Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Việc lớn mà không có lãnh đạo tỉnh dự thì sẽ quyết thế nào?

Thứ Sáu 20/12/2019 | 11:46 GMT+7

VHO- Đây là băn khoăn của rất nhiều chuyên gia du lịch tại Tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc năm 2019”, trong đó liên quan đến quy hoạch du lịch Tam Đảo nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung.

 Tam Đảo ngày càng bức bối

Những ý kiến góp ý cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng được đưa ra tại tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc năm 2019” do Sở VHTTDL Vĩnh Phúc phối hợp với TCDL tổ chức.

Nếu không giữ được nét riêng thì...?

Dù đã có rất nhiều đổi thay, rõ nét nhất là việc nâng cấp cải tạo đoạn đường từ thành phố Vĩnh Yên lên Tam Đảo (khoảng 25 km) nhưng nhìn chung, quy hoạch ở Tam Đảo vẫn rất vụn nát, xây dựng ngổn ngang, kiến trúc lổn nhổn.

Tam Đảo là linh hồn, đồng thời là thương hiệu để nhận diện du lịch Vĩnh Phúc. Thị trấn này có độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Nghiên cứu của người Pháp cho thấy: “Khoảnh đất hình vành chảo này hưởng một dạng khí hậu đặc biệt dễ chịu cả vào mùa đông lẫn mùa hè. Không khí ở đây rất trong lành, độ ẩm khí quyển không khó chịu như ở vùng châu thổ. Người ta không hề cảm thấy nặng nề trên đôi vai, cũng không có mồ hôi đầm đìa trên cơ thể. Nhờ vào vị trí thuận lợi của các chỏm núi bao quanh mà phần lớn thời gian trong ngày, Tam Đảo rất mát mẻ vào mùa hè - thời điểm mà khu vực châu thổ phải chịu cái nóng hừng hực nhất. Từ tháng 5 đến tháng 9, khoảng cách về nhiệt độ giữa vùng đồng bằng và Tam Đảo không dưới 9 độ C, đôi khi lên tới 13 độ C. Sự khác biệt này càng lớn khi nhiệt kế ở vùng châu thổ cao hơn”.

Đầu thế kỷ XX, Tam Đảo đã được các quan chức người Âu chọn để xây dựng khu nghỉ dưỡng cuối tuần. Ðến năm 1940, Tam Ðảo đã hình thành một đô thị trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy, trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau. Biệt thự nào cũng sân vườn rộng rãi, nằm dưới những tán cây tuyệt đẹp, hài hòa với thiên nhiên. Đáng tiếc là đến nay, chỉ còn rất ít công trình tồn tại từ thời Pháp, phần lớn đã mất dấu. Trên đồi cao, nhiều biệt thự thế kỷ trước chỉ còn là nền móng, giờ đang trồng su su.

Đã có lúc, người ta quên rằng ở miền Bắc, ngoài Sa Pa còn có một khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp, cũng mù sương, cũng thời tiết bốn mùa ẩn hiện trong ngày, cũng đường dốc quanh co và biệt thự Pháp cổ dưới rừng thông, nhiệt độ trung bình 18-25 độ C thích hợp để trồng các loài hoa… Đến Tam Đảo mấy năm trước còn là cái chợ nhếch nhác giữa thị trấn, nhà thờ đá hoang vu, khách sạn tốt nhất lúc ấy chắc có Belvedere Tam Dao Resort 4 sao nằm ở Khu 2, trên trung tâm thị trấn, còn lại là nhà ống ồ ạt mọc lên, “băm nát” Tam Đảo.

Mấy năm trở lại đây, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng cơ bản, hạ tầng du lịch đã khiến cho Tam Đảo có nhiều thay đổi. Đầu tiên là việc giao thông thuận lợi, đường sá mở rộng nên việc di chuyển từ Hà Nội lên Tam Đảo trước đây khoảng 4 tiếng nay chỉ còn gần 2 tiếng. Việc quy hoạch không gian cảnh quan kiến trúc dần hình thành các vùng không gian chức năng, vùng công trình có tầng cao phù hợp với địa hình, cảnh quan toàn khu, đồng bộ về hạ tầng và phù hợp với văn hóa địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch và doanh nghiệp lữ hành cho rằng: Cần phải thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt, kiểm soát tốt hơn việc xây dựng các công trình ở thị trấn này nếu không việc phá vỡ cảnh quan và ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng. Khi đó, Tam Đảo sẽ không còn là Tam Đảo nữa.

