Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Làng cổ Lộc Yên đón nhận Bằng di tích quốc gia

Thứ Bảy 07/09/2019 | 09:09 GMT+7

VHO-Lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia Làng cổ Lộc Yên ( xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) diễn ra trong không khí ấm cúng, thân tình và tràn ngập cảm xúc của những người dân Lộc Yên khi ngôi làng của mình chính thức được công nhận là một trong những ngôi làng cổ của Việt Nam. 

Tối ngày 6.9, UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Đây là làng cổ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong bốn làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Vinh dự ấy chính là sự ghi nhận giá trị, xứng đáng đối với nỗ lực và cũng đi đôi với trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị độc đáo của ngôi làng cổ này.

Vùng đất Lộc Yên  có quá trình hình thành gắn với công cuộc khai hoang lập làng vào thế kỷ 15 - 16. Đến thời Tây Sơn (1771-1802), làng Lộc Yên mới chính thức được khai sinh với tên gọi ban đầu là Lộc An thôn, do ông Nguyễn Công Tuyết người làng Tân Phước (Tam Kỳ) khai phá.

loc-yen-duong

Đường vào làng cổ Lộc Yên

Làng cổ Lộc Yên nổi tiếng với các ngôi nhà cổ, ngõ đá, bờ chè tàu và những vườn cây trái xanh mát. Nơi đây hiện còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 80- 150 năm tuổi  với kiểu thức kết cấu là nhà lá mái và nhà rường, kiến trúc độc đáo, tinh xảo.
Về cơ bản, nhà cổ nơi đây vẫn mang dáng dấp của nhà Việt truyền thống, nét độc đáo riêng biệt chính là bộ khung nhà phần lớn được làm bằng gỗ mít, loại gỗ sẵn có ở địa phương. Các hoa văn chạm trổ điêu luyện trên các cấu kiện gỗ  được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng mộc Văn Hà (nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh). 
Ở Lộc Yên vẫn còn lưu truyền giai thoại về ngôi nhà cổ hai lần Tổng thống Ngô Đình Diệm dạm ý hỏi mua nhưng không thành. 
Ngôi nhà này hiện đã ngót nghét gần 200 năm tuổi. Chủ nhân hiện nay của ngôi nhà là ông Nguyễn Đình Hoan. Theo ông Hoan,  căn nhà được cụ cố của ông là Bá hộ Nguyễn Đình Hoằng, dựng nên vào thời điểm đang giữ chức Cửu phẩm bá hộ. 

loc-yen-nha
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Hoan đã 2 lần được TT Ngô Đình Diệm ngỏ lời hỏi mua nhưng không thành

 Căn nhà được làm từ gỗ mít, ròng rã 3 năm trời, nhóm thợ làng mộc Vân Hà nổi tiếng của xứ Quảng Nam đã thi công, thiết kế tinh tế đến từng nét hoa văn, chạm trổ. 
Từ thời ông nội ông Hoan còn sống, đã hai lần chính quyền Ngô Đình Diệm đã cử người đến hỏi mua căn nhà này nhưng chủ nhà không đồng ý. Trong số gần 10 ngôi nhà cổ ở Lộc Yên thì ngôi nhà này được công nhận di tích kiến trúc cấp tỉnh vì giá trị về nhiều phương diện và cần được bảo tồn chặt chẽ.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, nhận xét : Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định ngôi nhà cổ nằm trong khuôn viên vườn hơn 4ha này có giá trị kiến trúc “độc nhất vô nhị” vì  kiểu thức nhà rường Quảng Nam 3 gian 2 chái đầu hồi, kết cấu nhà “tam đoạn” (kẻ chuyền) được làm từ hàng trăm mét khối lõi gỗ mít ròng. Kết cấu nhà gồm 36 cây cột chính, trong đó 8 cây cột nhất nguyên cây gỗ mít ròng, chu vi cột bằng một vòng tay người ôm. Ngoài ra có 16 cây cột nhì, 12 cây cột chái và vì kèo, xuyên, trính, đầu hồi... 

