Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phải đưa đồng đội về bằng mọi giá

Thứ Hai 27/04/2020 | 11:03 GMT+7

VHO- Suốt 20 năm qua, ông Nguyễn Đức Phổ (thương binh hạng 4/4 ở xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) miệt mài rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm kiếm hài cốt đồng đội và đưa họ về với quê cha đất tổ.

 Ông Nguyễn Đức Phổ ngồi xem lại những kỷ vật năm xưa

Hai viên đạn vẫn nằm trong cơ thể, những ngày trái gió trở trời, vết thương lại tấy lên đau nhức, nhưng ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Phổ lấy đó làm động lực để tiếp tục làm công việc đầy ý nghĩa này.

Vẹn tình đồng đội

Khắp bốn bức tường trong căn nhà nhỏ, huân chương, bằng khen được ông Phổ trưng bày trang trọng. Nhưng ông vẫn canh cánh một nỗi buồn vì chỉ mình mình được ngắm, được tự hào, còn những người đã ngã xuống thì sao? Nếu không làm được điều gì cho họ, những phần thưởng ấy đối với ông đều là vô nghĩa. Vậy là, ông Phổ quyết tâm lên đường tìm kiếm những đồng đội đang nằm lại nơi chiến trường xưa.

Đã có người nghĩ ông Phổ có khả năng ngoại cảm. Thật ra, ông không có gì ngoài cái tâm trong sáng. Đội nắng, đội mưa, không một đồng thù lao, ông cứ một mình trên chiếc xe đạp cũ, băng rừng, lội suối, âm thầm đi tìm đồng đội. Vết thương khiến chân trái của ông ngắn hơn chân phải, đi lại tập tễnh, khó khăn, vậy mà chưa bao giờ ông tỏ ra mệt mỏi, chùn bước. Say sưa kể những câu chuyện trên chiến trường năm xưa, ông bảo, một lý do nữa thôi thúc ông làm công việc này là lời hứa với đồng đội năm xưa. Ngày đó, ông cùng anh em làm nhiệm vụ trinh sát trong lòng địch. Cuộc chiến quá tàn khốc, bộ đội ta hy sinh rất nhiều, đa phần họ mất khi còn chưa kịp ăn cơm. Thương đồng đội, ông cùng 4 chiến sĩ khác đã mua bát đũa làm cơm cúng anh linh các chiến sĩ và có lời hứa rằng, khi chiến tranh kết thúc sẽ mang những kỷ vật còn lại về giao tận tay cho thân nhân của họ. Nào ngờ, cả tiểu đội chỉ còn mình ông sống sót. Nâng niu những kỷ vật ấy như tính mạng mình, ông đã lặn lội mang đến cho người thân của từng liệt sĩ.

Dẫu đã hoàn thành tâm nguyện với anh em, nhưng ông Phổ vẫn luôn trăn trở bởi còn hàng trăm chiến sĩ đang phải nằm lạnh lẽo ở nơi chiến trường xưa. Mỗi lần thắp nén tâm nhang, hình ảnh họ hát, họ cười lại xoáy sâu vào tâm can, khiến ông đau nhói. Cầm cuốn sổ ghi chép thời gian, địa điểm hy sinh của đồng đội, ông Phổ nghẹn lời: “Nếu không đưa được họ trở về, tôi thấy có lỗi lắm vì họ đã hy sinh cả mạng sống còn đang phơi phới tuổi xuân của mình để bảo vệ Tổ quốc”.

Một năm 365 ngày, thì có tới hơn 200 ngày ông dành thời gian đi tìm đồng đội. Mỗi lần ông rời nhà, bà Nguyễn Thị Phức (vợ ông Phổ) lại như “ngồi trên đống lửa”. Bà lo cho sức khỏe của ông vì biết tính ông đã quyết làm gì thì quên ăn, quên ngủ. Hơn nữa, lương hưu có bao nhiêu, ông đều dành hết để làm công việc ý nghĩa này, thành ra một chút tiền phòng thân ông cũng không có. Bà Phức chia sẻ: “Kinh tế gia đình chẳng mấy khá giả nên để có kinh phí đi tìm, khâm liệm cho các liệt sĩ, có lúc tôi phải bán lợn bán gà, cả mấy kén tằm đưa tiền cho ông ấy. Thương chồng nặng tình nghĩa với đồng đội, tôi cũng không nỡ cản”. Đến nay, ông Phổ đã tìm được hơn 200 bộ hài cốt liệt sĩ. Tốn của, tốn công nhưng ông vẫn tự hào nói “làm công việc này chỉ có được chứ không có mất”. Cái ông được nhất là chứng kiến giây phút thiêng liêng khi thân nhân đón liệt sĩ trở về.

“Còn sức, tôi sẽ tiếp tục đón họ trở về”

Mỗi chuyến đi với ông Phổ đều là kỷ niệm khó quên. Nhớ nhất với ông là trường hợp gia đình chị Kiều Thị Hận, con gái liệt sĩ Kiều Xuân Tẩy, một trong bốn người bạn thân nhất của ông khi còn ở chiến trường: “Liệt sĩ Tẩy hy sinh, chị Hận không có bất cứ một giấy tờ nào chứng minh cha mình là liệt sĩ. Cũng vì nỗi đau đó, chị phải mang cái tên “Hận”. Tự tay chôn cất đồng đội, tôi đã báo tin cho gia đình chị cùng người thân vào Phú Yên để đưa anh về, chứng minh được những vướng mắc trong các hồ sơ, lý lịch. Giây phút đón cha, chị Hận cầm tay tôi nghẹn ngào: Nhờ chú mà cháu đưa được cha về và cháu không còn phải mang cái tên “Hận” nữa”.

Một trường hợp khác là liệt sĩ Nguyễn Quang Chinh, hy sinh tại Phú Yên năm 1971, được ông Phổ chôn cất tại một khóm tre còn lại sau trận bom tàn khốc của địch. Ngày trở lại, khóm tre đã mọc thành một lũy tre dày đặc, thấy vậy, ông Phổ ngỏ ý mua lại cả bãi tre để tìm mộ bạn. Chủ nhân bụi tre liền nói: “Các liệt sĩ đã hy sinh để chúng tôi có được ngày hôm nay. Khóm tre này tôi có thể trồng lại, gia đình chúng tôi sẽ hỗ trợ để tìm được bác Chinh”. Nghe thế, ông Phổ mừng đến rơi nước mắt.

Tìm mộ liệt sĩ chưa bao giờ là dễ dàng bởi trải qua năm tháng, vật đã đổi, sao đã dời, việc xác minh danh tính, địa điểm phần mộ nhiều khi không còn trùng khớp. Mặc cho khó khăn, người thương binh ấy vẫn không bỏ cuộc. Còn nhiều chiến sĩ đang đợi về với đất mẹ, nhưng ông Phổ chưa thể đi tìm bởi dịch Covid-19. Ông tự hứa, khi hết dịch sẽ ngay lập tức lên đường: “Tôi phải đưa được đồng đội về bằng mọi giá”. 

 ĐÌNH TOÁN; ảnh: HÀ HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top