Việc dễ nhất là tạo các tiểu cảnh, trồng nhiều cây xanh, các loài hoa đặc trưng, cây lá vàng lá đỏ… để khách du lịch có chỗ check in, quảng bá rộng rãi cho điểm đến này thì Tam Đảo vẫn chưa làm được. Bên cạnh một khách sạn rất đẹp như Venus Tam Đảo, tiêu chuẩn 4 sao là một con đường đang làm dở, bụi mù mịt, ở gần vườn hoa sạch sẽ lại có đống rác thải to, đoạn đường đi dạo quanh nhà thờ đá nước từ công trình đang xây dựng chảy ra thành vũng, khách đi dạo nhảy qua như “làm xiếc”… Việc xây dựng diễn ra rải rác ở khắp thị trấn khiến cho điểm du lịch nghỉ dưỡng đáng nhẽ rất lý tưởng thành ra rất bức bối, ngổn ngang như một công trường. Đêm đến, tiếng karaoke, “hát cho nhau nghe” không giới hạn khiến cả thị trấn lúc nào cũng như đang trong đêm nhạc ngoài trời với đủ thứ nhạc trộn vào nhau, phá hỏng những cảm xúc riêng tư, lãng mạn của du khách, làm khổ chính người dân thị trấn vì ô nhiễm tiếng ồn.

Có lẽ vì thế mà khi được góp ý về việc này, ông Dương Quang Ứng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cho biết: “Chúng tôi đã nhận ra việc này. Hiện nay việc chỉnh trang đô thị, hình thành các trục giao thông chính quanh khu trung tâm với vườn hoa, đường dạo cùng các công trình nhỏ tạo nét đặc trưng cho thị trấn Tam Đảo đang được triển khai. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý rác thải, hệ thống thông tin liên lạc một cách đồng bộ, hiện đại,…”. Ông Dương Quang Ứng cũng đề nghị lãnh đạo huyện Tam Đảo chấn chỉnh ngay tình trạng trên để tạo ra không gian, môi trường trong lành nhất có thể mới thu hút được khách du lịch.

Kiên quyết xử lý các “dự án treo”

Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 27 dự án du lịch và 9 quy hoạch được điều chỉnh về lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung nguồn vốn ngân sách để nâng cấp, phát triển hạ tầng du lịch. Với những nhà đầu tư chiến lược, tỉnh có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Tỉnh rất quyết tâm trong việc phát triển du lịch và kiên quyết xử lý các “dự án treo”… Trước đây đã có tình trạng nôn nóng trong phát triển nên đã cấp phép ồ ạt, nhà đầu tư không có tiềm lực, nhiều dự án treo, phá vỡ cảnh quan. Với những công trình nhỏ lẻ, tỉnh cũng có xử lý kịp thời. Ngay tại Tam Đảo có gần chục hộ hiện đang xây dựng không phép. Huyện Tam Đảo đã bị tỉnh phê bình.

“Sở dĩ thời gian qua công tác quảng bá, xúc tiến của Tam Đảo nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung còn nhiều hạn chế do chưa dám quảng bá vì sản phẩm chưa tốt, xây dựng còn dang dở nhiều nơi. Đưa lên không cẩn thận sẽ phản tác dụng. Trồng xong hoa, hoàn thiện các dịch vụ bổ trợ ở các điểm đến của tỉnh; chỉnh trang lại đô thị chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến”, ông Dương Quang Ứng nói.

Góp ý về việc thu hút các nhà đầu tư, ông Hoàng Đình Anh, Giám đốc Đình Anh Travel nêu ý kiến: “Vĩnh Phúc cần rà soát lại xem thực sự đã dành bao nhiêu đất cho phát triển du lịch, rừng có bị tàn phá không và rào cản nào đang có với nhà đầu tư để tìm giải pháp cho phù hợp và phát triển bền vững. Sẽ rất khó để tìm được nhà đầu tư ra tấm ra món nếu không có “mặt bằng sạch”, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; môi trường đầu tư không thuận lợi, minh bạch”.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, ông Nguyễn Xuân Nhâm, Tổng thư ký HHDL Vĩnh Phúc cho biết: “Những ý kiến xác đáng này sẽ là cơ sở để HHDL Vĩnh Phúc kiến nghị với tỉnh, góp phần xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc thời gian tới. Đây là những ý kiến chuyên sâu, “bắt đúng bệnh, đúng thuốc” rất tốt cho địa phương. Tuy nhiên, cần có nhiều người nghe nữa như lãnh đạo thị trấn Tam Đảo, Tây Thiên, công an, giao thông… để thực hiện ngay các dịch vụ phụ trợ, không gian cảnh quan, đâu là đường hoa, đâu là khu vui chơi giải trí, đâu là ẩm thực truyền thống… chứ không chỉ “ăn truyền thống, sống tiềm năng” mãi được. Thậm chí đáng ra phải có sự góp mặt của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, những người có tiếng nói quyết định chứ lãnh đạo ngành VHTTDL, huyện Tam Đảo ở đây cũng không giải quyết được”.

Lang thang trên những con đường nhỏ xinh, dốc quanh co uốn lượn, mây mù cứ sà xuống rồi lại tan đi trong chớp mắt, ngẫm ra rằng, có những sự thực phũ phàng, có lẽ phải chấp nhận. Nhưng thôi, nếu không làm Tam Đảo đẹp hơn thì đừng làm xấu đi thêm. Thế là đã có tâm với Tam Đảo rồi. 

 THUÝ HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top