việc cho năng suất cao? Ông Phê đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, đã đến lúc thực hiện giảm giờ làm việc cho người lao động để họ có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình… được tốt hơn. Cụ thể, cần sửa đổi theo hướng giảm thời giờ làm việc bình thường xuống còn không quá 44 giờ trong một tuần, thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay. Theo ông Tùng, thời giờ làm việc cần hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, khả năng tái tạo sức lao động...

Về giờ làm thêm, nhiều ý kiến đề xuất nên nghiên cứu theo hướng có lợi cho người lao động, quy định về giờ làm thêm phải được sự đồng ý của người lao động. Từ thực tế ở công ty, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay, nhu cầu tăng ca phần lớn là từ chủ doanh nghiệp để chạy cho kịp thời gian theo đơn đặt hàng, chứ không phải là nhu cầu muốn tăng thêm thu nhập từ người lao động. Phần lớn người lao động mong muốn có thời gian được nghỉ ngơi để ngày hôm sau làm việc hiệu quả hơn, đồng thời có thời gian chăm sóc con trẻ học hành, chăm lo tốt hơn cho gia đình.

Đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM, ông Trần Văn Triều cho biết, phần lớn ý kiến được hỏi đều không đồng ý tăng thời gian làm thêm giờ và tăng tuổi nghỉ hưu. Ông Triều đề xuất nên tăng thời gian nghỉ phép năm hằng năm lên 14 ngày, thay vì 12 ngày như hiện nay. Đồng thời cho phép người lao động mỗi tháng được nghỉ một ngày hưởng lương để nghe tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật lao động, an ninh trật tự… Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần quy định chặt chẽ hơn và có chế tài mạnh đối với những doanh nghiệp không xây dựng thang bảng lương. Vì thực tế thời gian qua, số vụ tranh chấp lao động xảy ra chủ yếu xuất phát từ việc doanh nghiệp không chịu xây dựng thang bảng lương, thế nhưng chế tài xử lý thì chưa có.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đối với đề xuất tăng tuổi nghỉ, ngành chức năng liên quan đang lập danh mục ngành nghề cụ thể, đánh giá phân loại để quy định về tuổi nghỉ hưu hợp lý. Về khung thời gian làm thêm giờ cũng cần tập trung vào một số ngành nghề đặc thù, phải xuất phát từ nhu cầu giữa doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo năng suất làm việc cũng như sức khỏe của người lao động.

HOÀNG QUÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top