Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tranh giả, tranh thật: Không chỉ là vấn nạn của mỹ thuật Việt

Thứ Tư 24/07/2019 | 11:11 GMT+7

VHO- Tọa đàm khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và quản lý sưu tập bảo tàng” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore phối hợp tổ chức trong hai ngày 22 - 23.7 tại Hà Nội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề nóng trong hoạt động sưu tầm, quản lý các sưu tập giá trị của những bảo tàng nghệ thuật uy tín hàng đầu hai quốc gia.

Bức sơn mài “Bình minh trên nông trang” của Nguyễn Đức Nùng từng được cho mượn và trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore

 Chia sẻ câu chuyện thực tế về sưu tầm và giám định tác phẩm mỹ thuật Việt, các chuyên gia Singapore thừa nhận, những thông tin về các mảng sáng - tối trong thị trường mỹ thuật Việt đã khiến họ không thể thiếu thận trọng khi sưu tầm. Tuy nhiên, tranh thật - tranh giả không chỉ là vấn nạn riêng của nền mỹ thuật Việt.

Kinh nghiệm hút khách

Tọa đàm khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và quản lý sưu tập bảo tàng” quy tụ các chuyên gia hàng đầu của Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác 5 năm (2014-2019) về các lĩnh vực chuyên môn bảo tàng học đã ký kết giữa hai bên. Các lĩnh vực hợp tác khá phong phú, từ cho mượn hiện vật, tổ chức trưng bày, nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên môn.

“Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore sở hữu đội ngũ chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bảo tàng và mỹ thuật của khu vực và thế giới. Chúng tôi hy vọng với kiến thức và kinh nghiệm thực tế, chuyên gia Singapore sẽ chia sẻ với đồng nghiệp Việt Nam về một số vấn đề nóng như số hóa tài liệu lưu trữ, lập kế hoạch trưng bày, vai trò của giám tuyển, bảo quản hiện vật”, ông Nguyễn Anh Minh nói.

Năm 2015, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore mượn tác phẩm sơn mài “Bình minh trên nông trang” của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng trong thời hạn 1 năm để trưng bày dịp khánh thành Bảo tàng. Ông Nguyễn Anh Minh cho biết, sự kiện đó góp phần tạo sự thành công của không gian trưng bày của bảo tàng bạn, đồng thời cũng góp phần giới thiệu, quảng bá mỹ thuật Việt Nam với công chúng Singapore và du khách quốc tế. Đồng thời, sự kiện này cũng là dịp để Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hành và đúc rút kinh nghiệm trong công tác cho mượn hiện vật theo chuẩn mực quốc tế; mở ra xu hướng hợp tác quốc tế giữa các bảo tàng trong khu vực và trên thế giới.

Hoạt động trao đổi khoa học lần này vừa để đôi bên tiếp tục trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, chuẩn bị cho việc ký kết biên bản hợp tác giai đoạn mới; cũng là dịp để các bảo tàng trong nước, đặc biệt là loại hình bảo tàng mỹ thuật được tiếp cận với một mô hình bảo tàng nghệ thuật tiên tiến, hiện đại như Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore.

Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore mới khánh thành trong thời gian ngắn 4 năm nhưng đã trở thành địa chỉ hàng đầu thế giới bởi uy tín, thương hiệu, giá trị và sự chuyên nghiệp. Đặc biệt, Bảo tàng sở hữu đội ngũ chuyên gia uy tín về lĩnh vực bảo tàng học và mỹ thuật của khu vực và thế giới. Họ đều là những chuyên gia sừng sỏ trong nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và quản lý sưu tập.

Giám tuyển cao cấp Lisa Horikawa đến từ Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore chia sẻ kinh nghiệm hút khách của Bảo tàng, mặc dù mới mở cửa bốn năm nhưng đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ thu hút trong hệ thống các địa chỉ Bảo tàng nghệ thuật của khu vực. “Bảo tàng còn rất mới và trẻ, tuy nhiên lịch sử sưu tập của chúng tôi có từ đầu những năm 1960. Bảo tàng sở hữu khoảng 8 nghìn tác phẩm nghệ thuật, tập trung giới thiệu về lịch sử nghệ thuật Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam, lịch sử mỹ thuật Singapore chủ yếu giai đoạn thế kỷ 19, 20...”, giám tuyển Lisa Horikawa cho biết.

Một trong những bí quyết để Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore nhanh chóng có được thành công về sức hút đối với du khách là việc Bảo tàng này đặc biệt quan tâm tới phần nghiên cứu, chú trọng bù đắp sự thiếu hụt và lấp đầy những khoảng trống của các bộ sưu tập. Nhờ vậy, dù đi vào hoạt động chính thức hơn 4 năm nhưng Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore đã đón một lượng khách đáng mơ ước. Năm 2018, Bảo tàng đón khoảng 2 triệu khách đến tham gia các hoạt động khác nhau, trong đó tính riêng khách đến xem trưng bày và tác phẩm đạt khoảng 1,2 triệu lượt. “Khách tới bảo tàng khá đa dạng, có khách lẻ, khách tour và đặc biệt rất đông học sinh, sinh viên. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục, chương trình tham quan bảo tàng là một trong những nội dung của nhà trường nên hằng năm bảo tàng đón rất đông học sinh, sinh viên đến học tập...”, chuyên gia Singapore chia sẻ.

