Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Hãy bình tĩnh, không nên vơ vét, tích trữ hàng tiêu dùng

Thứ Bảy 07/03/2020 | 09:22 GMT+7

VHO- Đêm 6.3, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh đã họp khẩn với Hà Nội về việc thêm bệnh nhân thứ 17 tại Hà Nội. Ngay  khi thông tin về bệnh nhân N.T.H.N nhiễm Covid-19 sau khi trở về từ Italia (quá cảnh qua Pháp) được lan truyền trên mạng, nhiều người dân đã lao ra các siêu thị, cửa hàng tiện ích từ đêm, và cho đến sáng nay, nhiều khu chợ, hàng tiêu dùng thiết yếu đã bị vét sạch.

Hàng tiêu dùng bị vét sạch

Sáng sơm tinh mơ 7.3, nhiều cửa hàng trong khu chợ Quang (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) vừa mở cửa, người dân đứng đợi từ trước đã ào vào tranh nhau mua hàng. Cả tấn gạo trong mấy cửa hàng liền kề đã nhanh chóng bị vét sạch, người bán hàng quay như chong chóng, còn người mua vừa chen lấn, vừa cãi nhau. Đến tầm 8h sáng, nhiều cửa hàng đã phải “tiếp tế” thêm nguồn hàng, trong khi người mua vẫn nối nhau đứng đợi.

Người phụ nữ  với chiếc xe chất đầy nhu yếu phẩm

Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ một quầy thịt lợn ngỡ ngàng vì thịt lợn mang ra chợ, chưa kịp xẻ miếng đã có cả chục người đứng chờ. Có người “xí” ngay cả tảng ba chỉ 5kg, loại thịt mà ngày thường, có hôm đến trưa mới bán được một vài cân. Thịt, xương, bèo nhèo, bạc nhạc, hết veo trong vòng hơn tiếng đồng hồ. Có người còn đặt tiền trước để lấy thêm hàng. Thấy nhu cầu mua quá cao nên chị bốc máy gọi về lò mổ, đề nghị thịt tiếp để bán. “Sáng nay, em mang thịt ra chợ, đã thấy đông người chờ, vừa lôi thịt ra, vừa cắt bán luôn”, chị Thanh chia sẻ.

Quầy thịt gần như hết sạch sau chưa đầy một tiếng

Cùng là hàng thiết yếu, chị Lập cũng hết ngay mấy trăm trứng gà và vịt trong chưa đầy một tiếng đồng hồ. Từ Thanh Oai mang hàng lên chợ Quang để bán, ngày thường, chị chỉ bán được 1-200 quả, có hôm ế tới hơn nửa, lại mang về, nhưng hôm nay, người mua tranh nhau, có người còn suýt ngã vào đống trứng.

Giấy vệ sinh cũng bị vét sạch

Chật vật với chiếc xe chở đầy nhu yếu phẩm, chị Nga ở Thôn Tràng cho biết, đêm qua nghe dân mạng xôn xao, Hà Nội sẽ bị cách ly nên sáng nay tinh mơ chị đã phải ra chợ trực để mua đồ. Gạo, thịt, trứng, mì tôm, giấy vệ sinh, chị mua hết. “Ông chồng tôi đã chở về một xe đầy rồi, còn tôi chở thêm xe này về nữa là yên tâm”, chị Nga cho biết.

 Không nên hoang mang

Sở dĩ có việc người dân đổ xô đi mua hàng thiết yếu là do tâm lý hoang mang, sợ bị cách ly. Trên mạng xã hội, nhiều nhóm, hội truyền cho nhau rất nhiều thông tin gây hiệu ứng tâm lý không tốt. Nhiều nhóm còn hò nhau đi mua đồ tích trữ phòng dịch. “Mọi người ơi, Hà Nội toang rồi, tốt hơn hết là tự lo cho mình, đi mua thật nhiều đồ vào để còn đủ dùng trong những ngày bị cấm cửa nhé các mẹ”, một thanh viên trong một nhóm kêu gọi.

Chen chúc mua đồ có thể dễ lây bệnh

Tuy nhiên, cũng có không ít thành viên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng bình tĩnh. Một cư dân mạng ngay trong đêm đã post lời khuyên cộng đồng “Xin mọi người hãy nghĩ thấu đáo. Ngày mai, hãy bình tĩnh và ở nhà, order hàng online (nếu thực sự cần), ra chợ gần nhà mua đồ đủ dùng thôi. XIN ĐỪNG TÍCH TRỮ! HẠN CHẾ TỚI NƠI ĐÔNG NGƯỜI, RỬA TAY RỬA TAY VÀ RỬA TAY! Đừng vơ vét khiến siêu thị và chợ trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và lây lan bệnh cho nhau... nhanh nhất. Nếu tất cả bình tĩnh, ở nhà, chỉ mua đồ ở chợ gần nhà và mua đủ dùng, thì tất cả sẽ có đủ đồ, không ai bị thiếu, gọi online cũng được và không dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát ạ. Những nhà bị cách ly sẽ được hỗ trợ. Vì thế, xin đừng cố tìm cách thoát cách ly ạ!. Không phải tự dưng mà ở TQ số ca tăng chóng mặt trong thời gian đầu, một phần bởi vì tâm lý tích trữ đổ xô ra siêu thị, chạy trốn khắp nơi khỏi cách ly, và tạo môi trường lây lan nhanh nhất. Mãi về sau khi tất cả ở yên trong nhà, mọi thứ mới bắt đầu chậm dần, nhưng cũng đã là quá muộn, đã có nhiều người phải ra đi...".

Đúng vậy. Đừng hoang mang và đừng tích trữ đồ ăn trong nhà quá nhiều, hãy sinh hoạt bình thường và phòng dịch đúng cách, đó chính là cách để góp phần dập dịch một cách hiệu quả.

HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top