Làm gì để “nói không” với sản phẩm nhựa dùng một lần?

VHO- Theo Sở TN&MT Hà Nội, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh từ 5.500 đến 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 8-10% là rác thải nhựa.

Làm gì để “nói không” với sản phẩm nhựa dùng một lần? - Anh 1

Nhiều siêu thị đã sử dụng lá chuối để gói rau xanh

Ở Hà Nội, bất cứ chỗ nào trên đường phố, chợ, nhà hàng, siêu thị… đều bắt gặp hình ảnh túi nilon. Mặc dù biết tác hại của túi nilon nói riêng cũng như đồ nhựa dùng một lần nói chung nhưng chị Phạm Hồng Hạnh (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chưa có cách nào để làm giảm việc sử dụng nó. Tan giờ làm, ghé qua chợ, mua mớ rau là một túi nilon, mua miếng thịt là một túi nilon, mua mớ hành là một túi nilon, thậm chí mua vài quả ớt cũng thêm một túi nilon. Người bán hàng vô tư đưa túi, người mua hàng thì cũng cầm ngay vì không có túi nào khác đựng.

“Ở nhà đi chợ thì có thể xách làn theo, nhưng đi làm thì không thể cầm theo làn vì quá bất tiện. Tính ra, mỗi ngày gia đình sử dụng khoảng gần chục túi nilon các loại sau đó lại cho vào một chiếc túi nilon khác kèm rác để đưa ra xe chở rác”, chị Hạnh nói. Cùng với túi nilon sử dụng đựng đồ, nhiều sản phẩm tiêu dùng vẫn đang sử dụng nhựa dùng một lần như nước uống đóng chai, mì gói, bánh kẹo và rất nhiều hàng tiêu dùng khác... đều được bao gói bằng ni lông, nhựa… Đây cũng là nguồn rác thải nhựa ra môi trường. Do đó, bên cạnh nâng cao ý thức người dân thì các nhà sản xuất cần nghiên cứu, thay đổi, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng các cơ sở sản xuất túi ni lông, bao bì nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần và định hướng các đơn vị này sản xuất các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; đồng thời đề xuất thay thế công nghệ sản xuất bao bì lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại tái chế phế liệu nhựa; xây dựng lộ trình vận động doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường... Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực về công nghệ và thị trường cho các đơn vị sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; đưa danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm túi, bao gói thân thiện với môi trường vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa…

Vừa qua, hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã ký cam kết phòng, chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông, sản phẩm nhựa cam kết xây dựng lộ trình chuyển đổi sản xuất sản phẩm có khả năng tự phân hủy và đề xuất giải pháp thực hiện; các đơn vị phân phối tiêu dùng có giải pháp tiến tới thay thế 100% các sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường... Mục tiêu của cam kết này là đến 31.12.2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Để người dân thay đổi thói quen trong việc này, những sản phẩm thay thế túi nilon đang là vấn đề cấp thiết. Ở đâu đó, việc sử dụng ống hút tre, ống hút sậy, túi tự phân hủy hay sử dụng làn đi chợ… cũng chỉ mới manh nha, nhỏ lẻ chứ chưa trở thành đại trà. Bên cạnh đó, những sản phẩm thay thế túi nilon hiện vẫn có giá thành cao, chưa phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Chính vì vậy, điều cốt yếu trong việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng, bên cạnh việc tuyên truyền, các chế tài xử phạt thì cần có ngay các sản phẩm thay thế với giá thành hợp lý để mọi người dân có thể sử dụng hằng ngày. 

 HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc