Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Gameshow, quảng cáo phản cảm: Khán giả la ó, "nhà đài" thản nhiên

Thứ Hai 16/03/2020 | 10:31 GMT+7

VHO- Gameshow Kèo này ai thắng tập 7 vừa phát sóng trên VTV3 đã khiến nhiều khán giả phải “đỏ mặt” vì có hình ảnh dung tục khi cho cô gái ngậm củ cải trắng để ảo thuật gia ném dao vào củ cải.

 Hình ảnh phản cảm trong “Kèo này ai thắng”

 

 Đây không phải là “sự cố” lần đầu, duy nhất mà trên nhà đài này còn đang phát sóng một sản phẩm quảng cáo bị nhiều người phản ứng vì có quá nhiều lý do... Trước đó, có không ít chương trình bị coi là phản cảm, vô duyên cứ nhan nhản xuất hiện trên sóng truyền hình.

Kèo này ai thua?

Kèo này ai thắng phát sóng vào 20h30 thứ Năm hằng tuần, được coi là khung giờ vàng của VTV. Chương trình cũng không có cảnh báo giới hạn độ tuổi vì thế dĩ nhiên là có rất nhiều trẻ em cũng đã được xem. Theo luật chơi, các nghệ sĩ khách mời tham gia đặt cược một số tiền nhất định cho mỗi màn thực hiện của những tài năng như ném dao, xiếc, võ thuật... Tại tiết mục ảo thuật, người nữ sẽ phải tiếp xúc bằng miệng với một củ cải trong khi ảo thuật gia phi dao vào củ cải đó.

Tiết mục sẽ chẳng có gì quá phàn nàn nếu ảo thuật gia ném dao vào một tấm bia hay mục tiêu khác. Nhưng vì hình ảnh cô gái ngậm củ cải và có tay đỡ bị xem là phản cảm. Tư thế cầm củ cải và vị trí khuôn mặt của người nữ này tạo liên tưởng một hành vi mà ai cũng có thể nghĩ ra. Sau khi xem chương trình, nhiều khán giả đã lên tiếng chỉ trích nhà sản xuất khi cho xuất hiện những hình ảnh như thế này trên sóng quốc gia. Điều đáng nói, đây không phải là sự cố duy nhất của VTV. Hiện tại trong vài tháng qua, nhà đài này liên tục phát một video quảng cáo về nước tăng lực “Hổ vằn” lấy bối cảnh là ngôi nhà của một cặp vợ chồng trẻ trong trang phục đồng bào dân tộc.

Quảng cáo nước tăng lực có nội dung phản cảm hiện đang phát sóng

Chương trình quảng cáo này bị khán giả bức xúc, chỉ trích là phản cảm và thiếu tôn trọng… Đến nỗi, một giảng viên đại học ở Hà Nội “chịu không thấu” đã phải gọi điện thoại, gửi thư tới VTV để yêu cầu ngừng phát sóng clip quảng cáo mà ông cho là không thể chấp nhận được này. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, ngoài sự “lố bịch”, thì sản phẩm quảng cáo này cho thấy nhà sản xuất cũng như phía biên tập đã không có sự nhạy cảm cần thiết… trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, gameshow Trí khôn ta đây phát sóng trên HTV đã thật sự gây sốc khi đặt cho khách mời nữ câu hỏi: “Cái gì nằm giữa hai chân người đàn ông?”. Khi đọc xong câu hỏi, nữ MC này còn cười ngại ngần và khuyên người chơi nên suy nghĩ gần gũi, đơn giản. Đáp án chương trình đưa ra là... hai mắt cá chân. Nhiều khán giả chỉ trích câu hỏi phản cảm, lời giải thích thì vô duyên. Tại chương trình Nhanh như chớp nhí, nữ diễn viên Trang Hý nhận được câu hỏi từ MC: “Ba của Trang Hý có một viên bi...”. Ngay từ chi tiết này đã khiến nữ diễn viên cùng MC phải cười ngượng ngùng. Trang Hý cho rằng biên tập của chương trình “quá kỳ”... Những điều không đẹp mắt, chẳng vừa tai như thế vẫn xuất hiện nhan nhản trên truyền hình. Ngôn từ khi được phát ra cùng giọng điệu, biểu cảm cố tình của người nói, cộng thêm trí tưởng tượng của người nghe rất dễ khiến ý nghĩa thực sự của chúng được hiểu khác đi, nhưng tất cả đều hướng tới sự tục tĩu, vô duyên không khác đi được. Không khó để thấy, đây là cách mà các nhà đài tạo scandal để gây sự chú ý, nhằm thu hút người xem nhưng dường như đang có tác dụng ngược, ngày càng khiến cho khán giả mệt mỏi, bức xúc?

