Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đề án sử dụng tài sản công tại TTBTDTCĐ Huế: Không tác động vào kết cấu di tích

Thứ Tư 17/07/2019 | 10:07 GMT+7

VHO- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) vào mục đích cho thuê.

Không gian văn hóa ở Cung Trường Sanh sẽ trở thành nơi giới thiệu ẩm thực món Huế

Sẽ là một không gian văn hóa

Trong các đề án mà TTBTDTCĐ Huế xây dựng về việc sử dụng đất công vào mục đích cho thuê trình lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đều khẳng định: Không cho phép xây dựng công trình mới; không làm tác động đến kết cấu công trình di tích; không làm ảnh hưởng đến cảnh quan tổng thể, môi trường sinh thái của điểm di tích… Theo văn bản phê duyệt số 304/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thì điểm di tích Đông Khuyết Đài (nằm phía Đông của khu vực Hoàng cung Huế) sẽ được cho thuê một phần khuôn viên với diện tích 610 m2 (trong tổng số 1.783 m2); trong đó, diện tích sân vườn cho thuê là 414 m2 và diện tích các điện là 196 m2. Mục đích của việc cho thuê này nhằm xây dựng không gian văn hóa, trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản của Huế và Việt Nam đến du khách.

Theo TTBTDTCĐ Huế, không gian ở Đông Khuyết Đài ngoài trưng bày và giới thiệu sản phẩm từ các làng nghề truyền thống trong nước, thì sẽ tổ chức các sự kiện theo chủ đề, như: show diễn Văn hóa trà Việt; show diễn Dệt nên triều đại; trình diễn nghệ thuật nghề thủ công của các làng nghề nổi tiếng trong nước; show diễn nghệ thuật… Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết hay sự kiện lớn trong năm, không gian văn hóa ở Đông Khuyết Đài cũng sẽ tổ chức các hoạt động để người dân và du khách tham gia trải nghiệm, qua đó quảng bá, giới thiệu các phong tục văn hóa của người Việt.

Đông Khuyết Đài là một trong bốn Khuyết đài được vua Gia Long cho xây dựng ở bốn mặt của Hoàng thành. Năm 2013, điểm di tích này được trùng tu tổng thể, nhưng vẫn chưa được nhiều du khách biết đến. Theo khảo sát, trung bình mỗi năm có khoảng 1,4 triệu lượt khách tham quan ở khu vực Đại Nội Huế, trong đó khách quốc tế ước đạt 850.000 lượt. Do đó, việc xây dựng không gian văn hóa và khai thác dịch vụ ở Đông Khuyết Đài kỳ vọng sẽ có 7-10% lượt khách sử dụng.

Đưa ẩm thực vào Cung Trường Sanh

Cùng với việc phát triển dịch vụ ở Đông Khuyết Đài thì khu vực Cung Trường Sanh cũng sẽ được khai thác dịch vụ ẩm thực Huế. Sau khi được tôn tạo, tu bổ (từ 2005-2007), Cung Trường Sanh đã trở thành điểm dừng chân tham quan của các đoàn khách khi vào khu vực Hoàng cung Huế. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tháng 10.2015 TTBTDTCĐ Huế cũng đã xây dựng một Không gian văn hóa để trưng bày về đời sống cung đình Huế và giới thiệu một số dịch vụ văn hóa đến du khách. Tuy nhiên, việc khai thác dịch vụ ở đây chưa đạt hiệu quả.

Đề án “Sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê hoạt động dịch vụ ẩm thực món Huế tại Cung Trường Sanh” hướng đến việc không chỉ làm phong phú các hình thức dịch vụ du lịch ở khu Hoàng thành mà còn quảng bá tinh hoa ẩm thực của Cố đô đến bạn bè khắp năm châu. Chương trình ẩm thực kèm thưởng thức nghệ thuật cung đình tại Cung Trường Sanh cũng kỳ vọng sẽ đón từ 2% - 7% lượt khách đến Đại Nội sử dụng dịch vụ.

Ông Hoàng Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế (thuộc TTBTDTCĐ Huế) cho biết: Ẩm thực món Huế tại Cung Trường Sanh hướng đến dòng khách trung và cao cấp. Mọi hoạt động của đơn vị khai thác dịch vụ luôn được giám sát để đảm bảo thực hiện đúng những yêu cầu về bảo vệ cảnh quan môi trường khu di tích, cũng như không tác động đến hệ thống công trình kiến trúc của di tích.

Từ năm 2012, các hoạt động dịch vụ du lịch tại khu di sản Huế được TTBTDTCĐ Huế đẩy mạnh theo lộ trình của đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020. Theo đó, có 11 khu vực và cụm di tích đã được quy hoạch để tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, với mục tiêu: Phát triển tổng thể hoạt động dịch vụ di sản Cố đô Huế nhằm khai thác tối đa, hiệu quả những lợi thế của văn hóa vùng đất Cố đô, nhưng phải phù hợp với công ước quốc tế về bảo tồn di sản và tuân thủ pháp luật. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top