Ai mua thuốc cảm, ho, sốt,7000 cửa hàng thuốc ở Hà Nội phải yêu cầu khai báo y tế lập tức

VHO- Hà Nội vừa trải qua 14 ngày tương đối “sóng gió” kể từ khi phát hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai. Từ ca đầu tiên phát hiện ngày 6.3, đến nay đã 1 tháng 6 ngày, và Hà Nội vẫn là một địa bàn nóng bỏng và có số ca nhiễm và số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất.

Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, đã phát hiện được 12 trường hợp mắc Covid – 19 tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Trong thời gian qua TP đã xét nghiệm toàn bộ những người trong thôn Hạ Lôi, xấp xỉ 11.000 mẫu và xét nghiệm được 6.140 mẫu, phát hiện 3 trường hợp dương tính ở các xóm khác nhau trong thôn.

Ai mua thuốc cảm, ho, sốt,7000 cửa hàng thuốc ở Hà Nội phải yêu cầu khai báo y tế  lập tức - Anh 1

Người mua thuốc có dấu hiệu ho, sốt phải khai báo y tế bắt buộc (ảnh minh họa)

Ông Cảm cho hay, qua thực tế và phân tích dịch tễ học các ca bệnh của Hà Nội, có 68% bệnh nhân không có triệu trứng bệnh hoặc chỉ rất nhẹ, nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng sẽ bỏ sót 68% bệnh nhân (tương đương 2/3 ca bệnh). “Đây được xem là tính chất phức tạp của dịch bệnh mới, dù không có biểu hiện nhưng vẫn có khả năng lây lan. Do đó, việc xét nghiệm là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cũng qua phân tích nhanh, nữ giới mắc Covid-19 chiếm 67% trong khi nam giới chiếm 23%”, ông Cảm đánh giá.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, tất cả các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, số, ho không rõ nguyên nhân đều phải được coi là nghi ngờ về bệnh Covid-19, chứ không chỉ nhăm nhăm có yếu tố dịch tễ mới giám sát. “Chúng ta phải chuyển hướng và làm rộng rãi hơn”, ông Dương nhấn mạnh.

Một trong những thói quen của người Việt là đau đầu, ho, sốt là tự chạy ra hiệu thuốc để “khám” và hiệu thuốc cũng “vô tư” bán thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Điều này đã được cảnh báo từ lâu về hậu quả của kháng thuốc, nhưng trong giai đoạn hiện nay đang trở thành nguy cơ trong phòng chống bệnh Covid-19 và hệ thống y tế không giám sát được những đối tượng trên.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo ngành y tế phải thông tin đến tất cả hiệu thuốc trên địa bàn, có bất cứ cá nhân nào mua thuốc cảm, ho, sốt thì phải yêu cầu khai báo y tế ngay lập tức, đồng thời báo cho y tế phường, xã để lấy mẫu xét nghiệm. “Nếu hiệu thuốc nào để sót các trường hợp trên, không báo cáo, thì sau này phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bởi đây là một nhiệm vụ tham gia công tác phòng, chống dịch, những trường hợp để lọt có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn. Sở Y tế đã có kết nối hệ thống dữ liệu với 7.000 cửa hàng thuốc trên địa bàn TP cần thông báo cho họ”, ông Chung yêu cầu.

Về diễn biến dịch bệnh Covid -19 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP cũng cảnh báo nguy cơ từ nhóm người thu nhập cao và cán bộ, công chức khi có tình trạng tự đi mua thuốc hay thấy mình không có biểu hiện thì không chú ý... và yêu cầu các đơn vị cần khuyến khích các trường hợp trên đi xét nghiệm để ngăn chặn.

Trước đó, ngày 10.4, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn về việc tăng cường phòng chống lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng. Tại Công văn này, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc nếu thấy người đến mua thuốc có các triệu chứng ho, sốt, khó thở… thì phải hướng dẫn họ khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, báo cáo cho cơ quan y tế trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch Covid-19 để tiến hành theo dõi, giám sát.

Ngoài ra, hiệu thuốc chỉ được bán thuốc kê đơn khi người bệnh có đơn thuốc theo quy định. Trường hợp bán thuốc không kê đơn, nhân viên bán thuốc cần thực hiện đầy đủ các bước của Quy trình bán thuốc, thông tin, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc không kê đơn, khai thác rõ các thông tin tiền sử bệnh của người bệnh.

X.QUANG

Ý kiến bạn đọc