Cần nhanh chóng điều chỉnh

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa truyền thông, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) bày tỏ quan điểm về vấn đề này một cách thẳng thắn. Theo bà, những chương trình như vừa nói đã đi quá đà về thẩm mỹ, nghĩa là nó phi thẩm mỹ, phi văn hóa. “Vừa rồi tôi có xem tập 7 chương trình Kèo này ai thắng thì thấy đúng là… quá kinh. Hầu như bạn bè tôi lên facebook hay trên các diễn đàn bình luận đều phản đối, ai cũng đặt câu hỏi tại sao một đài truyền hình quốc gia lại có những chương trình như vậy?”, PGS.TS Minh Thái bức xúc.

Chương trình truyền hình đặt câu hỏi vô duyên

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, truyền hình là một phương tiện truyền thông rất căn bản trong số các loại hình thông tin đại chúng (bên cạnh báo viết, báo nói và báo mạng). Với chức năng của mình, báo hình đưa những thông tin về văn hóa - nghệ thuật… lên các chương trình phát sóng để phục vụ khán giả. “Đó là chuyện dĩ nhiên, nhưng vừa rồi có ý kiến của đông đảo người xem và sau này cũng là ý kiến của tôi, là một số chương trình giải trí, văn hóa - nghệ thuật đã quá đà về thẩm mỹ, tức là nó phi thẩm mỹ, phi văn hóa. Do vậy rất nên phải được điều chỉnh, phải được loại ra khỏi chương trình của đài truyền hình quốc gia, không thể chấp nhận có những chương trình phi thẩm mỹ và phi văn hóa như vậy, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay”, PGS. TS Minh Thái nói. Bà cũng nhấn mạnh, những chương trình như vậy không những không giúp ích cho người xem thấy thoải mái về mặt tinh thần, để người ta cảm thấy đỡ căng thẳng, có thể bình tĩnh ứng xử với đại dịch, mà ngược lại nó khiến người xem bị phản cảm, tự hỏi không hiểu vì sao lại có một chương trình vô duyên, thiếu văn hóa đến như thế. Nó giống như trong một đám tang, tự nhiên có một người cười rú lên, không đúng lúc một chút nào. Chính vì vậy chương trình này nên nhanh chóng dừng lại.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết thêm, ngay cả chương trình quảng cáo nước tăng lực Hổ vằn có sử dụng hình ảnh đồng bào dân tộc mà VTV đang phát mỗi ngày, như thế là đang chế giễu. Người Việt Nam ta có câu rất hay, “chửi cha không bằng pha tiếng”, do vậy nội dung của quảng cáo ấy là rất phản cảm, không thể chấp nhận được. “Theo tôi biết là quảng cáo này đã bị nhiều người phản đối và khó chịu nhưng cho đến tối 14.3 tôi vẫn thấy phát sóng. Tại sao những người duyệt chương trình không thấy những điều này? Khi khán giả đã có ý kiến thì phải lắng nghe, biên tập lại hoặc thậm chí là ngưng phát sóng. Tôi đề nghị nhà đài phải hết sức lưu ý và rút kinh nghiệm về ứng xử. Tránh trường hợp sai lầm như đã xảy ra cách đây không lâu trong một chương trình truyền hình về đồng bào Tây Nguyên, cũng của VTV thực hiện, khi nhà đài này đã dùng chiếc khăn Piêu của người Thái để làm trang phục (khố) cho diễn viên, gây phẫn nộ trong đồng bào Thái...

Một khi đã cho ra những chương trình không phù hợp thẩm mỹ, không phù hợp văn hóa thưởng thức thì phải điều chỉnh ngay, chứ không thể nào lạnh lùng vô cảm để mặc các chương trình ấy phát sóng như thế”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bức xúc. 

 

 Khó kiểm soát nội dung

“Chúng ta đang sống trong một xã hội mà nhu cầu giải trí của người dân đôi lúc định hướng sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Các chương trình giải trí xuất hiện nhiều, cạnh tranh với nhau về tỷ suất người xem để tăng lợi nhuận, dẫn đến việc khó kiểm soát nội dung và chất lượng các chương trình giải trí này.

Để kiểm soát nội dung, cần nâng cao nhận thức của các biên tập viên, những người thực hiện các chương trình gameshow về văn hóa; thực hiện tốt bộ quy tắc nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí; đề cao hơn nữa trách nhiệm của các biên tập viên, phụ trách các chương trình giải trí cũng như có thể phân loại các chương trình giải trí theo lứa tuổi tiếp nhận. Từ những giải pháp đó, khán giả mới có thể hy vọng sẽ được xem những chương trình giải trí hấp dẫn, chất lượng, nội dung tốt trong thời gian sắp tới”.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam)

 THÙY TRANG - ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top