Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Góp ý dự thảo Luật Thư viện : Băn khoăn nội dung bản quyền và sở hữu trí tuệ

Thứ Hai 16/09/2019 | 09:19 GMT+7

VHO- Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thư viện do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần đảm bảo sự hợp lí xuyên suốt, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các điều, khoản. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung bàn bạc vấn đề liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Đại diện các thư viện mong muốn Luật sớm được ban hành để quá trình thực hiện không bị lúng túng như thời gian qua.  Trong ảnh: Học sinh tham quan và đọc sách tại Thư viện tỉnh Kiên Giang

 

Hội thảo góp ý lần này có sự tham dự của các chuyên gia ngành thông tin - thư viện, hệ thống thư viện của các cơ quan, đơn vị, thư viện trường học, thư viện quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, đi vào cụ thể, các đại biểu đề nghị cần làm rõ các khái niệm, thuật ngữ chuyên ngành; yêu cầu cần kết cấu lại một số chương, điều, khoản cho phù hợp hơn; bổ sung, chỉnh lý các tên chương, điều, khoản; làm rõ việc phân loại thư viện.

Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, ông Vũ Ngọc Nam cho rằng dự thảo Luật dùng những khái niệm chưa sát với bản chất thư viện, cách quy định còn nhiều bất cập, không rõ ràng. “Cụ thể tại Điều 13 là Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, ghi như vậy mặc nhiên người đọc sẽ hiểu là có loại thư viện tư nhân không phục vụ cộng đồng. Tương tự, Điều 14 là Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam, điều này phải chăng có loại hình thư viện không phục vụ người Việt Nam?. Trong khi bản chất của thư viện là đều nhằm phục vụ cộng đồng”, ông Nam đề nghị cần điều chỉnh lại từ ngữ cho phù hợp, tránh gây hiểu nhầm.

Tại Khoản đ Điều 15 về Điều kiện thành lập thư viện có nêu “Thư viện được thành lập khi phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và các quy hoạch khác có liên quan”, đại diện các thư viện cho rằng quy định này rất vô lý, bởi khi thư viện đã đủ các điều kiện thành lập và hoạt động mà còn phải đợi cho phù hợp với các quy hoạch khác thì biết đến bao giờ… Trong khi việc thư viện hoạt động càng sớm thì càng phục vụ cho người học, vì mục đích cộng đồng, không phải là đơn vị kinh doanh nên không cần thiết phải bị quy định bởi quy hoạch chung này.

Theo Giám đốc Thư viện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Lê Quỳnh Chi, trong phần chức năng, nhiệm vụ của thư viện ở Điều 3 của chương 1, dự thảo Luật nên ghi đầy đủ những chức năng cơ bản nhất của thư viện, đó là “Văn hóa, giáo dục, thông tin, thư viện”. Bà Chi lý giải, từ chức năng văn hóa nên “thư viện có nhiệm vụ thu thập, xử lý, tổ chức, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng” và các nhiệm vụ khác như dự thảo đã nêu. Đặc biệt, chức năng thông tin và khoa học sẽ buộc thư viện phải đi vào cuộc sống một cách thực sự, chứ không phải chỉ làm công tác tuyên truyền, giáo dục như hiện nay.

Bà Lê Quỳnh Chi nói thêm, “Để Luật có thể đi ngay vào cuộc sống, không phải chờ 1-2 năm khi Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật ban hành, tôi đề nghị các điều trong chương 3 về Hoạt động thư viện, nên có nội dung ghi rõ trách nhiệm chia sẻ tài nguyên thông tin trong nước và nước ngoài, dữ liệu số cho những loại thư viện nào. Ví dụ, trong hệ thống thư viện đại học, thì thư viện nào có trách nhiệm điều hành các hoạt động chia sẻ tài nguyên thông tin, liên thông thư viện, chia sẻ dữ liệu số,… Những thư viện có trách nhiệm này sẽ được ưu tiên đầu tư nhưng trong dự thảo Luật chỉ ghi chung chung tại Khoản 4 Điều 4 “Chính phủ quy định chi tiết về các thư viện được đầu tư trọng điểm tại điểm b Khoản 1 Điều này”… Theo tôi nên có quy định cụ thể ngay trong Luật này”, bà Chi đề xuất.

Đáng chú ý, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Thư viện cần lưu ý những nội dung liên quan đến bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ. “Khi quy định ở luật này, cần có sự đồng bộ với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các luật liên quan, để khi thư viện liên thông với nhau về mặt tài nguyên thông tin, đảm bảo không vi phạm, nhưng đồng thời các đơn vị có thể mạnh dạn sử dụng nguồn tài nguyên hiện có của mình để liên thông, chia sẻ thông tin với nhau, đảm bảo quyền lợi người đọc…”, đại diện thư viện một trường đại học cho hay. Theo bà Huỳnh Thị Hạnh Thuần, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, vấn đề liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin, liên kết dữ liệu,… hiện nay chưa có quy định về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, do đó hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong các tài nguyên hiện có, có những tài liệu cần giải quyết về vấn đề sở hữu trí tuệ, về bản quyền, nhưng hiện nay các đơn vị đang gặp khó khăn trong việc đăng ký bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ do các quy định về thủ tục chưa rõ hoặc khó thực hiện. Do vậy, các thư viện có nguồn tài liệu nhưng chỉ được sử dụng trong một giới hạn và không được cung cấp rộng rãi, điều này gây thiệt thòi cho người sử dụng vì không được tiếp cận với nguồn tài liệu có giá trị.

Tại hội thảo, các đơn vị nói rằng mong muốn Luật Thư viện sớm được thông qua để quá trình thực hiện không bị lúng túng và bất cập như trong thời gian qua. 

TÙNG THƯ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top