Ấn tượng nhất là ở không gian kiến trúc với các họa tiết, hoa văn ở các đầu vì kèo, xuyên, trính, mặt trám đầu hồi... được chạm trổ công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ Vân Hà, các đầu kèo, đuôi kèo được chạm khắc hình con Giao và lá Cúc cách điệu. Phần bụng kèo là hình chim trĩ, tùng lộc, nho - sóc, cổ đồ, hoa lan, mai, quả điệp... chạm lộng dây hoa cúc cách điệu, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Hai phía đầu hồi gần nóc nhà chạm trổ hình cuốn thư, gian giữa chạm khắc hình bát quái để trừ tà, cùng với đó là bộ ấp quả với hình quả bí cầu mong cuộc sống đủ đầy, an bình.

loc-yen-hoa-van
Hoa văn chạm trổ công phu, tỉ mỉ ở ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi

Một nét riêng độc đáo ở Lộc Yên chính là các ngõ đá, bờ đá, giếng đá cổ. Xưa người dân xếp đá thành bờ kè, ngõ đá để giữ bờ đất khỏi bị mưa lũ làm xói mòn, rửa trôi đất đai, hoặc phân chia ranh giới những khu vườn nối liền với nhau. 
Trước đây còn có nhiều ngôi nhà dân gian được trát vách bằng đất sét, đất bùn trộn rơm theo phương pháp truyền thống của người Việt xưa, nhưng những bức vách được trát rất phẳng như tường vôi. 
Điểm độc đáo ở những hang rào, ngõ đá này chính là nghệ thuật xếp đá làm nên những bức vách phẳng phiu, không cần đến vôi vữa, xi măng nhưng vẫn liên kết chắc chắn, làm tường đá bảo vệ ngôi nhà.
Những tảng đá được xếp gài xen kẻ, tạo sự liên kết bằng góc cạnh và trọng lực, do vậy khá vững chắc. Thời gian làm cỏ hoa, cây lá sinh sôi ở những khe hở của đá, vươn ra, bám sâu vào đất đá càng  vào những ngôi nhà cổ, đường làng, đồng ruộng thật nên thơ. 

loc-yen-ngo-da
Ngõ đá là một nét độc đáo riêng biệt của ngôi làng cổ Lộc Yên

Ông Phùng Văn Huy-Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết,  năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho huyện Tiên Phước thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025". Làng cổ Lộc Yên được chọn là  vùng lõi để làm điểm triển khai đề án này để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện. Huyện Tiên Phước đã đưa Làng cổ Lộc Yên vào danh sách những địa chỉ đặc biệt cần được bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo. Thời gian qua, địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư giúp người dân chống xuống cấp ở các ngôi nhà cổ, tu bổ và cải tạo không gian làng cổ. Đồng thời hỗ trợ thêm người dân về nghiệp vụ, kiến thức để bắt đầu với mô hình  du lịch sinh thái cộng đồng, gìn giữ và phát huy giá trị của làng cổ này. 

loc-yen-ve

Một hội thi mỹ thuật thiếu nhi được tổ chức ở Tiên Phước

Từ ngày 5 – 7.9, huyện Tiên Phước tổ chức Hội làng Lộc Yên năm 2019 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như Lễ tế tiền hiền - hậu hiền, Diễn xướng trò chơi dân gian Bài chòi; Trưng bày tranh về vùng quê Tiên Phước; Trưng bày các hiện vật văn hóa dân gian, sản phẩm nông - lâm sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây, trái của Tiên Phước. Ngoài ra, Hội làng cổ Lộc Yên còn có các hoạt động thi các môn thể thao, trò chơi dân gian, văn nghệ và du khách được thưởng thức ẩm thực, trái cây bản địa làng cổ Lộc Yên…

KHÁNH CHI

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top