 Tọa đàm khoa học

Thận trọng tranh giả - tranh thật

“Thực tế, Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore sử dụng ngân sách của Chính phủ và từ tiền thuế của dân, nên chúng tôi rất cẩn trọng trong quá trình hoạt động cũng như chiến lược sưu tầm. Thay vì mục đích sưu tầm chỉ để sưu tầm hoặc sưu tầm cho mục đích trưng bày, Bảo tàng quan tâm đến lí do vì sao phải sưu tầm, sự đóng góp ra sao của các sưu tập đối với nghiên cứu và giáo dục...”, bà Lisa Horikawa cho biết.

Lấy ví dụ về sự khuyết thiếu trong bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Xã hội chủ nghĩa khi Bảo tàng chuẩn bị mở cửa, khi đó không có tác phẩm sơn mài nào, vì thế Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho Bảo tàng Singapore mượn bức “Bình minh trên nông trang” của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng trưng bày trong suốt cả năm. Nhờ vậy, bộ sưu tập đã hoàn chỉnh và trở thành hoạt động giúp Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore giới thiệu tới công chúng đầy đủ nhất về lịch sử mỹ thuật Đông Nam Á.

Chia sẻ về sự hiện diện của mỹ thuật Việt Nam trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore, Giám tuyển Lisa Horikawa cho biết: “Bảo tàng đang sở hữu một số tác phẩm hội họa của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, một số tác phẩm của các giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương như Victor Tardieu, một số tác phẩm mỹ thuật Việt Nam thời kháng chiến...”

Trả lời câu hỏi làm thế nào để giám định tranh thật-giả với những tác phẩm mỹ thuật thời Đông Dương, hay những tác giả nổi tiếng khác của Việt Nam trong khi đội ngũ giám tuyển của Bảo tàng Singapore đều còn trẻ, giám tuyển Lisa Horikawa thẳng thắn, tính xác thực của tác phẩm mỹ thuật, hay nói cách khác là vấn nạn tranh thật-tranh giả không chỉ tồn tại riêng ở thị trường mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nỗi lo ngại chung ở cả khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, để đảm bảo sưu tầm được những tác phẩm “xịn”, buộc mỗi giám tuyển phải đề cao sự thận trọng. “Trước khi quyết định sưu tầm tác phẩm nào đó, chúng tôi nghiên cứu thật kỹ lưỡng, chặt chẽ sau đó kiểm tra thực trạng từng tác phẩm. Khi thẩm định tranh, có chuyên gia phục chế đi cùng. Họ kiểm tra từ mặt trước, mặt sau, mọi góc độ, cũng như phân tích chất liệu để xác thực. Các chuyên gia cũng tính tới việc xem xét toàn bộ lịch sử từ sự ra đời của tác phẩm, quá trình dịch chuyển sau đó mới quyết định mua tác phẩm xứng đáng.

Nhờ vậy, mặc dù ngoài thị trường ồn ã những câu chuyện về tranh giả, tranh nhái nhưng thật may mắn, bằng nhãn quan nghề nghiệp và sự thận trọng cao độ, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore chưa từng gặp phải trường hợp nào gây tranh cãi. Tất cả nhờ vào quy trình nhiều bước, chặt chẽ để đảm bảo tác phẩm mua là thật và xứng đáng. Hy vọng trong tương lai, khoa học phát triển, công nghệ giám định tốt hơn, các kết quả nghiên cứu và thẩm định tác phẩm được chia sẻ công khai sẽ hỗ trợ cho những người làm bảo tàng, sưu tầm mỹ thuật...”, theo giám tuyển cao cấp Lisa Horikawa. 

 Trả lời câu hỏi làm thế nào để giám định tranh thật-giả với những tác phẩm mỹ thuật thời Đông Dương, hay những tác giả nổi tiếng khác của Việt Nam trong khi đội ngũ giám tuyển của Bảo tàng Singapore đều còn trẻ, giám tuyển Lisa Horikawa thẳng thắn, tính xác thực của tác phẩm mỹ thuật, hay nói cách khác là vấn nạn tranh thật- tranh giả không chỉ tồn tại riêng ở thị trường mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nỗi lo ngại chung ở cả khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, để đảm bảo sưu tầm được những tác phẩm “xịn”, buộc mỗi giám tuyển phải đề cao sự thận trọng.

 

 BẢO NGÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top